Ca phẫu thuật diễn ra cách đây 1 năm và đến nay cho kết quả tích cực: tai mới thích nghi rất tốt với cơ thể, không có tai biến, hiệu quả về mặt thẩm mỹ tốt hơn rất nhiều so với các phương pháp phẫu thuật kinh điển, giúp em T. tự tin hơn khi đến trường cùng với bạn bè.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ của Bệnh viện, dị tật tai nhỏ khiến trẻ bị khiếm khuyết vành tai, ống tai ngoài và tai giữa, gây ảnh hưởng đến thính giác và thẩm mỹ. Có khoảng 1,5/2000 – 4000 trẻ em sinh ra mắc dị tật này.
Trong khi đó, phẫu thuật tạo hình vành tai là một trong những phẫu thuật khó nhất trong chuyên ngành Tạo hình Thẩm mỹ. Vành tai có rất nhiều gờ, thành quách, tạo nên một một không gian kiến trúc 3 chiều gây khó khăn trong việc điêu khắc. Cho đến nay, chỉ một số rất ít các trung tâm lớn tại các nước có nền y học hiện đại trên thế giới thực hiện được kỹ thuật này.
Để khắc phục dị tật khuyết tai bẩm sinh, trẻ thường phải phẫu thuật từ 2 đến 3 lần. Lần thứ nhất các bác sĩ dựng khung tai bằng sụn tự thân (sụn này lấy từ lồng ngực của trẻ), sau đó sẽ mổ lần thứ hai để dựng tai. Lần mổ thứ hai cách lần mổ thứ nhất từ 6 tháng đến 1 năm.
Vành tai của T. sau khi được phẫu thuật tạo hình thành công
|
Phương pháp này chỉ áp dụng cho trẻ từ 10 - 12 tuổi để lồng ngực phát triển đủ lớn, cung cấp đủ khối lượng sụn cần thiết. Ngoài chi phí tốn kém, trẻ còn phải chịu một vết sẹo vùng ngực nơi lấy sụn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có nguy cơ biến dạng ngực khi trưởng thành.
Còn kỹ thuật mới sử dụng sụn tai nhân tạo có khả năng tương thích cao với cơ thể, thay thế cho sụn tự thân, giúp bám chắc vào khung sụn. Với một lần phẫu thuật ngay từ khi trẻ mới 4 tuổi, trẻ có được vành tai gần như bình thường, cho kết quả thẩm mỹ ưu việt hơn kỹ thuật cũ.
Sau 2 năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức triển khai kỹ thuật sử dụng khung sụn tai nhân tạo thay cho sụn sườn tự thân, đã có ngày càng nhiều bệnh nhi được khắc phục dị tật vành tai, giúp trẻ tự tin đến trường.