Thỏa thuận theo từng giai đoạn này nêu rõ lệnh ngừng bắn ban đầu kéo dài 6 tuần với việc rút quân dần dần khỏi Dải Gaza, nơi hàng chục nghìn người đã thiệt mạng. Các con tin bị nhóm chiến binh Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, bắt giữ sẽ được trả tự do để đổi lấy các tù nhân Palestine do Israel giam giữ.
Tại một cuộc họp báo ở Doha, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào Chủ nhật tuần này. Ông cho biết các nhà đàm phán đang làm việc với Israel và Hamas về các bước thực hiện thỏa thuận.
"Thỏa thuận này sẽ ngăn chặn giao tranh ở Gaza, tăng cường hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết cho thường dân Palestine và đoàn tụ các con tin với gia đình của họ sau hơn 15 tháng bị giam cầm", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington.
Bất chấp bước đột phá này, người dân Palestine cho biết các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp tục vào tối 15/1 tại Gaza, nơi có hơn 46.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, theo các cơ quan y tế địa phương. Thành phố Gaza và phía bắc Gaza đã bị ném bom và 20 người đã thiệt mạng, các nhân viên y tế cho biết.
Người Palestine đã phản ứng với tin tức về thỏa thuận bằng cách ăn mừng trên đường phố Gaza, mặc dù đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về lương thực, nước, nơi trú ẩn và nhiên liệu. Tại Khan Younis, đám đông đã làm tắc nghẽn đường phố khi họ reo hò, vẫy cờ Palestine và nhảy múa.
"Tôi rất vui, đúng vậy, tôi đang khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt vui mừng", Ghada, một bà mẹ 5 con, cho biết.
Tại Tel Aviv, Israel gia đình của các con tin người Israel và bạn bè của họ đã vui mừng trước tin tức này, trong một tuyên bố, họ cho biết họ cảm thấy "niềm vui và sự nhẹ nhõm tràn ngập về thỏa thuận đưa những người thân yêu của chúng tôi trở về nhà".
Việc Israel chấp nhận thỏa thuận sẽ không chính thức cho đến khi được nội các an ninh và chính phủ của nước này chấp thuận, với cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong hôm 16/1, một quan chức Israel cho biết.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được phê duyệt bất chấp sự phản đối của một số người theo đường lối cứng rắn trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, người đã lặp lại lời lên án thỏa thuận trong hôm 15/1.
Văn phòng của ông cho biết ông Netanyahu đã gọi điện cho ông Biden và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để cảm ơn họ và cho biết ông sẽ sớm đến thăm Washington.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội thông báo về lệnh ngừng bắn, Hamas gọi hiệp ước này là "một thành tựu cho người dân chúng tôi" và là "một bước ngoặt".
Giảm thang căng thẳng trong khu vực
Nếu thành công, lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn cuộc giao tranh đã san phẳng phần lớn Gaza và di dời phần lớn dân số 2,3 triệu người (trước chiến tranh) của vùng đất nhỏ bé này.
Lệnh ngừng bắn sẽ làm giảm bớt căng thẳng trên khắp Trung Đông, nơi cuộc chiến đã gây ra xung đột ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, ở Lebanon, Syria, Yemen và Iraq, và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai kẻ thù truyền kiếp trong khu vực là Israel và Iran.
Giai đoạn một của thỏa thuận bao gồm việc trả tự do cho 33 con tin người Israel, bao gồm tất cả phụ nữ, trẻ em và đàn ông trên 50 tuổi. Một nguồn tin cho biết 2 con tin người Mỹ, Keith Siegel và Sagui Dekel-Chen, nằm trong số những người được thả trong giai đoạn đầu tiên.
Thỏa thuận kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza, và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh "ưu tiên hiện nay phải là giảm bớt nỗi đau to lớn do cuộc xung đột này gây ra".
Cả Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đều cho biết họ đang chuẩn bị mở rộng quy mô hoạt động viện trợ của mình.
Thỏa thuận này được công bố sau nhiều tháng đàm phán gian nan, không liên tục do các nhà trung gian Ai Cập và Qatar tiến hành, với sự hậu thuẫn của Mỹ, và diễn ra ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trump.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi hoan nghênh thỏa thuận này trong một bài đăng trên X cũng như các nhà lãnh đạo và quan chức từ Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Liên Hợp Quốc, Jordan, Đức và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cùng nhiều nước khác.
Trên trang mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump cho biết thỏa thuận sẽ không xảy ra nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024.
Đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, Steve Witkoff đã có mặt tại Qatar cùng với các đặc phái viên Nhà Trắng để tham gia các cuộc đàm phán, và một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết sự hiện diện của Witkoff rất quan trọng để đạt được thỏa thuận sau 96 giờ đàm phán căng thẳng.
Ông Biden cho biết hai nhóm đã "nói chuyện như một" mặc dù chính quyền Trump sẽ chủ yếu xử lý việc thực hiện thỏa thuận.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu