"Khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, chứ không làm năng lượng tái tạo theo phong trào"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tinh thần cầu thị và những chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiển (Phó trưởng ban Kinh tế trung ương) đã “hâm nóng” bầu không khí của buổi toạ đàm “ Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo” diễn ra hôm 29/10.
Toàn cảnh buổi toạ đàm "Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo" (Ảnh: P.D)
Toàn cảnh buổi toạ đàm "Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo" (Ảnh: P.D)

Phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó trưởng ban Kinh tế trung ương) cho biết Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) của Bộ Chính trị đã được triển khai tương đối nhanh và đồng bộ. Sau khi có nghị quyết, Bộ Công thương đã triển khai thần tốc tổng sơ đồ điện VIII, “rất nhanh so với triển khai các tổng sơ đồ điện trước đây”.

Vị Phó trưởng ban Kinh tế trung ương chỉ rõ những bất cập của sơ đồ điện VII, tạo ra sự cứng nhắc cho việc điều chỉnh, bổ sung.

Dù được điều chỉnh, bổ sung liên tục nhưng số lượng các dự án được triển khai trên tổng số lượng các dự án được bổ sung vào quy hoạch rất thấp. Có nhiều dự án được bổ sung quy hoạch là giữ đất, giữ chỗ, còn nhà đầu tư có năng lực lại không tham gia được.

“Vậy thì phải có cách tiếp cận mới như thế nào? Phải chăng tư duy cách tiếp cận về “người chiến thắng” chứ không nên dàn đều, ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực, triển khai thực? Tiếp theo là làm sao để có sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước?” – ông Hiển đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Hiển cho biết Nghị quyết 55 cũng khuyến khích tư nhân tham gia cả truyền tải điện quốc gia. Thực tế, đã có doanh nghiệp làm 17 km đường dây truyền tải chỉ trong 12 ngày. Nhưng cần phải có giải pháp để từ thí điểm đó biến thành cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải điện gắn với năng lượng tái tạo.

Về cơ chế giá FIT (feed in tariffs), ông Nguyễn Đức Hiển cho biết hiện có 2 luồng ý kiến rất rõ.

Một là gia hạn cơ chế ưu đãi giá FIT, ví dụ: điện gió kéo dài tới năm 2023, điện gió ngoài khơi là năm 2025. Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng chỉ nên áp cơ chế giá FIT trong giai đoạn đầu, tiếp đến phải có cơ chế cạnh tranh, thị trường hơn, không thể cứ ưu đãi để dẫn đến tình trạng giữ chỗ, xin cho.

“Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về ưu đãi mà các bộ ngành vẫn chưa đề cập. Ưu đãi mà cứ xin cho thì không tốt, mà phải dùng những công cụ về kinh tế, khuyến khích những nhà đầu tư có năng lực, ai hiệu quả thì được ưu đãi” – ông Hiển nói.

Mặt khác, Nghị quyết 55 cũng nêu rõ tập trung phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo, không làm theo phong trào, dàn trải, cào bằng. Chính sách cần khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, không làm phong trào nhằm tránh xảy ra tình trạng xếp hàng chờ ưu đãi.

“Tư duy hỗ trợ là dành cho “người chiến thắng”, người có đủ năng lực” – ông Hiển nhấn mạnh.

Về nguồn vốn, một trong những vấn đề quan trọng là hợp đồng mua bán điện chưa theo chuẩn mực quốc tế khiến doanh nghiệp khó huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng khó thẩm định khi cho vay.

Vị Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng chính sách về giá phải dài hạn, không thay đổi thường xuyên, rủi ro phải đo lường được. Không thể ép các NHTM phải cho vay nếu có rủi ro. Vì vậy, buộc phải dùng các biện pháp kỹ thuật, áp dụng các hệ số tính toán rủi ro.

“Đừng biến cao tốc thành đường làng xã”

Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Ngọc Tân - Thành viên HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) – cho biết Nghị quyết 55 đã nói rõ việc có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Thời gian qua, Chính phủ đã có thí điểm cho nhà đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải. Nếu nhà đầu tư không vận hành được có thể thuê EVNNPT quản lý vận hành, hoặc kết hợp để hoà lưới. Còn điều hành rao sao thì do trung tâm điều độ quốc gia.

Theo chiến lược quy hoạch phát triển năng lượng, năm 2030 tổng sản lượng điện cần là 550-600 tỉ KWh, tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

Để đáp ứng được sản lượng trên, nhu cầu đầu tư của EVNNPT rất lớn nhưng vấn đề không chỉ dừng ở câu chuyện truyền tải điện. Bởi lẽ, truyền tải điện cho nhà máy điện mặt trời kém hiệu quả hơn đầu tư đường truyền tải cho các nhà máy điện than cùng quy mô.

Với nhu cầu đầu tư truyền tải rất lớn, việc tư nhân tham gia vào công tác truyền tải điện là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, cũng cần phải có quy định cụ thể, đừng để đường truyền tải quốc gia từ “cao tốc thành đường làng xã” vì càng nhiều nhánh, phần tử tham gia càng gây nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Quy hoạch phát triển ngành điện, trong đó có NLTT Việt Nam được thực hiện theo quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Theo đó, đến năm 2020, quy mô công suất điện mặt trời quy hoạch là 850 MW, nhưng thực tế hiện nay đã vượt gần 8 lần và đạt 6.314 MW, công suất điện gió quy hoạch là 800 MW thực tế chỉ đạt 375 MW, điện sinh khối 600 MW nhưng thực tế mới chỉ đạt 325 MW.

Do giai đoạn 2011 – 2020 cơ bản đã kết thúc cùng với những bất cập trong quy hoạch điện VII, vì vậy, dự thảo quy hoạch mới (Quy hoạch điện VIII) đã được xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Nội dung quy hoạch phát triển NLTT trong quy hoạch điện VIII được xây dựng theo hướng nâng quy mô công suất và tỷ trọng NLTT trong giai đoạn 2020 – 2045.

Cụ thể, tới năm 2045, điện sản xuất bằng NLTT có tỷ trọng đạt 44%. Trong đó, sản lượng điện gió cao nhất chiếm 22%, điện mặt trời là 20% và điện sinh khối duy trì ở mức tỷ trọng 2%./.