Những khu đất có vị trí đắc địa như các lô đất tại Thủ Thiêm được đem ra đấu giá gây xôn xao dư luận gần đây không còn nhiều, nên rất cần được chắt chiu, cân nhắc. Và quan trọng hơn là cần được đấu giá một cách công khai, minh bạch, vì đó là nguồn tài nguyên quan trọng còn lại của nhân dân toàn thành phố.
Theo quan điểm của Viện Kinh Tế Xanh, thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm là một thành công to lớn của chính quyền thành phố khi mang lại một nguồn tài chính quan trọng thúc đẩy quá trình tái thiết.
Có thể nói, TP. HCM đã rất thành công khi tại thời điểm hiện tại, với tài nguyên còn lại trong tay, thu hút được một lượng tài chính quan trọng như vậy về cho ngân sách. Các nguồn tài nguyên với giá trị thương mại kém hơn sẽ được để dành để giải quyết các vấn đề xã hội như nhà cho người thu nhập thấp.
Yếu tố cốt lõi của cuộc đấu giá vừa qua chính là sự công khai, minh bạch, khi ở một số địa phương từng chứng kiến tình trạng giao “đất vàng” không qua đấu giá, với giá trị thấp hơn các khu đất Thủ Thiêm rất nhiều. Nên nếu giải quyết không tốt, không công khai minh bạch, sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ.
Tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng phiên đấu giá truyền đi nhiều tín hiệu tới thị trường bất động sản, rằng từ nay cách làm (phân bổ đất công) sẽ khác với trước rất nhiều, theo hướng minh bạch hơn, doanh nghiệp đầu tư có thể có tỉ suất lợi nhuận thấp hơn nhưng an toàn hơn, bảo đảm tiến độ hơn.
Theo Nghị Quyết đại hội đại biểu TP. HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Tp. HCM sẽ trở thành thành phố năng động, sáng tạo, thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của Châu Á và Thế giới.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, thành phố này hiện đang chịu tổn thất về người, thu ngân sách giảm sút do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, lao động thất nghiệp và dịch chuyển về địa phương nên tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đang nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thành phố tái cơ cấu, định hình lại không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số, tạm ngưng cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Từ đó, từng bước dịch chuyển các khu công nghiệp, khu chế xuất ra khỏi địa bàn thành phố về các địa phương lân cận để quy hoạch phát triển lĩnh vực thương mại – dịch vụ, bất động sản…và dự trữ quỹ nguồn tài nguyên bất động sản nhằm thực hiện phương thức đấu giá công khai, đúng quy định của pháp luật, để có nguồn vốn tái đầu tư, phát triển thành phố trong dài hạn.
Việc tập trung phát triển mạnh mẽ lĩnh vực thương mại – dịch vụ (bao gồm: y tế, giáo dục, phân phối, bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, bất động sản, du lịch, khoa học – công nghệ và sản xuất sản phẩm công nghệ cao) nên được ưu tiên vì là những ngành kinh tế thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, không gây ô nhiễm môi trường nhưng tạo ra giá trị, đóng góp cho xã hội vô cùng to lớn.
Ngoài ra, Tp. HCM nên tập trung đầu tư hạ tầng kết nối với các tỉnh để thành phố hưởng lợi từ vị trí trung tâm và phân phối lại cân bằng./.
(*) Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh