Ảnh minh hoạ cơ chế hoạt động của Evusheld (nguồn - Astrazeneca) |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn quốc, nhóm người nguy cơ cao như: người mắc bệnh nền (suy gan, suy thận, tim mạch, cơ xương khớp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD,…); đặc biệt là người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng (do HIV, đang điều trị ung thư, ghép tạng…); hoặc mắc các bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, viêm khớp, thoái hoá khớp…) càng trở nên yếu thế, nguy cơ nhiễm bệnh, chuyển nặng, tử vong cao.
GS.TS. Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam – cho biết: “Nhiều bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ung thư, viêm khớp tự miễn, ghép tạng hoặc các bệnh hệ thống… rất dễ bị tổn thương trước Covid-19 đang phải sống trong lo âu và tự cách ly với xã hội. Người bệnh lo ngại rằng cơ thể của họ không thể sinh miễn dịch đầy đủ sau khi tiêm vaccine như những người khỏe mạnh khác. Và liệu pháp kháng thể đơn dòng như Evusheld sẽ cung cấp thêm một lớp “phòng thủ ngay tức thì” để gia tăng bảo vệ cho những trường hợp có nguy cơ cao này, thắp lên trong họ hy vọng được sớm quay trở lại cuộc sống bình thường mới như những người khác, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chuyển biến nặng, nhập viện và tử vong ở những người này”.
Nhằm bảo vệ đối tượng trên, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca - kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được cấp phép để phòng Covid-19.
Khác với vaccine, chỉ vài giờ sau tiêm Evusheld, cơ thể có đủ lượng kháng thể cần thiết phòng Covid-19 với hiệu quả lên tới 83%. Trong 6 tháng theo dõi trong nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca, không có trường hợp nào bệnh nặng, tử vong.
Hiệu quả trên được quan sát thấy ở cả những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vaccine Covid-19 như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như dùng corticoid liều cao, kéo dài) hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng.