Theo đánh giá, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế còn khó khăn và gặp nhiều rào cản đối với doanh nghiệp công nghệ và địa phương trong quá trình triển khai, thu thập và đồng bộ dữ liệu. Chủ đề này đã được các đại diện đề cập và nêu ý kiến tại Hội thảo Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế, do Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Oxfam Việt Nam tổ chức mới đây.
“Loay hoay” về cơ chế chính sách
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ NIDI – đã đưa ra một số vấn đề trong quá trình ứng dụng CNTT cho toàn ngành y tế nói chung, các cơ sở y tế tuyến dưới nói riêng. Theo ông Ninh, lĩnh vực y tế ứng dụng CNTT và chuyển đổi số có phần muộn hơn so với các ngành khác, khiến các cơ chế chính sách chưa được đồng bộ và còn nhiều hạn chế.
Đại diện NIDI cho rằng, ngành y tế đang thiếu “kiến trúc sư trưởng”, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, phụ thuộc vào chỉ đạo, ngân sách và sự ưu tiên ứng dụng CNTT của lãnh đạo từng địa phương.
“Điều này vô tình tạo ra nhưng mâu thuẫn, cạnh tranh không lành mạnh khiến công tác triển khai CNTT trở nên manh mún, phân tán. Nếu có các tiêu chuẩn cụ thể về kỹ thuật, được quy định rõ trong văn bản pháp lý, quá trình tích hợp và thống nhất dữ liệu sẽ hiệu quả hơn. Khi có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cùng tham gia, khung pháp lý chung sẽ tạo điều kiện để phát huy nguồn lực, đồng bộ hóa dữ liệu theo quy chuẩn của Bộ Y tế” – ông Ninh phát biểu.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong y tế hiện nay đang thiếu các chương trình hành động cụ thể. Qua thực tế triển khai giải pháp tại các địa phương, ông Ninh nhận thấy các cơ sở y tế cần được nâng cấp tổng thể về hạn tầng và nhân sự.
“Sau 7 năm cung cấp phần mềm và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế, NIDI không chỉ thực hiện với các tuyến trung ương mà còn tham gia cùng các tuyến dưới như bệnh viện huyện, trạm y tế xã. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng CNTT của các tuyến này chưa đầy đủ, khiến các công tác triển khai ban đầu gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, các cấp từ Sở Y tế trở xuống chưa chú trọng đầu tư nhân lực chuyên trách, dẫn đến tình trạng không đủ năng lực tiếp nhận, giám sát, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp công nghệ” – ông Ninh đánh giá.
Theo đó, đại diện NIDI mạnh dạn đề xuất, Bộ Y tế cần có cơ chế phát triển đội ngũ nhân sự CNTT bên cạnh xây dựng chính sách. Theo ông, phát triển nhân lực về lâu về dài sẽ là tiền đề quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số y tế tuyến tỉnh thành công.
Về vấn đề vi phạm dữ liệu y tế tại các địa phương, ông Ninh đã chỉ ra những bất cập khi cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp nhưng không có thông báo đến người dân. Vì vậy, đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Bộ sớm có chính sách phổ biến đến người dân tại địa phương, giúp người dân nắm được tình trạng dữ liệu.
Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp tham gia thảo luận, góp ý chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Minh Thúy. |
Bài học chủ động của tỉnh Thừa Thiên – Huế
Tham luận trực tuyến tại Hội thảo, điểm cầu Thừa Thiên – Huế đã chia sẻ những kinh nghiệm về thu thập và quản lý dữ liệu y tế qua đại dịch COVID-19. Rút kinh nghiệm khi dữ liệu người dân gửi về trung ương chỉ theo một chiều, tỉnh đã chủ động chuyển sang giải pháp thu thập thông tin từ ứng dụng và website của địa phương. Kết quả sau một thời gian ngắn, công tác triển khai đã lan tỏa đến hơn 300.000 hộ dân, thu về dữ liệu của 1,1 triệu dân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ cập nhật thông tin sức khỏe, hình thức này còn tích hợp điều tra dữ liệu về dân số. Từ đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chủ động thành lập kho dữ liệu mà không phải đợi kết quả trả về từ trung ương.
“Kho dữ liệu này đạt đủ tiêu chuẩn để kết nối và đồng bộ với tuyến Trung ương. Dịch COVID-19 là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ thu thập dữ liệu công dân, từ đó chính quyền nắm được thông tin nhanh chóng, phục vụ cho công tác kiểm soát phòng chống dịch cũng như phát triển quá trình chuyển đổi số về lâu về dài” – đại diện Thừa Thiên – Huế nhận định.
Về công tác bảo mật, đại diện tỉnh khẳng định cam kết an toàn dữ liệu tối đa. Trước đó vào năm 2018, Huế đã rất thành công khi thu thập dữ liệu triển khai ứng dụng đô thị thông minh, từ đó tạo lòng tin cho người dân khi cung cấp thông tin cho chính quyền.
Đại diện Thừa Thiên – Huế cũng cho biết, tới đây địa phương sẽ hướng tới xây dựng và tích hợp thông tin lên app y tế thông minh để người dân có thể tra cứu và tìm hiểu, kết hợp với các nền tảng CNTT để chủ động dữ liệu hiện có.
Lắng nghe ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế đánh giá cao những kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên – Huế và ghi nhận những vướng mắc từ phía doanh nghiệp. Qua đó, đại diện Cục CNTT cho biết Bộ Y tế đã nhận thức được khó khăn để xây dựng và điều chỉnh chính sách. Bên cạnh đó, ông đề ra một số phương hướng để tối ưu hóa nguồn lực, hướng tới chuyển đổi số toàn diện trong ngành.
“Thời gian tới, Cục CNTT, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Truyền thông số Việt Nam, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục tin học hóa về các chính sách chuyển đổi số. Đồng thời, Cục sẽ hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm về quả trị dữ liệu nói chung, dữ liệu y tế nói riêng để chia sẻ, tư vấn, đưa ra góc nhìn, giải pháp để có định hướng, chính sách phù hợp” – ông Nam nêu ý kiến.