Hà Nội cần là tấm gương cho các địa phương khác về chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam - tại hội thảo "Các giả pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thủ đô" được tổ chức sáng nay, 21/11.
TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội thảo
TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội thảo

Hội thảo do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Hội Tin học Viễn thông Hà Nội phối hợp tổ chức. Có 8 tham luận của các doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số có thể áp dụng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - cho hay, Thành uỷ Hà Nội đang giao Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của Thành uỷ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, dự thảo đã thống nhất 3 quan điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh Thủ đô Hà Nội là:

1. Việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình của Thủ đô. Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị của Thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, động lực để chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát về vận hành thành phố thông minh.

2. Đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển đô thị đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

3. Dựa vào nền tảng dữ liệu số và công nghệ số, phát huy lợi thế và tiềm năng con người, văn hoá và vị thế Thủ đô.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, khi Nghị quyết này được ban hành, khi Nghị quyết được ban hành, Thành phố sẽ tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ cùng lộ trình cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã đề ra.

Đáng chú ý trong phần giới thiệu các giải pháp của doanh nghiệp là báo cáo về giải pháp quản lý, bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị văn hoá, di sản do ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị Thông minh của tập đoàn Viettel trình bày.

Căn cứ vào thực trạng của về văn hoá của Hà Nội, ông Dương Công Đức cho biết sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ về chuyển đổi số với văn hoá, nên có cơ chế cùng phương thức xã hội hoá để các doanh nghiệp có thể đầu tư và thu lợi từ việc này từ nhu cầu trải nghiệm văn hoá số của người dân và khách du lịch.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo, TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam - đặt vấn đề là Hà Nội cần đi đầu và làm gương về chuyển đổi số với các địa phương khác. Hà Nội có lợi thế là nơi tập trung rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nên rất có điều kiện để huy động nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số.

Còn theo TS. Đặng Đức Mai - Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội -\ không có mong muốn gì hơn là có sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Hà Nội với CNTT và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.

Kết luận hội thảo, TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội - đánh giá cao các tham luận đã trình bày. Các ý kiến sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và báo cáo với lãnh đạo thành phố Hà Nội với mong muốn Nghị quyết của Thành uỷ Hà Nội về chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh sớm được ban hành.