Từ Bí thư sang Bộ trưởng
Ngày 15/7/2022, sự kiện bà Đào Hồng Lan, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, được giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Bởi lẽ, trong số 14 Bộ trưởng Bộ Y tế, bà là người đầu tiên không có chuyên môn y tế và cũng không có quá trình phấn đấu và trưởng thành trong ngành Y tế.
Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, các ủy viên trung ương Đảng là đội ngũ cán bộ chiến lược, chủ chốt. Họ có thể đảm nhiệm các vị trí Bí thư tỉnh/thành phố, Bộ trưởng, Trưởng các ban Đảng, hoặc chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc Hội. Dễ thấy là các vị trí lãnh đạo trong hệ thống cơ quan Đảng (Bí thư, Trưởng ban) đòi hỏi các tố chất chính trị nhiều hơn, nhằm quy tụ sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, và nhân dân để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.
Trong khi đó, các bộ trưởng trong chính phủ và các Chủ nhiệm ủy ban của Quốc Hội là những người trực tiếp tham gia hoạch định và chỉ đạo thực thi chính sách. Do đó, yêu cầu về chuyên môn luôn được đề cao bởi họ thường xuyên phải đối diện và giải quyết các vấn đề chính sách cụ thể nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Cũng bởi thế, đã thành thông lệ và truyền thống ở nước ta, Bộ trưởng thường là những người có chuyên môn và trưởng thành trong lĩnh vực mà mình sẽ lãnh đạo và quản lý.
Trái với thông lệ, hẳn nhiên bà Đào Hồng Lan sẽ đứng trước nhiều thách thức khi chuyển từ vai trò lãnh đạo thiên về chính trị (Bí thư) sang vai trò lãnh đạo thiên về chuyên môn (Bộ trưởng). Nhận thức điều này, tại buổi công bố quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chỉ đạo sát sao: "Bà Lan có khó khăn là chưa được đào tạo từ ngành y nên các thứ trưởng phải cáng đáng nhiệm vụ chuyên môn, để bà Lan tập trung công tác quản lý".
Bối cảnh bề bộn và cơ hội lãnh đạo
Có thể thấy, bà Đào Hồng Lan đảm nhận nhiệm vụ mới trong một bối cảnh không thể bề bộn hơn. Thứ nhất, cả hai Bộ trưởng tiền nhiệm đều bị kỷ luật Đảng, thậm chí ông Nguyễn Thanh Long và một số Thứ trưởng, Vụ trưởng, cùng hàng loạt cán bộ y tế ở các địa phương còn bị khởi tố. Thứ hai, ngành Y tế là lĩnh vực đang phải chứng kiến hiện tượng cán bộ nghỉ việc gia tăng. Thứ ba, hàng loạt vấn đề chính sách và quản lý đang cần sự chỉ đạo khẩn trương của Bộ trưởng, chẳng hạn như các vấn đề về chế độ cho cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, hay xốc lại tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế nhằm bảo đảm nhiệm vụ thường xuyên.
Trên tất cả, những hạn chế của ngành y tế trong thời gian phòng chống đại dịch COVID-19, đặc biệt là số lượng lớn cán bộ từ trung ương đến địa phương bị khởi tố do liên quan đến Công ty Việt Á đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành nói chung. Do đó, khẳng định những đóng góp của ngành y tế, hành động để giải quyết các vấn đề nổi cộm hiện nay, qua đó từng bước khôi phục lòng tin của nhân dân với ngành y tế sẽ trở thành những thách thức lãnh đạo hàng đầu của ban lãnh đạo Bộ Y tế.
Nếu nhìn trở lại lịch sử, chính bối cảnh bề bộn, rối ren lại là cơ hội cho các nhà lãnh đạo đích thực. Bởi lẽ, về bản chất, yêu cầu số một với vai trò lãnh đạo là phải thực hiện được những sự thay đổi, tạo ra tác động tích cực cho ngành, địa phương, hoặc trên quy mô quốc gia. Chính những thay đổi tích cực đó sẽ từng bước giúp tình hình trở lại sự trật tự và ổn định như mong đợi. Do đó, tình trạng của ngành y tế hiện nay sẽ là một thách thức nan giải nhưng cũng lại cung cấp những cơ hội để bà Đào Hồng Lan có thể chứng minh và khẳng định năng lực lãnh đạo của bản thân.
Kỳ vọng xu thế mới
Xét trong số các Bộ trưởng hiện tại thì bà Đào Hồng Lan không phải là ngoại lệ. Trước đó, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng là lãnh đạo cao nhất của ngành nhưng lại không có quá trình gắn bó và trưởng thành trong ngành mà mình phụ trách. Mặc dù có những lăn tăn nhất định nhưng nếu nhìn ra xu thế của các nước phát triển, chúng ta cũng cần có niềm tin về những biểu hiện mới.
Có thể hình dung Bộ Công Thương và Bộ Y tế đang trở thành những trường hợp tiên phong với Bộ trưởng không phải là người có chuyên môn. Khi đó, Bộ trưởng sẽ chủ yếu đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính trị và chính sách, nhiệm vụ chính là tham gia hoạch định chính sách. Vai trò quản lý và thực thi chính sách sẽ chủ yếu được thực hiện bởi cấp dưới cùng bộ máy hành chính, chuyên môn.
Nếu hai Bộ trưởng "trái thông lệ" mà thành công thì sẽ từng bước hình thành nên một thông lệ mới: lãnh đạo cao nhất của ngành không nhất thiết phải là người có chuyên môn hay trưởng thành trong ngành. Đây sẽ là cơ sở để chúng ta kỳ vọng về một thế hệ chính khách mới, chuyên nghiệp và hiện đại hơn trong tương lai.
Để thành công, các nhà lãnh đạo cần tìm ra những vấn đề chính sách then chốt, nỗ lực giải quyết, qua đó tạo ra sự thay đổi tích cực cho lĩnh vực mà mình phụ trách. Bởi thế, các Bộ trưởng không có chuyên môn tất yếu cần đến sự trợ giúp của đội ngũ cố vấn chuyên môn. Đây chính là lực lượng giúp các nhà lãnh đạo nhận diện vấn đề chính sách và đề xuất cách thức, biện pháp giải quyết các vấn đề đó.
Do đó, có thể nói, trước khi có thể giải quyết các thách thức chính sách và vượt qua áp lực lãnh đạo, thách thức trực tiếp với những bộ trưởng không có chuyên môn là phải thiết lập được đội ngũ cố vấn với những gương mặt chuyên gia mới mẻ và uy tín. Một ban lãnh đạo mới cùng đội ngũ cố vấn được thừa nhận chính là cơ sở vững chắc cho những niềm tin tích cực về sự thay đổi trong tương lai.
(*) Chuyên gia Quản trị công và Chính sách, HCMA
Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của QLNN (Bài 3): Rào cản trong thực hiện tự chủ tài chính
Bà Đào Hồng Lan chia sẻ việc không phải người ngành y mà về làm Quyền Bộ trưởng Y tế
Chân dung Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Theo Nhà Đầu tư