Với nhiều hoạt động thiết thực trong suốt nhiệm kỳ qua, Hội Truyền thông số Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số của đất nước cũng như của các địa phương, mà Đà Nẵng là một điển hình, khi trở thành địa phương liên tục nhận được nhiều giải thưởng về đô thị thông minh. Ngay trước thềm Đại hội nhiệm kỳ mới của Hội Truyền thông số Việt Nam (diễn ra vào ngày 11/12/2022), Viettimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - về những đóng góp của Hội Truyền thông số Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương cũng như đất nước.
Góp phần đưa công nghệ số vào mọi mặt của xã hội
- Là người đứng đầu ngành TT&TT địa phương trong nhiều năm qua với những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, ông đánh giá thế nào về vai trò của Hội Truyền thông số Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng: Hội Truyền thông số Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông số, chuyển đổi số. Với những kết quả đã làm được, Hội đã thực sự khẳng định được vai trò trong lĩnh vực này
Được thành lập từ năm 2011, trước nhu cầu phát triển về công nghệ số của đất nước, Hội đã nhanh chóng quy tụ, đoàn kết nhiều lực lượng, từ các doanh nghiệp đến chuyên gia uy tín hoạt động trong lĩnh vực này, để tạo nên sức mạnh đóng góp đáng kể cho tiến trình phát triển của công nghệ số, từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đến ứng dụng công nghệ trong đời sống. Đặc biệt là đưa công nghệ số vào mọi mặt của xã hội.
Về trách nhiệm của xã hội, Hội Truyền thông số đã có đóng góp rất lớn, khi mang tiếng nói của những người công tác trong lĩnh vực này, cũng như các ý kiến, đề xuất của các tổ chức, doanh nghiệp đến với Chính phủ, cơ quan nhà nước, để kịp thời có chính sách thúc đẩy phát triển về công nghệ số nói chung và CNTT, điện tử viễn thông, truyền thông… nói riêng.
- Từ góc nhìn của Đà Nẵng, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của Hội Truyền thông số Việt Nam đối với địa phương trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Quang Thanh: Ngay khi chúng ta chưa có định hướng về chuyển đổi số, thì trong giai đoạn xây dựng phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia, cũng như chính quyền điện tử của địa phương, Hội Truyền thông số Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình.
Đó là vai trò truyền thông về nhận thức của người dân trong lĩnh vực công nghệ số, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các ứng dụng về thông tin, truyền thông, làm giàu các thông tin, nhất là đem các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này đến với người dân, cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối để các sản phẩm CNTT gần với người dân hơn và được áp dụng vào trong đời sống xã hội.
Hội cũng đưa các chính sách của Đảng, nhà nước, chính phủ đến với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt được định hướng ưu tiên của Chính phủ, từ đó, chủ động nguồn lực để phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT, truyền thông và số hoá.
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - một trong những dấu ấn của Hội Truyền thông số Việt Nam |
- TP Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ở Việt Nam. Vậy Đà Nẵng có định hướng gì về việc hợp tác với Hội Truyền thông số Việt Nam trong tương lai, để đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số của địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thanh: Đối với Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và TP đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”, để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới.
Vì thế, TP Đà Nẵng đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng với tầm nhìn, cam kết, quyết tâm cao của lãnh đạo TP với các chính sách, khung kiến trúc để định hướng, đồng thời, phát triển hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng chuyển đổi số; dịch vụ thông minh để đánh giá hiệu quả.
Là cơ quan tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, Sở TT&TT mong muốn Hội Truyền thông số Việt Nam tiếp tục góp phần vào công tác truyền thông chính sách, định hướng phát triển nguồn nhân lực… của Đà Nẵng từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045. Cụ thể là tập trung vào công tác truyền thông đối với Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, xác định rõ thông điệp chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của TP, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững đối với TP Đà Nẵng.
Chúng tôi mong rằng, Hội Truyền thông số tiếp tục phát huy vai trò định hướng hành động của cộng đồng sử dụng công nghệ số. Đây là điểm khác biệt giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cùng với đó, chúng ta truyền tải, chia sẻ thông tin đến người dùng, góp phần xây dựng lòng tin và thương hiệu của doanh nghiệp, tổ chức để các sản phẩm có ích cho cộng đồng đến gần hơn với đối tượng sử dụng để chủ thể người dân, doanh nghiệp trở thành vai trò trung tâm và họ là người quyết định thành công của tiến trình chuyển đổi số.
Chúng tôi cũng mong rằng, Hội Truyền thông số Việt Nam phát động nhiều hơn nữa các cuộc thi liên quan đến các định hướng về nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực CNTT, định hướng sản xuất từ gia công sang tự sản xuất, định hướng các giải pháp Make in Việt Nam, Make in Đà Nẵng,… kích thích lòng tự tôn dân tộc, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới bằng các sản phẩm công nghệ số.
Song song với đó, Hội sẽ tiếp tục nâng cao vai trò trong các hoạt động phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà khoa học để định hướng truyền thông trong từng giai đoạn phát triển của TP Đà Nẵng trong lĩnh vực chuyển đổi số và áp dụng chuyển đổi số vào kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân thông qua ứng dụng công nghệ số.
- Ông có thể cho biết Đà Nẵng sẽ hợp tác gì với Hội Truyền thông số Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại Đà Nẵng?
Ông Nguyễn Quang Thanh: Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa địa phương và Hội Truyền thông số Việt Nam.
Hội Truyền thông số Việt Nam là cơ quan có vai trò dẫn dắt về lĩnh vực công nghệ số, vì thế, Sở TT&TT sẽ tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng hợp tác với Hội về định hướng truyền thông trong lĩnh vực công nghệ số, nhằm tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với người dân, để các chính sách đến với người dân, doanh nghiệp chủ động hơn, chính xác hơn, giúp người dân hiểu rõ hơn về công cuộc chuyển đổi số.
Còn Hội là kênh phản hồi lại những ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với chính sách về chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, giúp cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý có thông tin đa chiều trong lĩnh vực công nghệ số.
Là cầu nối của người dân, doanh nghiệp với chính quyền
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hội Truyền thông số Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thanh: Trong các trụ cột của chuyển đổi số thì trụ cột về truyền thông, tuyên truyền, định hướng là những trụ cột quan trọng phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong thời gian qua, Hội Truyền thông số đã làm tốt vai trò truyền thông, phản biện các chính sách của nhà nước trong đẩy mạnh cuộc cách mạng 4.0 và đề án chuyển đổi số quốc gia.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đã xây dựng nghị quyết và đề án về chuyển đổi số, vì thế, tôi mong muốn Hội Truyền thông số Việt Nam tiếp tục phát hiện các điển hình, các bài học kinh nghiệm từ các địa phương, bộ, ban, ngành trong chuyển đổi số, từ đó đưa ra các mô hình thành công có thể nhân rộng để các địa phương học tập.
Bên cạnh đó, Hội Truyền thông số cũng chỉ ra được những hạn chế trong quá trình chuyển đổi số tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn vai trò của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, tạo nên luồng không khí mới trong tiến trình chuyển từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số.
/ Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
|
Clip: Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng trả lời phỏng vấn về những đóng góp của Hội Truyền thông số Việt Nam trước thềm Đại hội nhiệm kỳ mới |
- Hội Truyền thông số Việt Nam chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới trong bối cảnh Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số, xem chuyển đổi số là chìa khoá thành công, đưa Việt Nam tiến nhanh hơn. Là người gắn bó với hoạt động CNTT, chuyển đổi số, ông có kỳ vọng gì vào Đại hội lần này, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thanh: Trong suốt 11 năm qua, Hội Truyền thông số Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình, đóng góp quan trọng trong quá trình nhận thức, chuyển đổi từ hạ tầng truyền dẫn, tính toán lưu trữ sang bước kế tiếp hạ tầng số, từ tin học hoá sang dữ liệu, thông minh; từ chính quyền điện tử sang chuyển đổi số gồm Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Vì thế, tôi tin rằng, khi bước sang giai đoạn mới, Hội Truyền thông số Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu từ thực tế người dân, doanh nghiệp và đất nước.
Môt vấn đề nữa là, nguồn nhân lực của Hội hiện tại không chỉ dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp chuyên gia trong công nghệ số, mà cần bao quát hơn, rộng hơn và gần cộng đồng hơn, như nhân sự của các tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Hội cũng cần có cách tiếp cận từ cơ sở lắng nghe những yêu cầu mới, cần được phản hồi, để nghiên cứu đáp ứng; những mô hình hay, ý tưởng tốt cần được nhân rộng; khơi dậy khát vọng từ giới trẻ, cần trẻ hoá hơn nguồn nhân lực, đem lại nhiều đóng góp hơn, làm cho công cuộc chuyển đổi số của chúng ta nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Lãnh đạo Đà Nẵng nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 cho giải pháp "Nền tảng Công dân số thành phố - My Portal Đà Nẵng" |
- Cá nhân ông là một trong những ứng viên được tin cậy giới thiệu tham gia BCH Hội Truyền thông số Việt Nam khoá mới, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước thềm Đại hội nhiệm kỳ mới?
Ông Nguyễn Quang Thanh: Về góc độ cá nhân, là người đứng đầu Sở TT&TT TP, cơ quan tham mưu cho Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ số, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào khi được giới thiệu tham gia vào Ban chấp hành Hội.
Với kinh nghiệm của mình trong công tác quản lý, giảng dạy trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, tôi mong muốn cùng Hội cống hiến nhiều hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội.
Mặt khác, cá nhân tôi mong muốn được là cầu nối giữa Hội Truyền thông số Việt Nam với các cơ quan chức năng, góp phần phát triển các trụ cột của chiến lược chuyển đổi số tại địa phương.
Nhân đây, tôi cũng muốn gửi gắm đến các thành viên của Ban Chấp hành được tín nhiệm ở nhiệm kỳ này niềm tin tưởng và hy vọng Ban Chấp hành mới sẽ phát huy tốt sở trường trong từng nhiệm vụ được phân công.
Cảm ơn ông đã trao đổi!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu