Hệ thống S-300 PMU-2 "Favorit" mới được chuyển tới Syria có hiệu quả như thế nào? Đặc biệt là khi sử dụng để chống lại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mà Israel dự định sử dụng nhiều hơn khi tấn công các mục tiêu tại Syria? Vũ khí nào có lợi thế hơn? Đây chính là những chủ đề đang nóng trên báo chí hiện nay. Tất nhiên, sẽ tốt hơn nếu tránh được những hành vi thù địch về mặt quân sự và để ngỏ các câu hỏi trên, bởi câu trả lời sẽ chỉ rõ ràng nếu có một vụ đối đầu thật sự xảy ra.
Công nghệ tàng hình cả về mặt chủ động và bị động đều là để giảm độ thị kiến cũng như cơ hội để phát hiện. Những chi tiết này được bảo mật cũng giống như chi tiết kỹ thuật và năng lực của hệ thống S-300. Điều này khiến cho rất khó để đưa ra dự đoán hay kết luận. Nhưng nhờ những thực tế đã được biết tới, có thể đưa ra những suy xét công bằng và khách quan.
Các quan chức Israel hạ thấp tầm quan trọng của những hệ thống S-300 đã được chuyển tới cho lực lượng quân chính phủ Syria. Bộ trưởng Hợp tác Khu vực Tzachi Hanegbi nói: "Năng lực tác chiến của không quân là điều mà những khẩu đội S-300 không thể thực sự chế ngự được... Bạn biết đấy, chúng tôi có những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình tốt nhất trên thế giới. Những khẩu đội S-300 không thể phát hiện ra chúng".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nói vào hồi tháng 4: "nếu bất cứ ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ trả đũa dù là S-300, S-700 hay bất cứ thứ gì hiện diện tại đây". Lầu Năm Góc cũng bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của S-300.
Công bằng mà nói thì F-35 là một máy bay khó phát hiện với khả năng đặc biệt. Đây là một vũ khí tuyệt vời nhưng S-300 cũng như vậy. Nếu có điều xấu xảy ra, máy bay tốt nhất của không quân Israel F-35I Adir sẽ bị đánh bại bởi hệ thống phòng không tiên tiến do Nga sản xuất.
Một chiếc máy bay tàng hình không phải là vô địch. Nó có sức mạnh và điểm yếu. Tại Syria, máy bay F-35 của Israel sẽ phải đương đầu với một mạng lưới phòng không liên hợp chặt chẽ với nhiều radar tìm cách phát hiện và theo dõi mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau.
Việc sử dụng quá mức công nghệ tàng hình sẽ ngăn chặn năng lực tác chiến của một chiếc máy bay như F-35. Một chiếc máy bay dựa trên công nghệ tàng hình không đặc biệt tốt trong chiến đấu. Nó không thể mang nhiều vũ khí bởi mọi thứ phải ẩn trong thân máy bay. Khả năng tàng hình của nó bị giảm đi khi radar bật lên. Tần số radar thấp có thể phát hiện ra máy bay tàng hình. Khi ngăn chứa bom mở ra để phóng vũ khí cũng sẽ khiến máy bay bị lộ.
Một lần phóng tên lửa 48N6E2 của khẩu đội S-300 có thể khả năng tiêu diệt một mục tiêu trên không ở tỷ lệ 80%-93%. Nếu mục tiêu là tên lửa hành trình thì tỷ lệ là 40%-85% và 50%-77% với tên lửa đạn đạo. S-300 sử dụng radar 96L6 dò và phát hiện trên mọi độ cao hoạt động ở băng tần L. Nó có tầm hoạt động 300km với độ chính xác được tăng cường. Phiên bản S-300 PMU-2 có thể phát hiện và theo dõi 100 mục tiêu. Người ta cho rằng radar của hệ thống này có thể phát hiện các mục tiêu tàng hình.
Sóng bức xạ lớn đi ngược với khả năng tàng hình của máy bay. Radar hoạt động trên các băng tần VHF, UHF, L và S có thể phát hiện và theo dõi F-35 mà không truyền dấu vết. Rõ ràng có thể không phát hiện chính xác mục tiêu nhưng ít nhất có thể biết được nơi chiếc máy bay đang hoạt động.
Những tên lửa phóng theo chiều thẳng đứng của S-300 có thể hiệu chỉnh lại mục tiêu trên đường bay. Sức nổ của chúng rất mạnh mẽ và không cần phải có động lực. Các yếu tố tiêu diệt phức tạp sẽ đánh vào các mục tiêu ở khoảng cách tiếp cận.
Máy bay F-35 của Không lực Israel IAF cần liên kết với các vũ khí khác để nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ. Chắc chắn, chúng sẽ được hộ tống bởi các máy bay tác chiến điện tử - không tàng hình và có thể lộ vị trí, cung cấp cho địch thủ đủ thời gian để có biện pháp trả đũa. Hiện tại, IAF chỉ có 12 chiếc F-35. Thêm 50 chiếc nữa sẽ được chuyển tới vào năm 2024. Giá của mỗi chiếc vào khoảng 100 triệu USD. Sẽ cần nhiều thời gian trước khi chúng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Và 12 chiếc máy bay tàng hình là không đủ cho Israel.
Bên cạnh đó, máy bay cần phải nâng cấp khả năng tác chiến hoàn toàn với phần mềm Block 3F và phần mềm phụ Block 4 cùng các hiệu chỉnh về phần cứng.
Khi các hệ thống S-300 hoạt động, tất cả các máy bay không tàng hình của Israel sẽ đối mặt với rủi ro lớn bất cứ khi nào chúng thực hiện nhiệm vụ tấn công tại Syria. Cũng cần tính đến việc trên Địa Trung Hải, Nga sẽ gây nhiễu radar, các hệ thống điều hướng và liên lạc của bất cứ máy bay nào tấn công mục tiêu tại Syria như Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo ngày 24.9.2018.
Israel có một danh mục các vũ khí tấn công đa dạng với hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và năng lực không gian được cải tiến. Nước này cũng có các binh sĩ kinh nghiệm và được huấn luyện tốt. Nhưng S-300 tại Syria là một yếu tố ngăn chặn cần được tính đến. Hy vọng, tiến trình hòa bình trên đất nước bị chiến tranh tàn phá sẽ được thực hiện và không có sự leo thang nào xảy ra để S-300 phải đối đầu với F-35.