“Nở rộ” quảng cáo dịch vụ xét nghiệm kháng thể COVID-19: Chuyên gia y tế nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài viết quảng cáo xét nghiệm kháng thể COVID-19 của các phòng khám, bệnh viện, mỗi nơi 1 giá khác nhau khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Hàng loạt trang Faacebook của các phòng khám, bệnh viện quảng cáo xét nghiệm kháng thể COVID-19 (Ảnh - MT)
Hàng loạt trang Faacebook của các phòng khám, bệnh viện quảng cáo xét nghiệm kháng thể COVID-19 (Ảnh - MT)

Quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội

Theo tìm hiểu của PV VietTimes, dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 đang được các phòng khám, bệnh viện quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội Facebook.

Ở 1 trang Facebook có tên phòng khám M. (có 2 cơ sở ở Hà Nội), phòng khám này đã đăng bài quảng cáo về dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19. Trong bài viết, phòng khám này khẳng định: "Xét nghiệm định lượng kháng thể cô-vy là phương pháp xét nghiệm dựa trên việc xác định kháng thể kháng virus lưu hành trong máu. Đây chính là cách tốt nhất giúp bạn kiểm tra và đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch với virus của cơ thể”.

Đối tượng nên xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 mà phòng khám này đưa ra là những người đã tiêm vaccine COVID-19, người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 cần xét nghiệm để biết trong cơ thể có kháng thể hay chưa.

Ở phía dưới bài đăng, phòng khám M. chia sẻ 1 số điện thoại đường dây nóng 1900xxxxxx để người dân liên hệ làm dịch vụ. PV đã gọi điện vào đường dây nóng của phòng khám và được tư vấn viên cho biết: “Chương trình xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 của phòng khám có giá là 680.000 đồng/người/lượt. Khi đến phòng khám, người đến khám sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm. Kết quả sẽ có trong khoảng 2-3 tiếng."

Ngoài phòng khám M. M, khi PV gõ từ khoá “xét nghiệm sau tiêm” trên Facebook đã trả về rất nhiều kết quả liên quan đến từ khoá này, trong đó có 1 trang Facebook mang tên Bệnh viện 199 quảng cáo xét nghiệm kháng thể COVID-19.

Trong bài quảng cáo dịch vụ xét nghiệm kháng thể COVID-19, Bệnh viện này cho rằng đối tượng cần xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 là người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 (thời điểm thích hợp để xét nghiệm là khoảng 28 ngày sau tiêm mũi 1; 14 đến 28 ngày sau khi tiêm mũi 2); người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 để biết trong cơ thể có kháng thể hay chưa; người đang điều trị COVID-19, xét nghiệm kháng thể chẩn đoán khả năng điều trị bệnh; người cần xét nghiệm kháng thể theo chỉ định của bác sĩ nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân COVID-19 hoặc phục vụ công tác nghiên cứu.

Bệnh viện 199 quảng cáo 3 dịch vụ test nhanh kháng thể, xét nghiệm định lượng và định tính kháng thể (Ảnh - VT)

Bệnh viện 199 quảng cáo 3 dịch vụ test nhanh kháng thể, xét nghiệm định lượng và định tính kháng thể (Ảnh - VT)

Theo bài đăng trên Facebook cho biết: Bệnh viện 199 đang áp dụng 3 phương pháp xét nghiệm kháng thể gồm: Test nhanh kháng thể có giá 238.000 đồng; xét nghiệm định lượng kháng thể có giá 298.000 đồng và xét nghiệm định tính kháng thể có giá 298.000 đồng.

Cũng quảng cáo xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19, 1 Facebook cá nhân có tên T.T.K. đã đăng bài viết về Trung tâm xét nghiệm L.H. và giới thiệu dịch vụ xét nghiệm cho những người đã tiêm vaccine COVID-19.
PV đã gọi vào đường dây nóng của Trung tâm để tìm hiểu về dịch vụ xét nghiệm kháng thể và được biết: “Trung tâm sẽ lấy máu và làm xét nghiệm, khi có kết quả sẽ gửi trả cho người dân. Nếu kháng thể đủ và đạt thì tức là người dân phản ứng tốt với thuốc tiêm. Nếu không có kháng thể thì phải xin tiêm lại vaccine, có thể tiêm sang thuốc khác. Nếu tiêm morderna mà xét nghiệm kháng thể không có thì phải tiêm Astrazenenca. Giá của 1 lần xét nghiệm là 460.000 đồng. Trung tâm có cả dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nhà, người dân sẽ trả thêm tiền đi lại 10-15.000 đồng”.

Trung tâm L.H. quảng cáo xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 (Ảnh - VT)

Trung tâm L.H. quảng cáo xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 (Ảnh - VT)

Như vậy có thể thấy các phòng khám, bệnh viện, trung tâm quảng cáo xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 mỗi nơi 1 giá khác nhau, có cả dịch vụ lấy mẫu tại nhà.

Điều đáng nói là dịch vụ này vẫn nở rộ trong khi Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém.

Theo Bộ Y tế, xét nghiệm huyết thanh học chỉ phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19. Xét nghiệm này chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị. Đến nay, WHO chưa khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2.

Chuyên gia y tế nói gì?

Thông tin với PV VietTimes, TS. BS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: “Trên thế giới chưa có quốc gia nào khuyến cáo xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bởi tiêm vaccine cộng đồng mà xét nghiệm kháng thể, chắc chắn sẽ dẫn đến việc so sánh giữa vaccine này với vaccine khác trong khi cơ chế hoạt động của các vaccine là khác nhau. Về nguyên tắc, không có ai cấm việc xét nghiệm kháng thể, nhưng đến nay không một quốc gia nào đề xuất xét nghiệm kháng thể khi triển khai tiêm vaccine diện rộng, mà chỉ làm để phục vụ trong công tác nghiên cứu và điều trị để đưa ra chiến lược toàn diện hơn”.

TS. BS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Ảnh - NVCC)

TS. BS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Ảnh - NVCC)

Theo TS. BS. Phạm Quang Thái, việc xét nghiệm định lượng kháng thể chưa được thực hiện vì đến nay chưa xác định chuẩn trong xét nghiệm kháng thể như nồng độ nào coi là ngưỡng bảo vệ; nồng độ nào tối ưu; nồng độ nào thì sẽ nhiễm bệnh. Ngoài việc định lượng kháng thể nói chung, loại xét nghiệm tối ưu hơn đánh giá kháng thể trung hòa mới phần nào đánh giá được khả năng bảo vệ khi phơi nhiễm với mầm bệnh.

Bên cạnh đó, một số test xét nghiệm khác được coi là tương đương cũng được FDA Hoa Kỳ đưa vào danh sách công nhận tuy nhiên kết quả xét nghiệm cũng phải được phiên giải một cách thận trọng. Mỗi loại test đều quy định mức ý nghĩa khác nhau, cần có cán bộ chuyên môn về xét nghiệm để nhận định.

Mặt khác, mỗi loại vaccine có thể giúp tạo ra lượng kháng thể khác nhau, nhưng ngoài kích thích sinh kháng thể thì vaccine còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, nhìn kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại. Theo y văn thế giới, có khoảng 50% người nhiễm nCoV không định lượng được kháng thể hoặc ở mức vô cùng thấp nhưng hầu hết không nhiễm bệnh tiếp trong những lần phơi nhiễm tiếp theo.

“Sử dụng xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ toàn diện là chưa đủ căn cứ khoa học. Vì thế, đây là lý do Bộ Y tế chưa có khuyến cáo xét nghiệm trên diện rộng mà hiện nay mới chỉ có xét nghiệm định lượng kháng thể nCoV cho công tác điều trị và nghiên cứu cộng đồng” – ông Thái nói.