Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 của Sở Y tế Hà Nội.
Hơn 7 triệu mũi vaccine đã được tiêm cho người dân
Đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong 9 tháng đầu năm, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) – cho biết: Từ ngày 1/1 đến 18/10, Hà Nội có 4.463 ca mắc COVID-19, 45 ca tử vong. Cộng dồn đợt dịch 4 (từ ngày 27/4), thành phố có 4.394 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 71 trường hợp nhập cảnh, 203 trường hợp ghi nhận tại các khu cách ly, 10 trường hợp là nhân viên y tế tại các khu cách ly, 4.110 trường hợp tại cộng đồng.
Về công tác tiêm vaccine COVID-19, đến nay toàn thành phố đã triển khai 24 đợt tiêm vaccine với hơn 1.300 điểm tiêm, đã tiêm được 7.879.954 mũi tiêm, có ngày tiêm trên 600.000 mũi cho người dân. Ngoài ra, hoạt động tiêm chủng mở rộng cũng thực hiện tiêm đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi, tiêm vaccine bại liệt cho trẻ đủ 5 tháng tuổi, tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4 cho trẻ 18-23 tháng, tiêm uốn ván cho phụ nữ có thai, tiêm phòng IPV cho trẻ.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân (Ảnh - SYT HN) |
Nhằm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, từ đầu năm thành phố đã giám sát phát hiện 1.031 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 943 ca bệnh được phát hiện tại tuyến y tế cơ sở (chiếm 91,5% tổng số bệnh nhân); xử lý 114 ổ dịch, tổ chức 290 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động 18 chiến dịch tại 4 quận, huyện (Hà Đông, Thanh Xuân, Chương Mỹ, Đan Phượng).
Về hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc người nguy cơ cao được tiếp cận với các dịch vụ cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí. Kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95 chỉ đạt 77% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý; số bệnh nhân mới, bắt đầu được đưa vào điều trị ARV đạt tỉ lệ thấp (30,1%); tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV tham gia BHYT đạt 81,5% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Tăng tốc tiêm vaccine cho người dân, xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ
Sau khi đánh giá các hoạt động đã được triển khai từ đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ cần thực hiện trong những tháng cuối năm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, nhiệm vụ đầu tiên là tập trung thực hiện chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 các đợt trả mũi 2 và tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần, bệnh mạn tính,…), tiêm cho người ngoại tỉnh, tiêm cho người Hàn Quốc (theo yêu cầu của Bộ Y tế) theo tình hình cung ứng vaccine.
Cùng với đó, Sở Y tế sẽ rà soát, thống kê số lượng trẻ trên địa bàn cần tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi, 12-15 tuổi và 16-17 tuổi; xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường sử dụng nền tảng tiêm chủng COVID-19 để quản lý đối tượng tiêm vaccine đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin; tiếp tục triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, khuyến cáo người dân sử dụng sổ tiêm chủng điện tử.
Nhận định về tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết: Về cơ bản, dịch COVID-19 đã được khống chế. Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp do một số ca bệnh vẫn xuất hiện rải rác, có ổ dịch tại cộng đồng không rõ nguồn lây; việc gỡ bỏ giãn cách, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là nối lại giao thông với các tỉnh thành trong khi một số tỉnh phía Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch; tỷ lệ tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 tại Hà Nội và cả nước còn thấp; ngày càng nhiều biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, độc lực cao. Vì thế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị phải tiếp tục chú trọng vào công tác tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh.