Chuyên gia bày cách giúp doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống trên nền tảng số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội thảo "Kiến tạo thành công trên nền tảng kinh doanh số" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống trên nền tảng số một cách hiệu quả, đã diễn ra hôm nay, 29/4, do UBND TP Huế tổ chức.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm thực chiến trong kinh doanh online, chinh phục khách hàng trên nền tảng số

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm thực chiến trong kinh doanh online, chinh phục khách hàng trên nền tảng số

Hội thảo "Kiến tạo thành công trên nền tảng kinh doanh số" là hoạt động ý nghĩa diễn ra tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023, nhằm đồng hành, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm thủ công với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống.

Cần coi trọng các “điểm chạm” với khách hàng

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh online, chuyển đổi số, đã chia sẻ những kinh nghiệm thực chiến trong kinh doanh online, để chinh phục khách hàng từ sản phẩm đến hoạt động bán hàng trên nền tảng số, cũng như hành trình giao nhận trọn vẹn.

Các diễn giả đã chia sẻ những phương thức và công cụ bán hàng hiệu quả. Một trong những giải pháp không thể thiếu để thành công là thấu hiểu khách hàng và tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.

Theo các chuyên gia, để tạo được trải nghiệm tốt cho khách hàng nhằm tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp cần chú trọng vào các "điểm chạm" tiếp xúc với khách hàng, hay còn gọi là thiết kế trải nghiệm khách hàng. Điều này có thể được thực hiện thông qua các kênh bán đa dạng, truyền thông marketing hay chọn đối tác vận chuyển chuyên nghiệp...

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn truyền thông Lê – cho rằng, những nội dung mà các doanh nghiệp, các đơn vị làng nghề có thể phát triển khi livestream nhằm tăng hiệu quả trong kinh doanh, là lựa chọn nội dung khơi gợi nhu cầu mua hàng, cách kể chuyện về thương hiệu và sản phẩm...

Còn ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Đại diện TikTok Việt Nam - gợi ý về những công cụ bán hàng hiệu quả trên nền tảng online, đặc biệt là livestream bán hàng trên mạng xã hội, bởi độ tiếp cận và tính trực quan cao.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Bên cạnh đó, theo các diễn giả, khi doanh nghiệp tạo được kênh bán hiệu quả và đa dạng, thì những công cụ bán hàng và marketing nào sẽ tối ưu trên các kênh bán này là nội dung cần được xem xét.

Bên cạnh đó, một khâu quan trọng trong việc xây dựng trải nghiệm khách hàng là lựa chọn đối tác vận chuyển uy tín và chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - đại diện J&T Express - chia sẻ: Trong cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có hơn 97% khách hàng tham gia khảo sát hài lòng với yếu tố “hoạt động xuyên suốt 365 ngày” của chúng tôi. Điều này giúp chủ shop có thể giao hàng cho khách kịp thời vào những dịp cao điểm hay lễ, Tết hay những ngày nghỉ bao gồm Thứ 7 và Chủ nhật. Có đến hơn 93% người dùng hài lòng với thái độ phục vụ thân thiện và luôn sẵn sàng hỗ trợ của shipper của chúng tôi”

Bán hàng online là xu hướng tất yếu

Tại phần thảo luận của hội thảo, các diễn giả đã “hiến kế” những giải pháp cụ thể hơn cho việc kinh doanh các sản phẩm thủ công, các làng nghề truyền thống.

Các đại biểu cho rằng đặc điểm của sản phẩm thủ công là được đầu tư kỹ lưỡng, thường gắn liền với giá trị văn hoá, lịch sử của làng nghề truyền thống, hoặc gia truyền từ nhiều đời, nên nhiều nghệ nhân chỉ tập trung vào lưu truyền nghề, chứ không nghĩ đến việc làm thế nào để biến sản phẩm thủ công thành những sản phẩm thương mại có giá trị cao.

Tuy nhiên, khi các cơ sở sản xuất thủ công muốn phát triển, thì việc thương mại hoá hay chuyển dịch sang bán hàng online sẽ như một xu thế tất yếu.

Hơn nữa, trong quá trình chuyển dịch, bài toán vận chuyển các sản phẩm thủ công cồng kềnh và giá thành cao là trở ngại khá lớn với các doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp hay chủ hộ kinh doanh nghề thủ công truyền thống cần tìm hiểu về quy chuẩn, quy cách trong khâu đóng gói hàng hóa ngay từ khi sáng tạo ra sản phẩm, cũng như tìm kiếm những đối tác vận chuyển chuyên nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của hàng hoá.

“Từ kinh nghiệm tham gia vận chuyển một số sản phẩm thủ công tham gia các triển lãm sáng tạo, nhất là các sản phẩm cồng kềnh, đòi hỏi phần đóng gói, vận chuyển phải được tính toán rất kỹ lưỡng, chúng tôi thấy cần phải xây dựng những quy chuẩn riêng với những sản phẩm sáng tạo thủ công độc bản, mang giá trị cao, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển cực kỳ công phu và cẩn trọng.

"Chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các làng nghề để giải quyết các khó khăn trong quá trình bán hàng nói chung và khâu vận chuyển hàng hoá thủ công nói riêng; lan toả những giá trị văn hoá truyền thống đến với người tiêu dùng trong cả nước” - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Lễ ký kết liên minh hợp tác giữa các đơn vị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyên về sản phẩm thủ công truyền thống phát triển kinh doanh online

Lễ ký kết liên minh hợp tác giữa các đơn vị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyên về sản phẩm thủ công truyền thống phát triển kinh doanh online

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, để có thể tạo chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, và quan trọng là các doanh nghiệp cần tìm ra điểm khác biệt lõi, từng bước xây dựng hệ sinh thái truyền thông, xây dựng hệ thống phân phối và bán hàng hiệu quả.

Trong khuôn khổ hội thảo, Viện Nghiên cứu phát triển Huế (Huế IDS), Tập đoàn truyền thông Lê, Công ty TNHH J&T Express Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam đã ký kết liên minh hợp tác giữa 4 bên, để xây dựng các chương trình hỗ trợ, chung tay giúp các doanh nghiệp địa phương và trên cả nước phát triển các cơ hội kinh doanh online, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các sản phẩm thủ công và làng nghề Việt Nam.