Hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 “update” lần thứ 5 có gì đặc biệt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để điều trị hiệu qủa bệnh nhân COVID-19 trong tình hình mới, chiều nay, ngày 14/7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 được cập nhật lần thứ 5.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng (Ảnh -BYT)
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng (Ảnh -BYT)

Trẻ em mắc bệnh nhẹ hơn người lớn

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, Bộ Y tế cho biết: Virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc, liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát.

Thực tế, bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của “cơn bão cytokine” và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch.

Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.

Theo Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của bệnh nhân COVID-19 là từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Triệu chứng ban đầu thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tế lưỡi.

Khoảng hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào và gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện...Trong đó khoảng 5% bệnh nhân cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng SOFA cao khi nhập viện và nồng độ Ddimer > 1 mg/L.

Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Đến nay, chưa có bằng chứng khác biệt về các biểu hiện lâm sàng của COVID-19 ở phụ nữ mang thai.

Qua thực tế điều trị, Bộ Y tế cho hay: Ở trẻ em, đa số trẻ mắc COVID-19 có các các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi nặng dẫn tới tử vong. Tuy nhiên một số trẻ mắc COVID-19 có tổn thương viêm đa cơ quan giống bệnh Kawasaski: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.

Điều trị triệt để, giúp bệnh nhân sớm hồi phục

Nhằm điều trị hiệu quả cho người bệnh, Bộ Y tế cho biết: Nguyên tắc điều trị chung là phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các trường hợp bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu) cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định.

Trường hợp bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn. Ca bệnh (FO) nhẹ hoặc không có triệu chứng viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các buồng bệnh thông thường. Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị tại các buồng bệnh hồi sức tích cực.

Còn ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực. Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu, đồng thời, cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Vì thế, các bác sĩ có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép, theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BVCC)

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BVCC)

Các biện pháp theo dõi và điều trị chung gồm: Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm bảo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác như đèn cực tím (nếu có).

Vệ sinh mũi họng, giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, xúc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường; uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.

Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ cần thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc; đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết. Với các người bệnh nặng - nguy kịch, áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc đã ban hành. Hạ sốt nếu người bệnh sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn; giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết. - Đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mãn tính kèm theo (nếu có).

Lưu đồ theo dõi, xử trí bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - MT)

Lưu đồ theo dõi, xử trí bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - MT)

Ngoài ra, các bác sĩ cần tư vấn, hỗ trợ tâm lý, động viên người bệnh; theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng, tiến triển của tổn thương phổi trên phim X-quang và/hoặc CT phổi, đặc biệt trong khoảng ngày thứ 7-10 của bệnh, phát hiện các dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Tại các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu: máy theo dõi độ bão hòa ô xy, hệ thống/bình cung cấp ô xy, thiết bị thở ô xy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ), bóng, mặt nạ, và dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi.