Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 2): Hành lang pháp lý chưa đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không chỉ thuốc, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và hóa chất sinh phẩm ở các BV cũng đang gặp nhiều lúng túng, bởi các văn bản pháp quy do các cơ quan QLNN ban hành còn thiếu đồng bộ.

“Sợ” do tâm lý hay vì hướng dẫn chưa đủ?

Vấn đề đầu tiên mà các bệnh viện (BV) lo âu trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và hóa chất sinh phẩm là việc xây dựng giá dự toán mua sắm. Không hoàn toàn là do “tâm lý”, mà các BV lúng túng, lo ngại chính bởi vì hệ thống văn bản pháp quy chưa hoàn thiện, khiến nếu họ cứ làm thì dễ “dính sai phạm”, còn không làm thì thiếu thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và hóa chất sinh phẩm phục vụ người bệnh. Trước việc nhiều cán bộ y tế vướng vòng lao lý, để an toàn, các BV chọn phương án “ngồi im”.

Giám đốc một BV cho biết lý do BV chấp nhận thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và hóa chất sinh phẩm vì: Theo Thông tư 14/2020/TT-BYT, khi lập dự toán phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Nhưng khoảng thời gian yêu cầu tra cứu như vậy là dài, nên không phản ánh đúng biến động giá của thị trường.

Ví như, năm 2022, khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, thị trường có những biến động, nên khi lập dự toán, nhiều mặt hàng trang thiết bị y tế do các đơn vị cung cấp chào giá cao hơn giá trúng thầu được công khai trên Cổng công khai y tế của Bộ Y tế, nhưng các BV không đủ căn cứ pháp lý để xác định nội dung giải trình, thuyết minh đó có phù hợp không? Còn nếu chọn giá trúng thầu thấp nhất làm giá kế hoạch thì rất có thể sẽ không lựa chọn được nhà thầu.

Bên cạnh đó, Nghị định 98/2021/NĐ-CP quy định:“Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”. Thế nhưng việc kê khai giá hiện nay do các doanh nghiệp chủ động thực hiện, lại không có cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, nên các BV không biết việc tham khảo giá kê khai trên trang https://kekhaigiattbyt.moh.gov.vn để lập dự toán có phù hợp với quy định tại Thông tư 58/TT-BTC không (?).

Hiện tại, Nghị định này cũng chưa quy định thời điểm mua bán (khi lập dự toán, hay khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (?); hay lúc ký hợp đồng hoặc thời điểm xuất hóa đơn (?)) Vì vậy, các BV rất hoang mang khi xây dựng dự toán, đánh giá hồ sơ dự thầu, thực hiện hợp đồng.

Thông tư 14/2020/TT-BYT cũng chưa hướng dẫn cụ thể việc xác định Nhóm dự kiến trong kế hoạch mua sắm trong trường hợp các báo giá có các nhóm khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc phân nhóm thiết bị. Hiện việc phân nhóm thiết bị đều do các công ty tự cung cấp hồ sơ, BV phải kiểm tra, dẫn đến trường hợp cùng một trang thiết bị có thể có phân nhóm khác nhau giữa các BV, do phụ thuộc hoàn toàn vào hồ sơ công ty cung cấp.

Các BV cũng phản ánh Cổng công khai kết quả thầu của Bộ Y tế chưa có bộ mã và tên vật tư, thiết bị y tế thống nhất khi công bố kết quả. Vì thế, cùng một mặt hàng lại có nhiều tên gọi khác nhau, các BV rất khó tra cứu. Chưa kể, thông tin tra cứu còn có thể thay đổi liên tục theo thời gian.

Về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, thay thế linh kiện, sửa chữa trang thiết bị y tế, hiện nay, Bộ Y tế chưa yêu cầu kê khai giá cho loại hình này. Khi xây dựng dự toán các gói thầu cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng của các thiết bị y tế (như thiết bị chẩn đoán hình ảnh), cung cấp linh kiện phụ tùng theo máy thường chỉ có một báo giá do chỉ đơn vị được uỷ quyền của nhà sản xuất mới đáp ứng được, dẫn đến khó khăn khi thương thảo, kiểm tra giá dự toán.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, việc đánh giá kỹ thuật chủ yếu dựa vào Catalog, tài liệu kỹ thuật do nhà thầu cung cấp trong hồ sơ, nên các BV khó khăn trong việc xác minh tính chính xác của catalog nếu nhà sản xuất không công khai thông tin trên trang điện tử.

Trang thiết bị y tế càng hiện đại, càng hỗ trợ hiệu quả cho công tác khám và chữa bệnh

Trang thiết bị y tế càng hiện đại, càng hỗ trợ hiệu quả cho công tác khám và chữa bệnh

Cổng công khai y tế chưa đầy đủ

Hiện nay trên thị trường, hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng (tức là cần vật tư, hóa chất của chính hãng sản xuất mới đảm bảo chất lượng xét nghiệm), nên các BV đang lúng túng vì các tình huống sau:

Nếu BV mua hoặc thuê máy xét nghiệm thì sẽ phải phụ thuộc vào hoá chất sử dụng cho máy đó suốt dòng đời của máy hoặc trong thời gian thuê, mà không có cạnh tranh trong mua hoá chất sinh phẩm.

Nếu BV thuê máy hoặc liên doanh liên kết theo hướng dẫn của Nghị định 151/2017/NĐ-CP, thì hiện lại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu đối với các BV công lập; giá cho thuê mặt bằng của đơn vị sự nghiệp công khi đưa vào hoạt động liên doanh, liên kết.

Bên cạnh đó, các văn bản có thì chưa đồng bộ. Về tiền thuê đất, theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP thì “Xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường”. Nhưng việc xác định giá trị tài sản là đất đai, nhà cửa theo giá thị trường khi sử dụng để góp vốn liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc thẩm quyền của BV, mà cũng không có cơ sở để biết giá thị trường.

Điều đáng nói là Nghị định 151/2017/NĐ-CP không phải riêng cho ngành y tế, mà là dùng chung cho các đơn vị hành chính sự nghiệp. Bộ Y tế cũng không có Thông tư hướng dẫn. Mặt khác cũng chưa có văn bản hướng dẫn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay nhà thầu cung cấp dịch vụ theo giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, nên các BV không đủ cơ sở để thực hiện.

Trên thực tế, hiện nay, khi các BV đấu thầu hóa chất, đơn vị trúng thầu phải cung cấp các cả máy xét nghiệm lẫn phần mềm kết nối với mạng LIS, chuyển giao kỹ thuật, bảo hành, bảo trì… Nhưng hiện vẫn chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này.

Một vướng mắc nữa với các BV là danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa, nên khi tra cứu và so sánh vô cùng khó khăn, là nguy cơ sai sót trong thực hiện đấu thầu.

Khi tham khảo giá trúng thầu tại các đơn vị y tế trong vòng 12 tháng, mặc dù quy định không bắt buộc phải tham khảo giá trúng thầu thấp nhất, nhưng do BV không có cơ sở để xác định giá thị trường tại thời điểm đó thế nào là phù hợp, nên BV vẫn bắt buộc phải lấy giá thấp nhất trong dải giá trúng thầu. Điều này dẫn đến nhiều mặt hàng không thể trúng thầu, nên phải đấu thầu đi đấu thầu lại. Trong khi theo quy định, để đấu thầu cần thời gian tối thiểu 6-8 tháng, khiến nhiều mặt hàng bị cung ứng gián đoạn, dẫn đến thiếu thuốc và hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao.

Nhiều BV cũng băn khoăn về gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn trong lĩnh vực y tế, như vệ sinh công nghiệp, bảo vệ, bảo trì các hệ thống máy móc. Thời gian thực hiện hợp đồng mua sắm thường xuyên chỉ áp dụng cho 1 năm gây mất thời gian để lựa chọn nhà thầu. Chưa kể, việc thay đổi số lượng lớn nhân sự thường xuyên trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của BV, do nhân sự cần làm quen với vị trí việc làm và môi trường BV.

Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế có giá trị lớn như hệ thống chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính…hàng năm phải bảo trì với chi phí lớn. Tuy nhiên, do các thiết bị này có tính năng đặc thù về công nghệ của nhà sản xuất, nên giá trị bảo trì phải phụ thuộc vào đơn vị được ủy quyền của nhà sản xuất. Trong khi đó, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế không có thông tin tham khảo về giá trị bảo trì.

Việc xây dựng giá kế hoạch trong mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng còn vướng mắc khi tra giá trên Cổng công khai của Bộ Y tế: Các mặt hàng như thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất,…đã có biểu mẫu theo quy định, nhưng nhiều đơn vị không đăng đầy đủ, còn thiếu thông tin hàng hóa như mã hàng, cấu hình, nước sản xuất…. Cũng chưa có quy định tên chung đối với các loại thiết bị, vật tư nên việc đăng tải không thống nhất.

Nhiều mặt hàng mới sử dụng trong phòng, chống dịch chưa có thông tin về giá trúng thầu, hợp đồng tương tự để so sánh giá; khó đàm phán giá với các công ty do nguồn hàng khan hiếm, cầu lớn hơn cung rất nhiều (ví dụ kit test nhanh, test PCR, tăm bông lấy mẫu do nhiều cơ sở thực hiện. Giá tăm bông lấy mẫu trúng thầu thấp nhất trên Cổng công khai của Bộ Y tế là 1.390đ, nhiều BV đã liên hệ công ty có giá trúng thầu thấp nhất nhưng không được phúc đáp, hoặc giá kế hoạch xây dựng là 1.600đ (nằm trong dải giá trúng thầu trên Cổng công khai, một số BV đã đàm phán với công ty về việc giảm giá, nhưng không thành công).

(Còn nữa)