BV quận Phú Nhuận vừa chính thức trở thành trạm cấp cứu vệ tinh thứ 34 của TP.HCM, cho thấy hiệu quả của mô hình cấp cứu vệ tinh 115.
Do đặc thù về địa bàn dân cư rộng, phân bố dân cư đa dạng, có nhiều trục đường quan trọng gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nên nhu cầu về cấp cứu của người dân tại khu vực này khá cao. Trước đây, trên địa bàn quận Phú Nhuận đã có 2 trạm vệ tinh cấp cứu 115 do hai bệnh viện tư nhân đảm trách, đó là bệnh viện Đa khoa Hoàn mỹ Sài Gòn và Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, hai trạm cấp cứu vệ tinh này luôn nằm trong “top” các trạm có số lượt xuất xe cấp cứu cao nhất trong mạng lưới cấp cứu của thành phố. Nay, có thêm trạm vệ tinh thứ ba đặt tại Bệnh viện quận Phú Nhuận chắc chắn sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn quận.
PGS.TS. Tăng Chí Thượng – PGĐ Sở Y tế đánh giá cao những nỗ lực của tập thể y bác sĩ của Bệnh viện quận Phú Nhuận, tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và phương tiện xe cứu thương (hiện bệnh viện chỉ còn 1 xe cứu thương) vẫn nhiệt tình đăng ký tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh thứ 34.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại BV quận Phú Nhuận trong giai đoạn mới triển khai. Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở lưu ý Ban Giám đốc bệnh viện quận Phú Nhuận cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác cấp cứu ngoài bệnh viện, cử nhân viên khoa cấp cứu tham gia lớp đào tạo liên tục chuyên về cấp cứu ngoài bệnh viện của Sở tế, đồng thời nghiên cứu triển khai mô hình xe cứu thương 2 bánh đáp ứng đặc điểm giao thông trên địa bàn quận, trước mắt, Sở Y tế giao bệnh viện Quận Thủ Đức hỗ trợ cho bệnh viện quận Phú Nhuận mượn 1 xe cấp cứu 2 bánh và sớm đi vào hoạt động.
Giám đốc BV quận Phú Nhuận và Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 ký kết Quy chế phối hợp hoạt động cấp cứu 115 dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận và lãnh đạo Sở Y tế (Ảnh: SYT) |
Thời gian qua, các trạm cấp cứu 115 vệ tinh đặt tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc cứu sống kịp thời người bệnh, giảm thiểu di chứng, hỗ trợ điều trị hiệu quả cao và tăng cơ hội vàng cho sự sống của bệnh nhân.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 1.500 bệnh nhân bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp cấp cứu tại chỗ. Phần lớn bệnh nhân này ít khi gọi cấp cứu 115 mà được gia đình hoặc người dân tự chuyển đến khoa cấp cứu tại các BV gần nơi cư trú bằng các phương tiện taxi, xe máy… Chính vì thế có những trường hợp bệnh nhân được đưa tới BV trong tình trạng không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có những trường hợp tử vong trước khi đến được BV.
Trước thực tế đó, từ năm 2017, Sở Y tế TP.CHM đã quyết định mở rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện đặt tại các BV quận huyện, nhất là ở các khu vực cửa ngõ, ngoại thành. “Đến nay đã có 34 bệnh viện công lập và tư nhân tại 22 quận - huyện tham gia làm trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115. Bên cạnh đó, ngành y tế TP đã triển khai mô hình xe cấp cứu hai bánh nhằm tiếp cận nhanh chóng người bệnh khi tình hình đường phố luôn trong tình trạng kẹt xe và nhiều ngõ hẻm”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết.
Thống kê cho thấy, số lượt gọi 115 của người dân cứ tăng dần mỗi năm: nếu như năm 2015 chỉ có 8.787 cuộc gọi thì đến năm 2019 con số này là 31.081 cuộc gọi (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015). Điều này cho thấy, người dân thành phố đã tin tưởng hơn với hoạt động cấp cứu 115 của hệ thống y tế thành phố.
Trong giai đoạn 2020-2025, ngành y tế TP.HCM xây dựng hệ thống cấp cứu 115 hoàn chỉnh theo mô hình của Mỹ, châu Âu, Úc. Đó là mô hình phối hợp, sẽ có những trạm cấp cứu 115 vệ tinh, có các trung tâm cấp cứu 115 ngoại ô; hướng đến đội ngũ y tế cấp cứu sẽ hoạt động theo mô hình vừa cấp cứu tại chỗ, vừa xử lý và cho thuốc, bảo hiểm y tế chi trả; những trường hợp nhẹ không cần phải đến BV mà về nhà điều trị, được y tế địa phương theo dõi.