“Kẻ hủy diệt” Mỹ khiến đối thủ lạnh sống lưng

VietTimes -- Hàng chục những con quái vật thực sự dưới biển có khả năng hủy diệt nhiều thành phố cùng một lúc. Tất nhiên đó chính là những tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của hải quân Mỹ, đang rình mò dưới đại dương hiện nay là 14 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Ohio có thể mang một lượng vũ khí hạt nhân cực mạnh.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ

Chín năm sau khi vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Godzilla của Ishirō Honda (quái vật hư cấu của Nhật Bản) được miêu tả là một con quái vật thức giấc từ sâu thẳm đại dương tàn phá các thành phố của Nhật Bản. Tuy nhiên loài bò sát thở ra lửa khổng lồ cũng không đáng sợ bằng những gì sắp xảy đến sau đó. Trong chưa đầy một thập kỷ, đã có hàng chục những con quái vật thực sự dưới biển có khả năng hủy diệt nhiều thành phố cùng một lúc. Tất nhiên đó chính là những tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của hải quân Mỹ.

Loài quái vật có thực đáng sợ nhất đang rình mò dưới đại dương hiện nay là 14 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Ohio có thể mang một lượng vũ khí hạt nhân cực mạnh.

Nếu làm phép toán người ta có thể nhận thấy, các tàu ngầm lớp Ohio này có thể là hệ thống vũ khí mang tính hủy diệt nhất từng được loài người chế tạo. Cứ mỗi chiếc tàu dài 170m này có thể mang theo 24 tên lửa đạn đạo Trident II phóng từ tàu ngầm. Những tên lửa này có thể phóng từ dưới nước để tấn công các mục tiêu cách xa hơn 7.000 dặm.

Một tên lửa Trident II có thể phóng lên và quay lại quỹ đạo trái đất với vận tốc gần bằng Mach 24, tên lửa này chia tách thành 8 phương tiện độc lập, mỗi chiếc mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên tới 100-475 kiloton. Tóm lại, một loạt đạn phóng từ tàu ngầm lớp Ohio có thể giải phóng 192 đầu đạn hạt nhân, san bằng 24 thành phố trên bản đồ. Đây là thứ vũ khí ác mộng của ngày tận thế.

Đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của tàu ngầm lớp Ohio là tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon của Nga, một loại tàu ngầm thậm chí còn lớn hơn được trang bị 20 ống phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Anh và Pháp cũng đều vận hành nhiều loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo với nhiều loại vũ khí tên lửa khác nhau, và thậm chí còn có một số tàu ngầm đủ sức tiêu diệt các thành phố chủ chốt ở các nước phát triển.

Hải quân Mỹ đang xây dựng lớp tàu ngầm mới còn mạnh hơn cả Ohio
Hải quân Mỹ đang xây dựng lớp tàu ngầm mới còn mạnh hơn cả Ohio

Logic của răn đe hạt nhân là: trong khi phát động một cuộc tấn công phủ đầu có thể quét sạch các tên lửa trên mặt đất và các máy bay ném bom hạt nhân của một quốc gia, nhưng lại rất khó để có thể theo dấu một tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo tuần tra lặng lẽ dưới đáy đại dương, và cũng khó có thể tiêu diệt được tất cả những tàu ngầm này chỉ trong cuộc tấn công đầu tiên. Do đó các tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo sẽ là công cụ trả đũa hạt nhân không gì ngăn cản được, và chúng cũng sẽ ngăn chặn sự tấn công từ đối thủ hoặc không phải viện đến các vũ khí hạt nhân. Ít nhất thì đó là hi vọng.

Như vậy, tàu ngầm lớp Ohio trang bị tên lửa Trident sẽ hoàn thành được nhiệm vụ nếu chúng không khai hỏa tấn công trong lúc đang giận dữ.

Các tàu ngầm lớp Ohio này được đưa vào vận hành từ những năm 1980 để thay thế cho 5 tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo thuộc các lớp khác nhau. Các tàu ngầm lớp Ohio mới vẫn là những tàu ngầm lớn nhất phục vụ trong hải quân Mỹ và là thế hệ lớn thứ ba từng được xây dựng. Ngoại trừ Henry M.Jackson, mỗi tàu được đặt tên theo một bang của Mỹ, vinh dự này trước đó chỉ dành cho các tàu chiến mặt nước.

Trong trường hợp nổ ra tấn công hạt nhân lẫn nhau, tàu ngầm lớp Ohio có thể nhận được lệnh bắn thông qua đường truyền vô tuyến đặc biệt tần số rất thấp. Các tên lửa trên tàu ngầm không được xác định mục tiêu trước giống như tên lửa đặt trong các giếng phóng cố định trên mặt đất, chúng có thể được chỉ định tọa độ khá nhanh. Tám tàu đầu tiên lớp Ohio vốn được xây dựng để phóng tên lửa đạn đạo Trident I C4, phiên bản cao cấp của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu Poseidon trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các tàu ngầm lớp Ohio đều được trang bị các tên lửa siêu cấp Trident II D5 với tầm bắn xa hơn 50% và có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác, cho phép chúng nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự chính xác như một vũ khí tấn công phủ đầu.

Tàu ngầm lớp Ohio còn được trang bị 24 ống phóng có thể bắn ngư lôi Mark 48. Tuy nhiên, chúng chỉ được dùng để tự vệ, nhiệm vụ của tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo không phải là để tấn công các tàu của đối thủ mà là nằm yên một cách lặng lẽ nhất có thể để loại bỏ mọi cách theo dõi của kẻ thù. Các lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm khiến cho nó có sức chịu đựng dưới nước gần như không giới hạn và khả năng duy trì tốc độ hành trình 23 dặm/giờ trong khi hầu như không tạo ra tiếng ồn.

"Quái vật" Ohio có thể tung đòn hủy diệt nhiều thành phố cùng một lúc

Trong khi các nhánh quân đội khác có thể được triển khai để đáp trả lại cuộc khủng hoảng hiện tại, các tàu ngầm hạt nhân vẫn duy trì lịch trình tuần tra đều đặn và liên lạc không thường xuyên để duy trì tình trạng tàng hình. Mỗi tàu ngầm lớp Ohio có hai thủy thủy đoàn gồm 154 sĩ quan và binh sĩ, phân làm hai đội Vàng và Xanh liên tục thay nhau tiến hành tuần tra. Những cuộc tuần tra kéo dài trung bình từ 70-90 ngày dưới nước, và dài nhất là 140 ngày theo USS Pennsylvania. Khoảng cách giữa các cuộc tuần tra trung bình là một tháng, việc tiếp tế được thực hiện qua ba hầm cung cấp với đường kính lớn.

Hiện nay, 9 tàu ngầm lớp Ohio đang đóng ở Bangor, Washington để tiến hành tuần tra Thái Bình Dương, trong khi đó 5 tàu khác đang đóng ở Vịnh Kings, Georgia nhằm thực hiện các hoạt động ở Đại Tây Dương. Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và đặc biệt là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược đã dẫn đến việc Mỹ cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thay vì ngừng hoạt động một số tàu cũ nhất theo đúng kế hoạch ban đầu, hải quân Mỹ đã quyết định tái trang bị 4 trong số 18 tàu ngầm lớp Ohio phục vụ như tàu mang tên lửa hành trình để thực hiện các cuộc tấn công thông thường nhằm vào các mục tiêu trên biển và trên mặt đất.

Trong khi đó, Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 đã bổ sung thêm một số hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai. Kế hoạch hiện nay là để 12 tàu ngầm lớp Ohio hoạt động cùng lúc với 20 tên lửa Trident II trên mỗi chiếc, trong khi đó, hai chiếc tàu ngầm nữa đang được đại tu, mang theo tổng cộng 240 tên lửa cùng với 1.090 đầu đạn hạt nhân. Số lượng này đủ để hủy diệt vài lần thế giới này.

Tàu ngầm lớp Ohio sẽ vẫn hoạt động cho đến tận cuối những năm 2020 và thậm chí có thể được nâng cấp thêm về khả năng tàng hình cho đến khi chúng được thay thế bởi người kế nhiệm, dự kiến sẽ được đặt tên là tàu ngầm lớp Columbia. Với chi phí sản xuất ước tính từ 4-6 tỷ USD mỗi chiếc, thế hệ tàu ngầm tiếp theo có thể ít hơn về số lượng và sẽ sử dụng các lò phản ứng mới, không cần nhiều những sửa chữa và tiếp tế tốn kém và có thể tác chiến đến tận năm 2085.