Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông. Ảnh: Đăng Khoa |
Thông tin được đề cập tại Báo cáo “Dữ liệu khu vực công – Khai thác giá trị dữ liệu trên cơ sở đảm bảo an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân” – do Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) – Hội Truyền thông số Việt Nam vừa công bố.
Nhiều bộ ngành, địa phương mơ hồ và lúng túng
Dẫn quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số là kết nối dữ liệu, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng IPS - cho rằng cần sớm có nhận thức đúng đắn và có chiến lược quốc gia về khai thác dữ liệu.
Theo đánh giá của IPS, trong ngắn hạn và trung hạn, việc khai thác được tiềm năng dữ liệu sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền; đồng thời giúp bộ máy nhà nước cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Về dài hạn, nếu có chiến lược và lộ trình "mở" kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý, khối dữ liệu từ khu vực công có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.
Tuy tiềm năng là đầy hứa hẹn, nhưng hiện thực hóa những cơ hội mà công nghệ và dữ liệu mang lại không phải là công việc dễ dàng.
"Các thách thức lớn nhất mà Việt Nam, ở cấp quốc gia, cấp độ ngành, lẫn địa phương đối mặt bao gồm hai vấn đề chính: thiếu một tầm nhìn rõ ràng, đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể và có xác lập thứ tự ưu tiên hợp lý về khai thác dữ liệu; chưa ý thức được và có kế hoạch cụ thể cho vấn đề bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân" - đại diện IPS nói.
Mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hình thành được tư duy cần xây dựng chính phủ số ở cấp độ quốc gia, và chính quyền số ở cấp độ địa phương, nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn mơ hồ và lúng túng khi xác định các công việc cụ thể và thứ tự ưu tiên khi làm. Lãng phí nguồn lực đầu tư và bỏ lỡ những cơ hội của công nghệ số vẫn là rủi ro hiện hữu.
5 việc cần làm ngay để xây dựng và khai thác dữ liệu
Để vượt qua những thách thức kể trên, khu vực công ở Việt Nam cần gấp rút xác định được cách tiếp cận, xác lập được thứ tự ưu tiên phù hợp trong triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cách thức khai thác dữ liệu. Các công việc cụ thể cần làm gồm:
Thứ nhất, về mặt tiếp cận, cần xác lập được tầm nhìn và mục tiêu lấy dữ liệu làm trung tâm cho tiến trình ‘chuyển đổi số’ ở các cơ quan nhà nước; hình thành văn hóa làm việc dựa trên dữ liệu. Đồng thời, coi an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cá nhân của công dân yếu tố đặc biệt quan trọng trong mọi công việc liên quan đến thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu của cơ quan công quyền.
Việc khai thác được tiềm năng dữ liệu sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền. |
Thứ hai, mỗi ngành, mỗi địa phương cần có khung kiến trúc về dữ liệu; tiêu chuẩn của từng loại dữ liệu – để làm nền tảng cho xây dựng một ‘kho’ dữ liệu quốc gia, địa phương. Trong đó, vai trò của các bộ, cụ thể là Cục công nghệ thông tin của mỗi bộ là đơn vị định chuẩn kiến trúc và cơ chế khai thác cho ngành.
Thứ ba, lộ trình mở dữ liệu để khai thác đi qua các bước, với thứ tự ưu tiên gồm: khai thác nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong cùng ngành (chiều dọc); cùng địa phương (chiều ngang); mở có thu phí đối với một số giao dịch dữ liệu (ví dụ dịch vụ xác thực eKYC); và sau cùng là thí điểm Dữ liệu mở (open data).
Thứ tư, sự tham gia của khu vực tư nhân – tức các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ là chìa khóa của tiến trình này. Muốn như vậy, tư duy đầu tư dự án công nghệ thông tin theo từng dự án cần phải được hủy bỏ để chuyển sang tư duy mua dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho phép tăng tính hiệu quả của đầu tư, từ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cho lưu trữ dữ liệu và dễ dàng triển khai công nghệ khai thác dữ liệu, bao gồm công nghệ big data và trí tuệ nhân tạo.
Cuối cùng, và cũng đặc biệt quan trọng, dữ liệu không thể mở ra để sử dụng bên ngoài khu vực nhà nước nếu không có một luật, và sau đó là quy định chi tiết dưới luật về dữ liệu cá nhân. Do đó, xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng cho các bước đi dài hạn để khai thác được dữ liệu do khu vực công tạo ra, mà không tổn hại đến quyền riêng tư và sự an toàn của mỗi công dân.
"Trong tiến trình xây dựng và thực thi quy định về quyền riêng tư, sự tham gia thực chất của các tổ chức xã hội, các hội, hiệp hội cần được coi trọng và huy động nguồn lực từ nhóm tổ chức này" - đại diện IPS gợi ý./.