Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ những suy tư của ông tại Đối thoại 2045 về việc phát triển hai nguồn lực doanh nhân và trí thức để Việt Nam có thể hiện thực hoá khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng cường 25 năm tới.
Bất kì quốc gia nào muốn trở nên giàu mạnh đều phải có các doanh nghiệp và các trường đại học hàng đầu. Nếu không có những doanh nghiệp, doanh nhân lớn và những trường đại học xuất sắc, quốc gia đó không thể duy trì được vị trí dẫn đầu.
Nói cách khác, nếu Việt Nam không phát triển hai nguồn lực doanh nhân và trí thức, chúng ta không thể nào tự quyết định vận mệnh và tiền đồ dân tộc trong bối cảnh thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng giữa các cường quốc diễn ra ngày càng khốc liệt.
Những cuộc thảo luận quan trọng như Đối thoại 2045 đã xác lập sự đồng thuận đầu tiên về nhu cầu vun đắp, bồi dưỡng và phát triển hai nguồn lực rất quan trọng này của đất nước.
Hàng trăm năm trước, danh sĩ Thân Nhân Trung đã có câu nói nổi tiếng đi vào lịch sử: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Câu nói này đã được rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ở nhiều thế hệ nhắc lại. Trước đây, hiền tài chỉ được dùng theo nghĩa “vua sáng, tôi hiền”, nhưng trong thời đại hiện nay, hiền tài còn bao gồm doanh nhân và trí thức.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt như bây giờ, lực lượng doanh nhân phải thực sự là những người tài có năng lực dẫn dắt đất nước. Điều này hoàn toàn khả thi bởi vì chỉ mới 25 năm trước, các doanh nghiệp tư nhân còn đang chập chững bước từng bước một đầy bỡ ngỡ gia nhập thị trường toàn cầu sau khi luật doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực vào năm 1990.
Đến thời điểm này, chúng ta có thể tự hào nói rằng Việt Nam đã có một lực lượng doanh nhân thực sự lớn mạnh và vững chắc. Tôi tin rằng họ sẽ còn đóng vai trò to lớn hơn nữa trong 25 năm tới, trở thành lực lượng dẫn dắt xã hội trong tương lai nếu ngay từ hôm nay chúng ta chuẩn bị những tiền đề để khai phóng nguồn năng lượng này.
Liên quan đến nguồn lực trí thức, chúng ta vô cùng may mắn khi đất nước đã có những hạt giống lớn về trí tuệ với những tên tuổi xuất sắc vang danh thế giới như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Vũ Hà Văn... Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể xây dựng những trường đại học hàng đầu, nơi ươm mầm những nhân tài tương lai cho đất nước.
Việt Nam cũng đã ghi tên mình vào bản đồ những giải thưởng danh giá như giải Fields về toán học, giải Dirac về vật lý, hay thậm chí có những nhà khoa học người Việt nằm trong danh sách chờ nhận giải thưởng Nobel. Đó là những thành tựu lớn lao mà những quốc gia lớn hơn chúng ta, giàu có hơn chúng ta nhiều lần cũng chưa bao giờ đạt được.
Nhưng khi quan sát những tên tuổi trí thức lớn của Việt Nam, có một điều khiến tôi trăn trở là tất cả những vị này đều phải ra nước ngoài học tập và làm việc thì mới có thể vươn đến đỉnh cao của thế giới. Điều đó có nghĩa là chúng ta chưa tạo ra được hệ sinh thái và môi trường để dung dưỡng người tài. Những hạt giống tốt ấy vẫn phải tìm đến môi trường bên ngoài để nẩy mầm và nở hoa.
Do vậy, tạo ra môi trường để những người tài này phát triển là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có những trường đại học, những viện nghiên cứu xuất sắc.
Phải nói thêm rằng, Việt Nam cũng vô cùng may mắn khi có cộng đồng người Việt thành danh ở nước ngoài. Họ là những doanh nhân thành đạt, những trí thức tên tuổi và là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Nếu có những cơ chế thích hợp để thu hút họ trở về thì đất nước không chỉ có được một nguồn lực dồi dào về chất xám và tài chính để phát triển mà còn tạo ra sức mạnh hoà hợp dân tộc thực sự.
Đó chính là cơ sở để Việt Nam đi tới năm 2045 với tư thế của một dân tộc hoà hợp và đồng thuận trong nỗ lực xây dựng đất nước thịnh vượng và hùng cường.
Hôm nay, người Việt chúng ta ngồi đây để thảo luận về tương lai của 25 năm tới. Hãy thử hình dung mỗi chúng ta ở 25 năm sau, khi nhìn lại liệu chúng ta có thể tự hào mà nói rằng mình đã cống hiến, đã đóng góp hết mình để tạo dựng cho các thế hệ con cháu chúng ta những giá trị, những di sản vững chắc để họ có thể đi tiếp và tạo ra những thành công mới cho dân tộc Việt Nam hay không.
Tôi tin nếu mỗi người đều mang trong mình những điều trăn trở ấy, và bắt tay vào những công việc, những hành động dù nhỏ nhưng ý nghĩa ngay từ bây giờ thì khát vọng 2045 sẽ không phải là một giấc mơ xa vời.
Trường Minh (ghi)