Nhân hội thảo này, ban tổ chức đã công bố Đề án Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025.
Đề án này đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định phê duyệt số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019 với vai trò điều hành thường trực của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong các mục tiêu của Đề án, Hà Nội sẽ hỗ trợ hình thành 3 - 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn; phấn đấu đến 2025 hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Về tổng kinh phí, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 243,92 tỷ đồng trong tổng kinh phí dự kiến 312,9 tỷ đồng từ 2019 đến 2025. Các đối tượng đủ điều kiện tham gia có thể tiếp cận và liên hệ trực tiếp với Cơ quan Thường trực Đề án (Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), hoặc Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn, nộp hồ sơ xin hỗ trợ hoặc tuyển chọn đơn vị thực hiện.
Cũng nhân sự kiện này, thực hiện quyết định số 887/QĐ-KH&ĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Ban vận động Thành lập Hiệp hội Đổi mới Sáng tạo và Hỗ trợ Khởi nghiệp thành phố Hà Nội với các thành viên gồm ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Phong - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Chủ tịch Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, PGS TS Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam và ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Alpha.
Các thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Đổi mới Sáng tạo và Hỗ trợ Khởi nghiệp Thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cùng một số khách mời của hội thảo
|
Sau các nội dung nói trên, các diễn giả đã có phần giao lưu với đông đảo đại biểu tham dự. Trước câu hỏi của VietTimes về thực tế của tỷ lệ thành công với khởi nghiệp chỉ đạt không quá 10% theo các tổng kết quốc tế, ông Vũ Tuấn Cương – Giám đốc Vườn ươm CNTT và Đổi mới Sáng tạo thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, vườn ươm của ông có một quy trình rất rõ ràng để tuyển chọn các dự án khởi nghiệp sáng tạo và quá trình tuyển chọn chỉ lựa chọn được khoảng 30% các dự án để chính thức hỗ trợ.
Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, khởi nghiệp không phải là cuộc chơi dành cho số đông. Vì thế, các đối tượng khởi nghiệp sáng tạo ngoài yếu tố công nghệ thì phải có trình độ về quản trị dự án, quản trị doanh nghiệp mà chỉ có một số ít người hội đủ tư chất và kiến thức để làm. Đây chính là việc mà các vườn ươm có thể hỗ trợ, đào tạo về năng lực quản trị cho họ.
Ông Trần Ngọc Nam – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bày tỏ mong muốn, chính các trường Đại học và Cao đẳng phải tham gia nhiệt tình vào sân chơi khởi nghiệp. Trước hết, chính các trường phải tích cực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo chính là kết tinh của thực tế đó. Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong thì đề cập, số đông các đối tượng không thành công trong khởi nghiệp không nên bi quan. Nếu như không thành công trong khởi nghiệp thì các đối tượng tham gia cuộc chơi này vẫn còn rất nhiều cơ hội về nhân sự cao cấp ở các doanh nghiệp có nhu cầu.