Hai vụ kiện có thể định hình lại các quy tắc của Internet

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ kiện Google, Twitter và Facebook trong thời gian tới được nhiều chuyên gia nhận định có thể thay đổi hoàn toàn các quy tắc của Internet. 
Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Hai vụ kiện được đệ trình trước tòa án tối cao Hoa Kỳ trong tuần này có thể thay đổi mạnh mẽ các quy tắc của Internet.

Liệu các công ty có phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung mà người dùng của họ đăng không? Cho đến nay họ đã trốn tránh trách nhiệm pháp lý, nhưng một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang muốn thay đổi điều đó. Các vụ kiện mới đang lần đầu tiên trình bày đạo luật trước Tòa án tối cao.

Cả hai vụ kiện đều do thành viên gia đình của các nạn nhân bị tấn công khủng bố đưa ra, những người nói rằng các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm kích động bạo lực bằng các thuật toán của họ. Vụ kiện đầu tiên đã có phiên điều trần đầu tiên vào ngày 21 tháng 2 sẽ yêu cầu tòa án cao nhất của Hoa Kỳ xác định xem YouTube, nền tảng video do Google sở hữu, có phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất các video khủng bố của Nhà nước Hồi giáo hay không. Vụ thứ hai, sẽ được xét xử vào cuối tuần này, nhắm vào Twitter và Facebook với những cáo buộc tương tự.

Tâm điểm trong cả hai vụ là Điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, vốn bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube tránh khỏi kiện cáo. Theo luật, các website hoặc dịch vụ lưu trữ nội dung không phải chịu trách nhiệm hay gặp rắc rối pháp lý với thông tin do người dùng đăng lên, chẳng hạn phần bình luận trong các trang tin tức, dịch vụ video, mạng xã hội.

Vụ kiện của gia đình Gonzalez tập trung vào việc liệu Google có phải chịu trách nhiệm về nội dung mà các thuật toán của họ đề xuất hay không, đe dọa các biện pháp bảo vệ lâu dài mà các nhà xuất bản trực tuyến được hưởng theo Điều 230.

Được biết, năm 2016, gia đình của Nohemi Gonzalez, người thiệt mạng trong một cuộc tấn công của IS ở Paris năm 2015, khởi kiện YouTube - dịch vụ video của Google, Facebook, Twitter và một số mạng xã hội khác vì đề xuất video khủng bố trên nền tảng của mình.

“Các bị cáo bị cáo buộc đã khuyến nghị người dùng xem các video gây kích động do IS tạo ra, những video đóng vai trò chính trong việc tuyển mộ các chiến binh gia nhập IS để chinh phạt một khu vực rộng lớn ở Trung Đông và thực hiện các hành động khủng bố ở quê hương của chúng”, theo hồ sơ tòa án.

Ngoài ra, vụ kiện thứ 2 giữa Twitter và Taamneh sẽ quyết định liệu các công ty truyền thông xã hội có thể bị kiện vì hỗ trợ hoặc tiếp tay cho một hành động khủng bố cụ thể hay không.

Nguyên đơn trong vụ kiện là gia đình của Nawras Alassaf, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của IS ở Istanbul năm 2017. Gia đình đã khởi kiện Twitter và một số công ty khác, tố các nền tảng này vi phạm luật chống khủng bố bằng cách cố tình hỗ trợ IS. Theo đơn kiện, Twitter đã cho phép hiển thị một số nội dung của các nhóm khủng bố thay vì hạn chế chúng như chính sách đã đưa ra.

Điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông hoạt động thế nào

Được thông qua vào năm 1996, mục 230 bảo vệ các công ty như YouTube, Twitter và Facebook khỏi phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng. Các nhóm tự do dân sự chỉ ra rằng đạo luật cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ có giá trị đối với quyền tự do ngôn luận bằng cách trao cho các nền tảng công nghệ quyền lưu trữ một loạt thông tin mà không bị kiểm duyệt quá mức.

Trong trường hợp này, Tòa án tối cao Mỹ đang được yêu cầu xác định xem liệu quyền miễn trừ được cấp theo mục 230 có mở rộng cho các nền tảng hay không khi chúng không chỉ lưu trữ nội dung mà còn đưa ra “các đề xuất thông tin có mục tiêu”. Paul Barrett, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền NYU Stern, cho biết kết quả của vụ việc sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Ông nói: “Điều đang bị đe dọa ở đây là các quy tắc về quyền tự do ngôn luận trên internet. Trường hợp này có thể giúp xác định liệu các nền tảng truyền thông xã hội lớn có tiếp tục là nơi cho mọi loại hình tự do ngôn luận hay không, từ các cuộc tranh luận chính trị đến những người đăng tác phẩm nghệ thuật của họ và các nhà hoạt động nhân quyền nói với thế giới về những gì đang xảy ra ở quốc gia của họ”.

"Có khả năng những vấn đề này đặt Tòa án Tối cao Mỹ vào vị trí phải viết lại nền tảng pháp lý của Internet", một chuyên gia nhận định trên WSJ. "Hệ sinh thái Internet đã trở thành nơi sinh sản của một loạt tệ nạn xã hội, từ ngôn từ kích động thù địch đến rối loạn ăn uống".

"20 năm sau, chúng ta thức dậy và Internet không còn tốt đẹp nữa", Hany Farid, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, nói. "Đã đến lúc bắt đầu nghĩ về cách làm cho Internet trở thành nơi văn minh hơn".

Phản ứng đối với những nỗ lực cải cách Điều 230

Khi các cuộc tranh luận trong vụ án Gonzalez bắt đầu vào thứ Ba (21/2), các thẩm phán dường như tỏ ra thận trọng đối với Điều 230, nói rằng những thay đổi trong điều luật này có thể dẫn tời hàng loạt vụ kiện trong tương lai.

Ngay cả các thẩm phán trước đây từng chỉ trích gay gắt các công ty internet dường như do dự trong việc thay đổi mục 230 trong các cuộc tranh luận hôm 21/2.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã phản ứng với những nỗ lực cải cách. Theo đó, đảng Cộng hòa cho rằng các nền tảng đã đàn áp các quan điểm bảo thủ trong khi Đảng Dân chủ nói rằng các thuật toán của nền tảng đang khuếch đại ngôn từ kích động thù địch và nội dung có hại.

Cuộc tranh luận về điều 230 đã tạo ra sự đồng thuận hiếm hoi trong các đảng phái chính trị, thậm chí cả Mark Zuckerberg của Facebook cũng nói với Quốc hội rằng “hợp lý khi phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với một số nội dung” và rằng Facebook “sẽ được hưởng lợi từ sự hướng dẫn rõ ràng hơn từ các quan chức dân cử”. Cả Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều kêu gọi thay đổi biện pháp này.

Bất chấp những nỗ lực của các nhà lập pháp, nhiều công ty, học giả đã bảo vệ điều 230, nói rằng những thay đổi có thể gây tác dụng ngược và thay đổi đáng kể Internet như chúng ta biết.

Các công ty như Reddit, Twitter, Microsoft cũng như các nhà phê bình công nghệ như Electronic Frontier Foundation đã gửi thư lên tòa án lập luận rằng việc quy định các nền tảng chịu trách nhiệm về các đề xuất thuật toán sẽ có tác động nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận và nội dung internet.

Evan Greer, một nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số nói rằng việc quy trách nhiệm cho các công ty về hệ thống khuyến nghị nội dung của họ có thể “dẫn đến việc cấm đoán rộng rãi các bài phát biểu chính trị, tôn giáo và ngôn luận hợp pháp khác”.

Ông Greer - người cũng là giám đốc của nhóm quyền kỹ thuật số Fight for the Future, cho biết: “Mục 230 bị công chúng hiểu lầm rất nhiều. Sự thật là Mục 230 là nền tảng cho quyền con người và ít nhiều đây cũng là lý do mà bạn vẫn có thể tìm thấy thông tin quan trọng trực tuyến về các chủ đề gây tranh cãi như phá thai, sức khỏe tình dục, hành động quân sự, hay những nhân vật bị cáo buộc có hành vi sai trái một cách công khai”.

Theo The Guardian