Trong một khán phòng lạnh lẽo ở Afghanistan, những viên ngọc lục bảo xanh vừa được khai thác sáng lấp lánh dưới ánh đèn bàn khi những gã thương lái đá quý râu ria chăm chú kiểm tra độ tinh khiết và chất lượng của chúng.
Một người điều khiển phiên đấu giá bắt đầu gọi thầu cho lô ngọc đầu tiên, 256 carat. Và như thế, phiên đấu giá đá quý hàng tuần của Taliban chính thức khởi động.
Những cuộc đấu giá này, diễn ra tại tỉnh Panjshir vốn giàu ngọc lục bảo ở miền Đông Afghanistan, là một phần trong nỗ lực của chính phủ Taliban nhằm tận dụng tiềm năng khổng lồ về khoáng sản và đá quý của đất nước.
Kể từ khi giành quyền kiểm soát vào tháng 8/2021, Taliban tuyên bố họ đã ký kết nhiều hợp đồng với hàng loạt nhà đầu tư để khai thác đá quý, vàng, đồng, sắt và các khoáng sản giá trị khác như crom. Những kho báu dưới lòng đất này có thể mang lại nguồn tài chính dồi dào cho nền kinh tế đang suy yếu.
Trung Quốc dẫn đầu trong các khoản đầu tư thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chiến lược tích cực nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Các nhà đầu tư từ Nga và Iran cũng đã ký giấy phép khai thác, lấp đầy khoảng trống sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ vào năm 2021.
Chính phủ Mỹ ước tính rằng ít nhất 1 nghìn tỷ USD khoáng sản nằm dưới các vùng núi hiểm trở của Afghanistan. Đất nước này giàu đồng, vàng, kẽm, crom, cobalt, lithium và các khoáng sản công nghiệp, cũng như các loại đá quý và bán quý như ngọc lục bảo, hồng ngọc, saphia, garnet và lapis lazuli.
Afghanistan cũng sở hữu một lượng lớn các nguyên tố đất hiếm, theo Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) của Mỹ, cơ quan sẽ đóng cửa trong năm nay. Những nguyên tố này được sử dụng trong nhiều công nghệ hiện đại, như điện thoại di động, máy tính xách tay và xe điện.
Taliban đang cố gắng làm điều mà Mỹ không thể trong suốt 20 năm chiếm đóng. Chính phủ Mỹ đã chi gần 1 tỷ USD để phát triển các dự án khai thác ở Afghanistan, nhưng “tiến triển thực tế là rất nhỏ và không bền vững,” SIGAR kết luận trong một báo cáo công bố vào tháng 1/2023.
Nhiều trở ngại từ thời đó vẫn có thể tồn tại: thiếu an ninh, cơ sở hạ tầng yếu kém, tham nhũng, chính sách và quy định không nhất quán, cùng sự thay đổi thường xuyên của các quan chức chính phủ.
Nền kinh tế tụt dốc
Tuy vậy, Taliban vẫn quyết tâm thử sức, vì họ đang rất cần nguồn thu sau khi Afghanistan mất đi sự hỗ trợ tài chính lớn lao kể từ khi Mỹ rút quân.
Trong thời kỳ chiến tranh, Mỹ đã cung cấp khoảng 143 tỷ USD viện trợ phát triển và nhân đạo cho Afghanistan, duy trì chính phủ thân Mỹ. Kể từ năm 2021, Mỹ đã viện trợ 2,6 tỷ USD, được chuyển đến Kabul bằng các gói tiền mặt đóng kín do một nhà thầu tư nhân thực hiện, theo SIGAR.
Nền kinh tế Afghanistan đã giảm 26% trong 2 năm qua, Ngân hàng Thế giới báo cáo vào tháng 4/2024. Sự sụt giảm mạnh trong viện trợ quốc tế đã khiến Afghanistan “không còn bất kỳ động lực tăng trưởng nội bộ nào”.
Bên cạnh đó, lệnh cấm sản xuất thuốc phiện của Taliban đã khiến nông dân mất đi 1,3 tỷ USD thu nhập, tương đương 8% GDP của Afghanistan, Ngân hàng Thế giới cho biết. Lệnh cấm này đã làm mất 450.000 việc làm và giảm 95% diện tích đất trồng cây thuốc phiện, theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm.
Hoạt động khai thác khoáng sản có thể thay thế cây thuốc phiện để trở thành nguồn thu ổn định. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, cùng với Trung Quốc và Iran, đã đầu tư vào các mỏ sắt, đồng, vàng và xi măng. Các công ty của Uzbekistan cũng đã ký hợp đồng khai thác dầu ở miền Bắc Afghanistan, theo Bộ Mỏ và Dầu khí.
Vực dậy ngành công nghiệp “đá xanh”
Taliban đã bắt đầu thu thuế từ việc bán ngọc lục bảo.
Dưới chính quyền trước đây, thương mại ngọc lục bảo là một lĩnh vực đầy tham nhũng. Các lãnh chúa và thương lái có quan hệ chính trị thống lĩnh thị trường, và việc thu thuế rất lộn xộn. Nhưng khi chính phủ Taliban tổ chức các phiên đấu giá ngọc lục bảo hàng tuần, họ đã kiểm soát và đánh thuế toàn bộ các giao dịch. Các thương lái mua ngọc lục bảo tại các phiên đấu giá chỉ nhận được đá sau khi nộp thuế 10%.
Taliban cũng đang đánh thuế các loại đá quý khác, bao gồm hồng ngọc và saphia.
Ông Rahmatullah Sharifi, một thương lái đá quý, người đã mua hai lô ngọc lục bảo tại phiên đấu giá, cho biết ông không ngại việc nộp thuế.
“Chính phủ cần tiền để phát triển đất nước”, ông nói. “Câu hỏi đặt ra là: Họ có sử dụng nó để giúp đỡ người dân Afghanistan hay không?”.
Tại tỉnh Panjshir, nơi phần lớn ngọc lục bảo của Afghanistan được khai thác, chính phủ đã cấp 560 giấy phép khai thác ngọc lục bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, theo ông Hamayoon Afghan, phát ngôn viên Bộ Mỏ và Dầu khí.
Bộ cũng đã cấp giấy phép khai thác hồng ngọc tại các tỉnh Panjshir và Kabul, ông Afghan cho biết, và đang có kế hoạch cấp thêm giấy phép khai thác ngọc lục bảo và đá quý ở ba tỉnh khác.
Tuy nhiên, nhiều giấy phép mới thuộc về các mỏ chưa đi vào hoạt động. Và nhiều mỏ hiện tại đang gặp khó khăn vì cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu kỹ sư cùng chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm.
Ông Afghan thừa nhận rằng Afghanistan cần thêm nhiều kỹ sư và chuyên gia. Các nhà đầu tư nước ngoài mang theo đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, ông nói, và họ có nghĩa vụ theo hợp đồng phải tuyển dụng người Afghanistan và đào tạo họ các kỹ năng kỹ thuật và kỹ thuật khai thác.
Phần lớn ngọc lục bảo mua tại các phiên đấu giá hàng tuần được bán lại cho các khách hàng nước ngoài, các thương lái cho biết.
Phục vụ các khách hàng nước ngoài
Trong số các thương lái mua ngọc lục bảo vào một ngày trong tháng 11/2024 có ông Haji Ghazi, người bán đá quý từ một căn phòng nhỏ tối tăm như hầm trong khu chợ ở trung tâm Kabul.
Hai ngày sau phiên đấu giá, ông Ghazi khóa cửa hàng, kéo rèm và mở chiếc két sắt cũ kỹ. Ông lấy ra nhiều gói ngọc lục bảo và hồng ngọc, mỗi gói được bọc trong một tờ giấy trắng đơn giản.
Bộ ngọc lục bảo lớn nhất của ông Ghazi có giá trị khoảng 250.000 USD, ông nói. Ông ước tính một gói hồng ngọc nhỏ hơn nhiều có giá khoảng 20.000 USD.
Ở một góc phòng, ông Ghazi chất đống các khối đá nặng với những đường vân xanh dày đặc của lapis lazuli, còn gọi là ngọc lưu ly. Phần lớn nguồn cung lapis trên thế giới được khai thác ở miền Bắc Afghanistan.
Ông Ghazi bán phần lớn đá quý của mình cho các khách hàng từ UAE, Ấn Độ, Iran và Thái Lan. Ông cho biết ông nhớ thời kỳ trước khi Taliban lên nắm quyền, khi sự hiện diện của các nhà đầu tư phương Tây mang đến những khách hàng nhiệt tình từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Australia.
Tại cửa hàng kế bên, ông Azizullah Niyazi bật đèn bàn để chiếu sáng bộ sưu tập lapis, hồng ngọc, saphia và ngọc lục bảo trải trên một bàn nhỏ. Ông vẫn đang chờ vị khách đầu tiên của buổi sáng.
Ông Niyazi cho biết doanh số không còn mạnh mẽ như trong 13 năm ông được phép bán đá quý một ngày mỗi tuần tại một cửa hàng nhỏ trong căn cứ quân sự của liên quân Mỹ. Lợi nhuận của ông tăng vọt khi lính và nhà thầu dân sự xếp hàng mua đá quý vào mỗi thứ Sáu – và họ hiếm khi mặc cả, không giống như khách hàng Afghanistan hay Arab, ông nói. Ông đã trả thuế 7% trên lợi nhuận của mình.
Ngày nay, ông Niyazi phải đi xa để tăng doanh số: Ông nói rằng mình đã mở một cửa hàng ở Trung Quốc, nơi ông thường xuyên ghé thăm. Ở Kabul, ông bán đá quý cho các khách hàng đến từ Dubai, UAE, cũng như từ Pakistan, Iran và một số quốc gia khác.
Ông có rất ít khách hàng người Afghanistan.
“Không nhiều người Afghanistan có thể trả 1.000 hoặc 2.000 USD cho một viên đá để làm nhẫn”, ông nói.