Khi cả nước quyết liệt chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đáng kể nhất trong kết quả về chuyển đổi số quốc gia là Đề án 06 của Bộ Công an về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư vì có ý nghĩa quan trọng với kế hoạch xây dựng Chính phủ số và phục hồi, phát triển KT-XH.

Vinh danh các giải pháp tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2022.
Vinh danh các giải pháp tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2022.

Chưa năm nào mà ở đâu người ta cũng nói nhiều đến chuyển đổi số như năm 2022. Và điểm nhấn của hoạt động này chính là “Ngày Chuyển đổi số Quốc gia” vào dịp 10/10/2022.

Đòi hỏi người lãnh đạo phải đồng hành

Tại tất cả các bộ ngành, địa phương và với cả các doanh nghiệp, đoàn thể, chuyển đổi số cũng đã trở thành một mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, theo GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - chuyển đổi số không phải là một khẩu hiệu, càng không phải là phong trào. Vì vậy, phải thay đổi từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị phát triển và quản trị.

Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại cho rằng công nghệ thông tin thường mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ cho nhà quản lý. Còn chuyển đổi số mang lại giá trị cho người dùng cuối nên phải lấy người dùng làm trung tâm. Chuyển đổi số là chuyển từ chi phí sáng tạo ra lợi ích và giá trị. Giá trị ấy phải đo lường được thì mới thấy được hiệu quả, nếu gặp các giá trị vô hình thì phải lượng hóa chúng.

Với tư cách là một địa phương năng động nhất của cả nước, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định, TP. HCM quyết định đi theo con đường phát triển, đổi mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ, trong đó chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP của thành phố, TPHCM đang tích cực chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Khai mạc chương trình Đổi mới Sáng tạo và Chuyển đổi số TPHCM sáng 13/10/2022
Khai mạc chương trình Đổi mới Sáng tạo và Chuyển đổi số TPHCM sáng 13/10/2022

Riêng với TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam - thì khẳng định vai trò của người đứng đầu quyết định phần nhiều đến thành bại trong chuyển đổi số tại mỗi đơn vị, tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề quan trọng nhất của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Không ai có thể dự báo được khi nào chúng ta hoàn thành được chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải đồng hành với chương trình này với thời gian đủ dài. Tuy nhiên trong hệ thống của chúng ta hiện nay thì có thể nói đây cũng là điểm thách thức. Người đứng đầu còn phải dám chấp nhận thách thức, mạo hiểm.

Bởi chuyển đổi số là cuộc cách mạng, khả năng thành công và khả năng thất bại là 50/50. Nếu chúng ta có quyết tâm, có người lãnh đạo đủ tầm, có nguồn lực thì tỷ lệ thành công cao hơn. Do đó người đứng đầu phải chấp nhận thách thức, gần như là người bảo lãnh về mặt chính trị cho những người được giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương chuyển đổi số của địa phương mình. Trong chừng mực nào đó còn phải chấp nhận hy sinh cả quyền lợi chính trị.

Đề án chuyển đổi số đáng quan tâm nhất

Đáng kể nhất trong những kết quả về chuyển đổi số quốc gia, có thể nói đó là Đề án 06 của Bộ Công an về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch xây dựng Chính phủ số và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 18/7/2022, Hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.

Đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ, cấp hơn 7.800 tài khoản định danh điện tử và trên 67 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử cho công dân.

Chỉ 6 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Đề án 06 đã được triển khai từ trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, những kết quả nêu trên của lực lượng Công an là rất cơ bản, quan trọng, nhưng nhiệm vụ ở phía trước còn rất lớn, rất khó khăn, trước mắt phải hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Việc chuyển sang sử dụng Căn cước Công dân gắn chip là một tiền đề thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong mọi công việc về chuyển đổi số.

Việc chuyển sang sử dụng Căn cước Công dân gắn chip là một tiền đề thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong mọi công việc về chuyển đổi số.

Không chỉ có ngành công an, rất nhiều bộ ngành khác cũng đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia trong thẩm quyền của mình. Quan trọng hơn, các cơ sở dữ liệu quốc gia này cần được liên thông để phục vụ quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chứ không phải dữ liệu của bộ, ngành nào; phải tính toán, thống nhất để đi đến hành động về việc đặt cơ sở dữ liệu quốc gia ở đâu để đảm bảo thuận lợi, an toàn, hiệu quả trong quản lý, khai thác, phát triển. Cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.

Thách thức về nguồn nhân lực

Riêng với giáo dục, PGS. TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho rằng, chuyển đổi số sẽ thay đổi mạnh mẽ mô hình dạy và học, tạo ra động lực cho phát triển năng lực con người, cụ thể là năng lực học tập suốt đời dựa trên năng lực số.

Tuy nhiên, có rất nhiều giáo viên cho rằng “dạy học online”, “trình chiếu bài giảng bằng phần mềm”, “soạn bài giảng bằng words”, “tin nhắn điện tử”,… chính là chuyển đổi số. Những công việc như vậy mới chỉ là “ứng dụng công nghệ” trong giáo dục chứ chưa thể gọi là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đòi hỏi tính hệ thống, đòi hỏi có nhận thức hiệu quả để bắt buộc cải tổ quy trình, chất lượng công việc. Vì thế, một khó khăn dễ thấy là năng lực số của đội ngũ để có thể bắt kịp những yêu cầu đó. Giáo viên mới chỉ tiếp cận, trải nghiệm ở một vài công việc nào đó: như dạy học trực tuyến, sử dụng phần mềm chấm điểm tự động, thiết kế đề thi…

Hơn nữa, năng lực số đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ mà giáo viên đang thực hiện. Do đó, cần thiết phải bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo năng lực số.

Còn theo PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế cho thấy, năng lực số của nguồn nhân lực nói chung và năng lực số của sinh viên Việt Nam nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của chuyển đổi số. Do vậy cần có những nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động này ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sinh viên đại học chính là nguồn nhân lực quan trọng cho chuyển đổi số

Sinh viên đại học chính là nguồn nhân lực quan trọng cho chuyển đổi số

Theo PGS,TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại - chuyển đổi số bên cạnh những tiện ích mang lại giúp cho việc học và dạy trở nên nhẹ nhàng và thông minh hơn thì chuyển đổi số tại các trường đại học vẫn gặp khá nhiều trở ngại và thách thức như: Thách thức về nguồn lực con người, về cơ sở hạ tầng, về chi phí, đổi mới về phương pháp học và dạy,... khiến cho việc ứng dụng chuyển đổi số ngày càng trở nên khó khăn hơn trong các giai đoạn hoàn thiện. Những thách thức các trường đại học đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số cụ thể như sau:

Thách thức chiến lược: Các trường đại học còn chưa xây dựng và triển khai được chiến lược chuyển đổi số trong dài hạn nhằm giá trị mang tới cho người học từ người dạy và hệ thống đào tạo. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn và quan điểm hành động của Ban lãnh đạo nhà trường, không nên coi chuyển đổi số chỉ là các sáng kiến kỹ thuật số ngắn hạn, như triển khai các phần mềm ứng dụng, mà phải xác định và truyền thông đây là một chiến lược dài hạn của Trường.

Thách thức về chi phí đầu tư: Thực tế, đầu tư vào chuyển đổi số mang bản chất của đầu tư công nghệ, mang tính rủi ro cao, đây cũng là xu thế chung đang phát triển nên các tiêu chí đánh giá vẫn chưa rõ ràng và rất khó lượng hóa. Chuyển đổi số có rất nhiều chi phí ẩn, ngoài một chi phí hiển nhiên là chi phí phần mềm thì các chi phí về thời gian, đào tạo, vận hành,... cũng là một khoản rất đáng kể.

Do đó, tính toán chi phí, đánh giá khả năng sinh lời và huy động vốn thực hiện đầu chuyển đổi số là bài toán khó đối với bất kỳ đơn vị nào, kể cả các trường đại học. Trong khi, đầu tư vào chuyển đổi số nhất là tại các trường đại học tại Việt Nam là một khoản khổng lồ và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc vào đối tác cung cấp nền tảng, sự phát triển của khoa học và công nghệ, cũng như sự phù hợp với đặc thù của mỗi trường.

Thách thức về nguồn lực công nghệ: Để giáo dục trực tuyến, toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần phải số hóa để thực hiện quy trình quản lý người học và thực hiện đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập. Hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học).

Bên cạnh đó, do đa phần các trường mang đặc thù giáo dục đào tạo, nên đều thiếu nguồn lực, đặc biệt bộ phận CNTT, cũng là trở ngại lớn đối với các trường đại học Việt Nam trong triển khai chuyển đổi số.

Thách thức về nguồn nhân lực triển khai ở ba góc độ tại các trường đại học Việt Nam: Thứ nhất liên quan đến việc các cán bộ và nhân viên quản lý và trong các bộ phận hỗ trợ thiếu hoặc không đủ khả năng triển khai sử dụng các nền tảng số.

Thứ hai là trình độ kỹ thuật số của đội ngũ giảng viên còn thấp, đặc biệt là đội ngũ trung niên, có nhiều kinh nghiệm nhưng tiếp xúc hạn chế với công nghệ.

Vấn đề thứ ba là khoảng cách thế hệ giữa các học viên được coi là thành thạo công nghệ số và các giảng viên, học viên phải thích ứng và học cách sử dụng công nghệ. Sự chênh lệch thế hệ này tạo ra những rào cản đáng kể đối với các bên tham gia trong truyền tải và tiếp nhận kiến thức.

Thách thức thay đổi phương pháp sư phạm và chương trình giảng dạy: Chuyển đổi số không chỉ giới hạn trong tài liệu số, giảng dạy trực tuyến, mà cần sự tham gia sáng tạo của đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu trong xây dựng và triển khai các các mô hình và môi trường dạy và học mới.

Nói cách khác là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.

Thách thức về bảo mật dữ liệu và các vấn đề pháp lý liên quan: Công nghệ số kết nối vạn vật mang lại nhiều lợi ích, thời cơ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh mạng. Thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.

Như vậy, có thể khẳng định là thách thức về nguồn nhân lực đang là rất lớn cho công cuộc chuyển đổi số, ngay cả với hệ thống giáo dục mà ít nhất đi đầu chính là hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Đương nhiên, khi chuyển đổi số về với địa phương thì những thách thức này càng là lớn hơn.

Ông Trương Gia Bình, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam - cho rằng: Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân. Muốn lĩnh vực chuyển đổi số ở một tỉnh, thành phố đạt được thành công thì cần sự hợp lực của tỉnh ủy, chính quyền nơi đó, cần kết nối nhân dân hợp lực với doanh nghiệp. Đây là công việc khó nhất vì phải chạm đến được từng người dân để mọi người thay đổi thói quen trong kinh doanh và các lĩnh vực khác của đời sống.