Bên ngoài phòng họp, các phóng viên sốt ruột chờ đợi, có người nói đùa rằng thật vinh hạnh được qua đêm trong Điện Kremli, theo Sự thật Komsomol ngày 16.12.
Được biết, trước đó ông Kerry đã đề nghị có cuộc tiếp kiến và hội đàm với Tổng thống Putin và đã được đáp ứng. Nhưng thay vì chỉ bàn luận trong một giờ, cuộc hội đàm kéo dài tới ba tiếng rưỡi đồng hồ thì hẳn là có chuyện hệ trọng, các nhà báo đoán già đoán non.
Sau khi từ phòng họp bước ra, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ đã cung cấp nhiều thông tin gây bất ngờ cho giới truyền thông.
“Ngày hôm nay chúng tôi đã có ba cuộc hội đàm vào buổi sáng, chiều và buổi tối, bàn về những vấn đề cụ thể, tập trung tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria và cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi đã khẳng định quyết tâm diệt trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố đang gây hại cho toàn nhân loại”, ông Lavrov nói.
Ông cũng cho biết, vào ngày 18.12 tới, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp để tái khẳng định những thỏa thuận đã đạt được trong Hội nghị của nhóm công tác Vienna.
Ông Lavrov nói rằng Nga và Mỹ đã đồng ý sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk về tình hình ở Ukraine. Ông Kerry còn đi sâu hơn: “Chúng tôi tin rằng các bên phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ của mình theo Hiệp định Minsk. Hiệp định Minsk được hoàn tất thực hiện càng nhanh thì lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Nga sẽ được hủy bỏ càng sớm”.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên nước ngoài “Bây giờ ngài đang nói chuyện với các nhà lãnh đạo Nga ở Moscow, vậy sự cô lập dành cho Nga để ở đâu?”,
Ngoại trưởng Kerry đưa ra thông tin bất ngờ đầu tiên: “Bây giờ Mỹ không còn có chính sách cô lập Nga nữa. Tổng thống Obama đã đưa ra chính sách đó cách đây hai năm, trong một thời điểm chính trị cụ thể. Nhưng chúng tôi luôn nói rằng khi Mỹ và Nga đạt được một sự thỏa thuận về tổng thể thì đó là thắng lợi của thế giới, đáp ứng lợi ích của nhân loại. Tôi nghĩ rằng đây là một minh chứng cho sự chín muồi về chính trị của cả hai nhà lãnh đạo và vai trò của họ có tầm quan trọng như thế nào”.
Như vậy, Mỹ là quốc gia đầu tiên công nhận sự thất bại trong việc cô lập Nga, một chủ trương mà hiện nay đã gần như không còn được ai ủng hộ.
Sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nga ngày 15.12, ông Kerry có cuộc dạo trên phố Arbat và ghé vào mua sắm quà lưu niệm - Ảnh: Reuters |
Sự đột phá tiếp theo là vấn đề Syria. Giờ đây vị thế của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, không còn là một trở ngại.
“Mỹ cùng đồng minh và các đối tác chính trị của mình không tìm cách thay đổi chế độ ở Syria. Chúng tôi không cho rằng Assad có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai, nhưng hôm nay chúng tôi không tập trung chú ý vào sự khác biệt quan điểm giữa Nga và Mỹ”, Ngoại trưởng Kerry phát biểu.
Như vậy là có thêm một bức tường ngăn giữa Mỹ và Nga đã sụp đổ, và ông Assad có thể giữ vị trí của mình.
Khi các nhà báo Mỹ hỏi ông Lavrov rằng “việc gia tăng các vụ không kích của Nga đã khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền bắc Syria trầm trọng thêm”, Ngoại trưởng Nga lập tức đáp trả: “Tôi hiểu các bạn đang đề cập đến một báo cáo gần đây của LHQ, trong đó khẳng định rằng hoạt động quân sự của Nga tại Syria làm tăng đau khổ cho người dân. Tuy nhiên, trong báo cáo này không hề có dẫn chứng sự kiện.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu Ban Thư ký LHQ đưa ra những chứng cứ cụ thể, nhưng không ai có thể trưng ra bằng chứng xác thực. Sau đó chúng tôi yêu cầu từ nay về sau những người lập báo cáo phải cẩn thận hơn khi phát ngôn bằng văn bản và lời nói, cần phải đưa ra những nhận định, đánh giá dựa trên cơ sở các thông tin chính xác có dẫn nguồn cụ thể. Kể từ đó, những cáo buộc phi lý tương tự đã không còn có cơ hội xuất hiện”.
Theo Thanh Niên