Khai báo y tế: Chậm chuyển đổi số tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thủ tục khai báo y tế bắt buộc khi đi trên đường, đến tham dự hội họp là cần thiết, song càng chậm chuyển đổi số, càng tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh COVID-19.
Khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hải Phòng (Ảnh: Hoà Bình)
Khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hải Phòng (Ảnh: Hoà Bình)

Nhiều cánh cửa ngỏ cho virus “qua mặt” chốt kiểm dịch

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành dữ dội tại Hải Dương và một số tỉnh, TP như hiện tại, việc nhiều tỉnh thành dựng chốt kiểm dịch, yêu cầu khai báo y tế chặt chẽ với người tham gia giao thông trên đường là cần thiết. Nhiều tỉnh, TP đã áp dụng biện pháp đưa đi cách ly hoặc yêu cầu quay đầu xe đối với người đến từ vùng dịch.

Một số tỉnh, TP như Hải Phòng, Thái Bình… mặc dù chưa có dịch nhưng cũng đã tiến hành quyết liệt các biện pháp phòng dịch, yêu cầu thực hiện khai báo y tế chặt chẽ.

Tuy nhiên, quan sát của phóng viên VietTimes khi đi qua một số trạm kiểm dịch tại các tỉnh thì vẫn thấy chủ yếu thủ tục khai báo y tế được yêu cầu thực hiện trên tờ khai bằng giấy.

Quy trình kê khai thủ tục y tế chỉ gồm các bước đơn giản, người di chuyển kê khai xong thì cán bộ chức năng kiểm tra tờ khai khớp với chứng minh thư nhân dân (hộ chiếu), kiểm tra các điểm khởi hành và điểm đến, đối chiếu với danh sách vùng dịch mà Bộ Y tế đã công bố, nếu không nằm trong vùng dịch, sẽ được cho đi.

Như vậy, thông tin trên tờ khai hoàn toàn phụ thuộc vào độ trung thực của người khai. Người khai có thể không kê khai đã từng đi qua các vùng dịch nếu cố tình vi phạm quy định vì những lý do cá nhân. Bởi ngay cả khi chứng minh thư (hộ chiếu) là người có gốc gác Hải Dương, cũng không có nghĩa là suốt thời gian 14 ngày trước đó người này nhất thiết đang ở Hải Dương hoặc đi qua Hải Dương.

Quá đông người cùng có mặt thực hiện thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hải Phòng, không thể đảm bảo giãn cách 2m (Ảnh: Hoà Bình)

Quá đông người cùng có mặt thực hiện thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hải Phòng, không thể đảm bảo giãn cách 2m (Ảnh: Hoà Bình)

Như vậy, kể cả người mang chứng minh thư (hộ chiếu) Hải Dương nhưng nếu có mang theo giấy giới thiệu của một địa phương khác, chứng minh là trước đó người này đi từ địa phương khác chứ không phải vùng dịch Hải Dương, thì cũng không có phương tiện thẩm định nào cho thấy người này có đi từ vùng dịch đến hay không.

Ngoài ra, có vô số trường hợp không phải người vùng dịch nhưng đã có lịch sử di chuyển qua Hải Dương trong vòng 14 ngày (trước khi phong toả toàn TP Hải Dương), nếu không muốn khai, thì cũng không ai thẩm định được. Ngoài ra, các trường hợp cố tình ghi sai số điện thoại, email liên lạc, thì cũng không có bất cứ phương tiện nào thẩm định việc này. Vì đám đông khai báo y tế ùn lại trên đường quá “nóng”, nên lực lượng chức năng cũng không thể kiểm tra nhiều hơn các thông tin sơ sơ về điểm đi, điểm đến.

Sau khi nhân viên thuộc lực lượng chức năng trên đường đã kiểm tra xong, thu giữ tờ khai, cho xe đi qua, phải nhìn nhận rằng, việc quản lý kho dữ liệu giấy này khá vất vả. Thứ nhất, phương tiện giấy cũng tiềm ẩn nguy cơ mang theo virus. Thứ hai, để truy vết được thông tin về bất cứ người nào đã từng đi qua các chốt kiểm dịch, nếu phải đọc lại toàn bộ các tờ khai y tế trên giấy, với số lượng hàng chục ngàn người di chuyển mỗi ngày, thì quả là một khối lượng công việc khổng lồ, sức người chắc chắn không thể nào làm nổi.

Yêu cầu kiểm tra tờ khai y tế được thực hiện gắt gao tại chốt kiểm dịch vào TP Hải Phòng (Ảnh: Hoà Bình)

Yêu cầu kiểm tra tờ khai y tế được thực hiện gắt gao tại chốt kiểm dịch vào TP Hải Phòng (Ảnh: Hoà Bình)

Như vậy giá trị của tờ khai y tế trên giấy hầu như chỉ có 1 tác dụng duy nhất: đếm số đầu người và phương tiện đã cho phép đi qua chốt kiểm dịch mỗi ngày. Trong khi đó, phương tiện tờ khai y tế bằng giấy đã tốn khá nhiều sức lực quản lý của lực lượng chức năng, và còn tiềm ẩn nguy cơ trung chuyển virus theo những tờ khai, trong khi đó, lại bỏ lọt nhiều cánh cửa ngỏ để người mang virus vẫn có thể “qua mặt” lực lượng an ninh tại chốt kiểm dịch.

Tại sao chưa chuyển đổi số?

Trong khi đó, tờ khai y tế online hoàn toàn có thể giải quyết được các nhược điểm nói trên.

Thứ nhất, ngay từ đầu mùa dịch COVID-19, toàn bộ công tác khai báo y tế tại các sân bay trên toàn quốc đều đã ứng dụng chuyển đổi số, cho phép truy cập trang Tokhaiyte.vn, khai báo y tế theo các hình thức: Khai báo toàn dân, khai báo cho người nhập cảnh, khai báo cho di chuyển nội địa.

Khai báo y tế điện tử tại các sân bay trên toàn quốc (Ảnh: Hoà Bình)

Khai báo y tế điện tử tại các sân bay trên toàn quốc (Ảnh: Hoà Bình)

Chỉ cần người khai nhập tên, số chứng minh thư nhân dân (hộ chiếu), toàn bộ data của người khai sẽ được minh bạch trên hệ thống, bao gồm từ địa chỉ cư trú, số điện thoại, email, thẻ bảo hiểm y tế (thẻ học sinh, sinh viên), lịch trình, hành trình trong vòng 14 ngày đã được ghi nhận trên hệ thống, không thể khai gian. Phương tiện khai báo y tế điện tử không chỉ phục vụ 1 người mà vẫn có thể khai hộ người khác, miễn là thông tin đầy đủ, chính xác.

Người khai nếu được chấp nhận, chụp lại màn hình, trình với cơ quan chức năng là hợp lệ. Thiết bị của ai người đó quản lý, sẽ bớt nguy cơ trở thành vật trung chuyển virus. Và toàn bộ thông tin của người khai, đã ở trên hệ thống, do Bộ Y tế, Bộ Công an quản lý.

Toàn bộ thông tin về hành trình của người di chuyển trên đường, trên tàu, xe, máy bay… sẽ minh bạch hơn, dễ sử dụng, truy vết, tìm kiếm, đối chiếu, liên lạc… thuận lợi rất nhiều so với bản khai bằng giấy.

Trình báo tới lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch trên đường (Ảnh: Hoà Bình)

Trình báo tới lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch trên đường (Ảnh: Hoà Bình)

Toàn bộ các Bệnh viện tại TP.HCM hiện nay đã chuyển đổi số, thực hiện 100% tờ khai y tế điện tử, bỏ phương tiện tờ khai trên giấy.

Cứ cho là trên đường, cũng có thể còn một số rất ít công dân chưa dùng các phương tiện thông minh để có thể khai báo y tế điện tử. Những trường hợp này vẫn có thể cho phép sử dụng điền tờ khai trên giấy, nhưng với một số lượng vừa phải, thì cơ quan chức năng sẽ dễ dàng quản lý dữ liệu chứ không phải là một khối lượng khổng lồ như hiện tại, đang ùn tắc lại trên các nẻo đường ở mọi tỉnh thành.

Các chốt kiểm dịch trên đường hoàn toàn có thể lắp đặt thêm các phương tiện thiết bị để truy cập nhanh chóng vào các địa phương, địa danh cần tham chiếu, tránh cảnh đã ùn tắc vì quá đông thì chớ, nhân viên chốt kiểm dịch lại mất thời gian hoạnh hoẹ người đi đường một cách mơ hồ: “Cái địa điểm này nghe là đã thấy có vấn đề rồi đấy?” nhưng khi được hỏi vấn đề gì thì lại không chỉ ra được.

Nên nhớ, càng chậm chuyển đổi số trong khai báo y tế, sẽ càng phải đối mặt với nguy cơ còn đó những cánh cửa ngỏ cho virus “qua mặt” chốt kiểm dịch, len lỏi sang các tỉnh thành chưa có dịch, khiến dịch bệnh phát tán ngày càng mạnh hơn.