Hộp sọ đóng kín khiến bé gái ngủ không nhắm mắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mắc dị tật hiếm gặp khiến hộp sọ đóng kín, bé gái 16 tháng tuổi không thể nhắm mắt kể cả khi ngủ, mắt bị lồi to.
Bác sĩ khám cho bé M. (Ảnh - BVCC)
Bác sĩ khám cho bé M. (Ảnh - BVCC)

Mẹ khóc hết nước mắt vì con bị dị tật

Các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bé H.M.,16 tháng tuổi (Bắc Ninh) mắc dị tật hẹp hộp sọ hiếm gặp (Oxycephaly) khiến khớp sọ bị liền dính.

Chị T.H. – mẹ bé M. tâm sự: “Khi mang thai 32 tuần, con tôi được chẩn đoán mắc dị tật khớp sọ đóng sớm. Tôi chỉ ước đây là 1 sự nhầm lẫn, con sinh ra sẽ khỏe mạnh như anh chị của bé. Nhưng, khi chào đời con mang trong mình đa dị tật: dị dạng sọ mặt phức tạp, khớp sọ đóng sớm, đầu bẹt, đỉnh đầu nhô cao nhọn hoắt, não úng thủy, 2 mắt lồi to ra ngoài không thể nhắm kín dù ngủ hay thức, bất thường ống tai,…".

Sau khi tìm hiểu khắp nơi, chị H. biết đến Khoa Sọ mặt và Tạo hình BV Nhi Trung ương, có thể phẫu thuật tạo hình hộp sọ cho các bé mắc dị tật nên chị đã đưa con đến khám.

Sau khi khám cho bé, ThS.BS. Đặng Hoàng Thơm – Trưởng Khoa Sọ mặt và Tạo hình, BV Nhi Trung ương - cho biết: Bé M. mắc dị tật sọ mặt hiếm gặp, tất cả các khớp sọ bị liền sớm, hộp sọ đóng kín, không thể đáp ứng sự phát triển của não bộ, gây tăng áp lực nội sọ. Phức hợp khối xương trán - trần ổ mắt của nền sọ, tầng giữa mặt thiểu sản khiến bé càng lớn mắt càng lồi to, không thể nhắm kín, gây khô loét giác mạc, chảy nước mắt, giảm thị lực, có thể bị mù. Hộp sọ của bé bị biến dạng hoàn toàn, đầu dài dẹt, cao lên như hình tháp, thường xuyên ngừng thở khi ngủ.

Bé M. trước và sau khi phẫu thuật (Ảnh - BVCC)

Bé M. trước và sau khi phẫu thuật (Ảnh - BVCC)

Sau khi khám, hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ xác định bé M. cần phẫu thuật tạo hình mở rộng thể tích hộp sọ để phù hợp với thể tích não, giúp não phát triển và tái tạo lại hình dạng hộp sọ. “Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật kéo giãn vòm sọ sau bằng dụng cụ kéo giãn, giúp thể tích hộp sọ bé tăng lên 30% so với ban đầu. Với kỹ thuật này, hộp sọ của bé sẽ được mở rộng từ từ 1mm/ngày, chia làm 2 lần vào buổi sáng và chiều, thông qua kéo giãn bằng thiết bị chuyên biệt. Hàng ngày, bé sẽ được kéo giãn, theo dõi, đánh giá tình trạng đến khi đạt được thể tích hộp sọ mong muốn” – BS. Thơm nói.

5 ngày sau phẫu thuật, thể tích hộp sọ của bé bắt đầu tăng, giảm tình trạng buồn nôn. Sau 10 ngày thì bé không nôn trớ, mắt có thể nhắm kín, ăn ngon, ngủ sâu giấc, không khò khè.

Thấy sức khoẻ con ngày một tốt lên, chị H. không thể giấu nổi niềm vui: “Sau phẫu thuật, con tôi ăn không bị nôn trớ. Trong 2 tuần, con đã tăng 6 lạng, phần đầu cũng thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, khi ngủ con đã nhắm được kín mắt - điều mà trước đây tôi nghĩ con sẽ không bao giờ làm được. Đây đúng là phép màu đến từ các bác sĩ”.

Khuôn mặt mới, tương lai mới

Theo BS. Thơm, hẹp sọ bẩm sinh là bệnh lý liền sớm của 1 hoặc nhiều khớp sọ. Trường hợp bé H.M là liền sớm tất cả các khớp sọ, đầu nhỏ, dẹt, hình tháp dạng Oxycephaly.

Trước đây với những trường hợp như bé M. sẽ phải phẫu thuật cắt rời toàn bộ các bản xương sọ đưa ra ngoài rồi ghép lại làm tăng nguy cơ bị tổn thương màng não, khả năng nuôi dưỡng của bản xương sọ kém, khả năng nhiễm trùng, tiêu xương, di lệch và biến dạng hộp sọ, hồi sức sau mổ phức tạp…

Tuy nhiên, hiện nay Khoa Sọ mặt và Tạo hình đã áp dụng kỹ thuật kéo giãn vòm sọ sau bằng dụng cụ kéo giãn KLS Martin. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, không lấy bản xương sọ ra ngoài, giữ nguyên hình dạng của vòm sọ, bản xương sọ không bị tách rời khỏi hộp sọ, giúp bản xương sọ được nuôi dưỡng, thời gian mổ ngắn, hạn chế nguy cơ chảy máu, chăm sóc hồi sức sau mổ nhanh.

Bé M. khoẻ mạnh sau phẫu thuật (Ảnh - BVCC)

Bé M. khoẻ mạnh sau phẫu thuật (Ảnh - BVCC)

Trong 2 năm qua, Khoa Sọ mặt và Tạo hình kết hợp với Khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Gây mê hồi sức tim mạch – Trung tâm Tim mạch và Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa đã điều trị thành công cho gần 20 bệnh nhi mắc dị tật hẹp sọ bẩm sinh bằng phương pháp kéo giãn vòm sọ sau bằng dụng cụ kéo giãn. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này đã mở ra nhiều hy vọng cho các em bé không may mắc dị tật hẹp sọ bẩm sinh.

Các dị tật sọ mặt phức tạp thường ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ và trí tuệ của trẻ. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đưa con đến khám chuyên khoa sớm để được đánh giá và xử trí kịp thời. Việc điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ mang lại hiệu quả cao và để lại ít di chứng cho trẻ.