Thông tin trên được đưa ra tại toạ đàm "Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam" do VietnamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức chiều 24/11.
Miếng bánh lớn cho doanh nghiệp Việt
Từ góc nhìn của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Khắc Lịch nêu quan điểm: Bộ TT&TT đã xác định, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới. Đồng thời, chính nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Vì thế, điện toán đám mây là một trong những hướng được quan tâm trong thời gian tới.
Theo dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 - 40%. Đặc biệt, trong năm 2020 này, dịch COVID-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt tới 40%.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng điện toán đám mây à một trong những định hướng chủ lực của quốc gia cần tập trung phát triển trong thời gian tới. |
Như vậy, "về mặt thị trường thì điện toán đám mây là một 'miếng bánh' tương đối lớn cho các doanh nghiệp. Còn ở góc độ quốc gia, với tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số, đồng thời thực hiện chủ trương Make in Vietnam, các doanh nghiệp trong nước phải phát triển, làm chủ nền tảng hạ tầng này" - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nêu quan điểm.
Phác họa bức tranh rõ hơn về thị trường điện toán đám mây của Việt Nam, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Viettel IDC - nhận định, với dịch vụ điện toán đám mây, thị trường phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Riêng Viettel, tốc độ phát triển của dịch vụ cao gấp đôi bình thường từ 60 đến 80%.
Tuy vậy, "thị trường đầy tiềm năng trong khi doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm dưới 20% thị trường. Như vậy, chúng ta còn khoảng khai thác rộng về thị trường" - ông Nam nói.
Riêng về dịch vụ, Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng điện toán đám mây rất nhanh, đặc biệt trong thời dịch, bùng nổ dịch vụ trực tuyến.
Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, đã có thuận lợi về chính sách của nhà nước, khách hàng bắt đầu hiểu hơn lợi ích của điện toán đám mây và mức độ tin tưởng nhất định với nhà cung cấp trong nước về độ an toàn dữ liệu, chăm sóc, hỗ trợ. Thị trường điện toán đám mây trong thời gian tới hứa hẹn còn nhiều cơ hội để phát triển.
Ông Hoàng Anh - Giám đốc Kinh doanh CMC Cloud - cho rằng, CMC coi thị trường trong nước là trọng tâm phát triển thời gian tới. Chúng ta có hơn 700 nghìn doanh nghiệp SME nhưng số lượng ứng dụng còn rất nhỏ. Thị trường hoàn toàn có khoảng phát triển, tăng trưởng đột phá.
Chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt
Lý giải việc thị trường là miếng bánh to nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm miếng bánh nhỏ, ông Hoài Nam nhắc đến 2 vấn đề.
Thứ nhất, nói đến nhu cầu điện toán đám mây là phải xét đối tượng khách hàng. Các doanh nghiệp SME và startup cần công nghệ đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần: Một hệ sinh thái.
Phó Giám đốc Viettel IDC Lê Hoài Nam nhận định doanh nghiệp sẽ dần chuyển sang dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam để tối ưu hoạt động. |
Vì cần phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nên nhiều doanh nghiệp thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Cũng vì họ chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn. Từ đó, họ có thể chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài.
Thứ hai, với doanh nghiệp lớn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm có thể sử dụng của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên doanh nghiệp nảy sinh nhu cầu tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí. Khi đó, doanh nghiệp mới chuyển sang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.
Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, hỗ trợ ra sao, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không…
Đồng quan điểm với ông Nam, Giám đốc Kinh doanh CMC Cloud Hoàng Anh cũng nhận định rằng, dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt thua nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là câu chuyện hệ sinh thái.
"Bản chất của doanh nghiệp khi muốn đưa toàn bộ dịch vụ lên đám mây thì họ mong muốn có đủ thành phần, tính năng cần thiết để vận hành hệ thống. Việt Nam mạnh nhất phần hạ tầng còn tính năng hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng khắc phục, đẩy mạnh để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của doanh nghiệp" - ông Hoàng Anh nói thêm.
Tại toạ đàm, Nhà báo Võ Đăng Thiên, Phó Tổng biên tập báo Vietnamnet - dẫn ra thống kê cho thấy thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3.200 tỉ đồng. Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm được khoảng 20% thị phần, 80% vẫn là dùng đám mây đặt tại nước ngoài.
Ông Võ Đăng Thiên cho rằng các doanh nghiệp điện toán đám mây tại Việt Nam phải liên minh lại với nhau để không bị thua trên “sân nhà”. |
Ông Võ Đăng Thiên nhấn mạnh rằng thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp điện toán đám mây tại Việt Nam phải liên minh lại với nhau để không bị thua trên “sân nhà”.
Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số với sự ra đời của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây,…
"Do đó, không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam" - ông Võ Đăng Thiên nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu