Khám phá tàu không người lái tự sát Magura V5 quân đội Ukraine sử dụng tấn công Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian gần đây, tàu không người lái tấn công tự sát của Ukraine đã trở thành nỗi ám ảnh của Hải quân Nga trên Biển Đen khi liên tiếp xảy ra các vụ tàu chiến của họ bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Tàu không người lái tấn công tự sát MAGURA V5 của Ukraine (Ảnh: Thepaper).
Tàu không người lái tấn công tự sát MAGURA V5 của Ukraine (Ảnh: Thepaper).

Hoạt động của Hải quân Nga ở Biển Đen đang bị hạn chế

Đầu tháng 2/2024, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) đã phát hành một đoạn video dài 128 giây trên mạng xã hội, tuyên bố: Tối 31/1, 6 tàu không người lái đã đánh chìm tàu Ivanovich mang tên lửa dẫn đường của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga ở vùng biển gần hồ Donuzlav ở phía Tây bán đảo Crimea Ivanovets.

Ivanovich là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Project 1241.1 mang tên lửa dẫn đường được chế tạo năm 1988. Tàu dài 56 mét, có lượng giãn nước đầy tải 549 tấn. Tàu được trang bị 4 tên lửa chống hạm siêu âm 3M80 Moskit, pháo chính AK-176 cỡ nòng 76 mm và 2 pháo AK-630 6 nòng 30 mm bắn nhanh cận phòng.

Hiệu quả của pháo bắn nhanh AK-630 trong vai trò hệ thống phòng thủ đầu cuối cho tàu vẫn còn gây tranh cãi. Hình ảnh các viên đạn rơi xuống nước nhìn thấy trong video được cho là khẩu AK-630 đang cố gắng đánh chặn chiếc tàu không người lái nhưng bất thành.

tau-ivanovich-bi-tan-cong-1606.gif
Video phía Ukraine công bố về vụ MAGURA V5 tấn công tàu Ivanovich hôm 31/1.

Được trang bị tổ hợp động cơ diesel/tua bin khí hiệu suất cao nhưng đắt tiền, Ivanovich có thể đạt tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ, vượt xa tốc độ tối đa của phần lớn các tàu chiến khác chỉ khoảng 30 hải lý/giờ.

Loại tàu này thời Liên Xô được định nghĩa là "tàu (đĩnh) tên lửa cỡ lớn", mục tiêu tác chiến của nó là phối hợp với lực lượng đột kích đường không của lực lượng không quân của hải quân ở các vùng nước hẹp ven bờ như Biển Baltic, Biển Đen và Địa Trung Hải, nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí phóng với tốc độ cao và trở thành hệ thống tổ chức phóng số lượng lớn tên lửa chống hạm hạng nặng vào hạm đội đối phương.

Loại tàu này có kích thước nhỏ, giá thành tương đối thấp nên được xuất khẩu với số lượng lớn trong thời kỳ Xô Viết và sau này là thời Nga. Ở những nước có sức mạnh hải quân tương đối yếu, chúng thường được giao nhiệm vụ toàn diện hơn.

tau-ten-lua-lop-12411-6681.jpg
Tàu tên lửa lớp Project 1241.1 cùng kiểu với chiếc Ivanovich (Ảnh: Thepaper).

Trong Hải quân Nga hiện nay, do số lượng hạm tàu mặt nước cỡ lớn giảm nhanh chóng, các tàu Type 1241.1 vốn có vai trò tương đối nhỏ đã dần thay đổi nhiệm vụ, nên có định nghĩa mới là "tàu khu trục tên lửa hạng nhẹ". Tính cả tàu Ivanovich, Hạm đội Biển Đen của Nga có 4 chiếc cùng loại.

Vào ngày 14/2, GUR tung ra một đoạn video khác tuyên bố đã đánh chìm tàu ​​đổ bộ cỡ lớn Type 775II mang tên Caesar Kunikov có lượng giãn nước đầy tải 4.080 tấn của Hạm đội Biển Đen Nga bằng một chiếc tàu không người lái.

tau-caesar-kunikov-7083.jpg
Ukraina hôm 14/2 nói đã đánh chìm tàu Caesar Kunikov có lượng giãn nước đầy tải 4.080 tấn của Nga (Ảnh: Thepaper).

Mục đích của tàu đổ bộ Type 775 là vận chuyển xe tăng và quân nhân đến bãi biển của đối phương trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn giả định, mỗi tàu có thể vận chuyển cùng lúc 10 xe tăng chiến đấu chủ lực và 340 binh sĩ.

Tổng số tàu đổ bộ Type 775 được đóng là 28 chiếc và tổng cộng 15 chiếc đã được đưa vào biên chế trước khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine năm 2022. Type 755 hiện là chìa khóa cho khả năng của Nga trong việc duy trì nguồn tiếp tế và nhân sự tại Crimea và các vùng chiến sự ở miền nam Ukraine.

Chiếc Ceasar Kunikov bị đánh chìm lần này được cho là chở đầy tải đạn dược. Mặc dù tàu đổ bộ không phải là tàu chiến chủ lực nhưng tổn thất của chúng có thể gây áp lực lớn hơn cho Nga về mặt hậu cần và không thể đánh giá thấp tác động của chúng đối với tình hình chiến tranh Nga-Ukraine.

mo-hinh-tau-magura-v5-6216.jpg
Mô hình tàu không người lái tự sát MAGURA V5 của Ukraine (Ảnh: Thepaper).

Tàu không người lái tấn công tự sát được Ukraine sử dụng với sự trợ giúp của Mỹ và NATO

Trước đó, thông tin công khai cho thấy đã xảy ra nhiều vụ Ukraine dùng tàu không người lái tự sát tấn công hải quân Nga. Ngày 29/10/2022, Ukraine dùng nhiều tàu không người lái tấn công cảng Sevastopol khiến nhiều tàu chiến trong đó có tàu quét mìn lớp Nadya Ivan Golubets đậu trong cảng và cơ sở hạ tầng bị hư hại. Đây là chiến tích thực tế đầu tiên của tàu không người lái MAGURA V5.

Ngày 24/5/2023, Ukraine đã sử dụng MAGURA V5 để làm hư hại một tàu thu thập thông tin tình báo của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Ngày 17/7/2023, cầu Crimea bị MAGURA V5 tấn công, một phần mặt cầu bị nổ tung và giao thông bị gián đoạn gần ba tháng.

Ngày 4/8/2023, tàu đổ bộ cỡ lớn Olenegorsky Gornyak đậu tại cảng Novorossiysk của Nga bị MAGURA V5 tấn công làm hư hỏng nặng và mất khả năng chiến đấu.

cac-tau-nga-bi-thiet-hai-o-bien-den-5547.jpg
Tổng hợp các tàu Hải quân Nga ở Biển Đen bị Ukraine đánh chìm và làm hỏng theo phía Ukraine (Theo Ifeng).

Tàu đổ bộ này có lượng giãn nước toàn tải hơn 4.000 tấn, vốn thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga, nó được điều động đến Biển Đen do cuộc tấn công của MAGURA V5 nửa tháng trước đó khiến cầu Crimea bị gián đoạn. Nga buộc phải dùng chiếc tàu đổ bộ này để vận chuyển vật tư cho bán đảo Crimea.

Điều đáng chú ý là cảng Novorossiysk nằm cách xa lãnh thổ do Ukraine kiểm soát và các tàu không người lái phải di chuyển ít nhất hơn 700 km mới đến được đó.

Các tàu không người lái cảm tử của Ukraine không có khả năng độc lập tìm kiếm mục tiêu và nhận biết tình hình chiến trường nên phụ thuộc rất nhiều vào sự điều khiển của hệ thống trinh sát và chỉ huy. Nó thực hiện tấn công với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử và máy bay trinh sát.

Mọi hoạt động tấn công của quân đội Ukraine đều được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của hệ thống chiến đấu tích cực của NATO. Một số phương tiện truyền thông đưa tin, trước khi tàu đổ bộ xe tăng cỡ lớn " Caesar Kunikov" bị đánh chìm ngày 14/2, một máy bay không người lái chiến lược RQ-4B "Global Hawk" của quân đội Mỹ đã cất cánh từ đảo Sicily, Italy và bay hướng tới Biển Đen. Thời gian và lộ trình của chiếc máy bay không người lái này trùng hợp với vụ tấn công của tàu Magura V5 của quân đội Ukraine.

Mẫu tàu không người lái được quân đội Ukraine sử dụng lần này là Robot không người lái phòng vệ tự động trên biển (MAGURA) loại V, có biệt danh là "Ocean Baby". Đây là loại tàu không người lái Ukraine nói rằng do Công ty Spets Techno Export thiết kế chế tạo. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Nikolay Shulkin nói với phóng viên tờ The Independent: “Tàu không người lái MAGURA V5 không hoàn toàn do Ukraine phát triển mà là sản phẩm chung của tổ hợp công nghiệp quân sự các nước NATO”.

Tàu được trang bị 2 camera, thiết bị quang học hồng ngoại và một thiết bị truyền tín hiệu hình ảnh về trung tâm điều khiển qua vệ tinh hoặc máy bay không người lái. MAGURA V có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, cảnh báo, cứu hộ, rà phá bom mìn, tấn công.

Loại tàu không người lái này lần đầu tiên được thấy vào cuối tháng 9/2022, khi quân đội Nga phát hiện một chiếc tàu không người lái nhỏ màu đen dạt vào bờ biển Sevastopol thuộc bán đảo Crimea.

Phán đoán từ những bức ảnh được lan truyền, chiếc thuyền không người lái này có vỏ nhôm, hình dáng và kích thước tương tự như một chiếc tàu đánh cá một người, sử dụng động cơ xăng và tuabin phản lực. Trên thuyền có cột nhỏ tích hợp đèn LED và đầu dò quang điện, trên mũi tàu có hai khối tròn nhô ra màu trắng được suy đoán là cầu chì va nổ, có thể lấy từ bom hàng không.

cac-tau-magura-v5-7056.jpg
Một hải đội tàu không người lái MAGURA V5 của Ukraine (Ảnh: Thepaper).

Điều gây chú ý nhất là phía sau nó có một vật thể hình vuông trông giống như ăng-ten Starlink UTA-212 của Công ty Space Mỹ, toàn bộ chiếc tàu ước tính trị giá khoảng 260.000 USD.

Vào ngày 25/7/2023, MAGURA V5 lần đầu tiên được trưng bày công khai tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (IDEF) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mẫu tại triển lãm có nhiều thay đổi mới so với chiếc tàu không người lái được Nga bắt giữ vào tháng 9/2022. Tàu có hình dạng thủy động học, mạn thấp, tín hiệu phản xạ tối thiểu và có khả năng cơ động và tàng hình cao.

Các thông số công khai cho thấy MAGURA V5 có chiều dài 5,5 mét, lượng giãn nước đầy tải 1 tấn, tải trọng tối đa 320 kg, tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 22 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa 833 km, bán kính chiến đấu hơn 400 km và thời gian dẫn đường tự động hơn 60 giờ. Tàu mang theo đầu nổ mạnh nặng 320kg, đủ để gây hư hại nặng hoặc đánh chìm tàu lớn cỡ hơn 3.000 tấn.

Tàu sử dụng các phương pháp dẫn đường quán tính, dẫn đường qua vệ tinh và hình ảnh. Ngoài các tàu không người lái, đơn vị chiến đấu hoàn chỉnh còn bao gồm một trung tâm dữ liệu, mô-đun lưu trữ, vận chuyển và một trạm mặt đất. Có thể đạt được tốc độ truyền tải video độ phân giải cao ba chiều giữa tàu không người lái và trạm điều khiển mặt đất.

Trong các hoạt động tấn công bằng tàu (xuồng) cỡ nhỏ, việc phát hiện và xác định tàu tấn công luôn là một vấn đề khó khăn đối với bên phòng thủ.

MAGURA V5 áp dụng thiết kế mạn thấp và phần thân tàu bộc lộ trên mặt nước vốn rất ít. Ở phiên bản mới MAGURA V5 có thân tàu trơn nhẵn hơn so với phiên bản ra mắt vào tháng 9/2022 và diện tích phản xạ radar giảm hơn nữa.

Phân tích tư liệu công khai, ống xả động cơ của MAGURA V5 nằm dưới mặt nước, giúp giảm đáng kể khả năng khí thải nhiệt độ cao bị thiết bị phát hiện hồng ngoại của đối phương phát hiện. Tổng hợp lại, những chiếc tàu nhỏ này có thể hành trình trong thời gian dài và mang theo hàng trăm kg chất nổ, khó bị phát hiện hơn tên lửa hoặc máy bay không người lái có cùng uy lực.

Theo Thepaper, Ifeng