Không thể để khởi nghiệp chỉ mang tính phong trào
Mục tiêu mà Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đề ra đến năm 2020 là phát triển được 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp. Như vậy, với 25 triệu thanh niên của cả nước thì cứ 25 thanh niên phải có được 1 doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhận xét về việc này, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phần mềm Nguồn mở Việt Nam (VINADES) cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp là rất không khả thi. Nhất là tỷ lệ thành công theo các số liệu thế giới chỉ đạt cỡ 10%.
Cũng cần nói thêm, muốn khởi nghiệp thì đương nhiên phải cần đến vốn. Và như thế là những thanh niên muốn khởi nghiệp sẽ phải huy động vốn hoặc vay vốn từ gia đình của chính họ với số tiền không dưới hàng trăm triệu đồng. Nếu như thành công thì không nói làm gì. Nhưng khi thất bại thì hẳn rằng đó là những món nợ khó đòi với chính những người thân của họ. Riêng với bản thân những người thất bại, họ không chỉ rơi vào nợ nần mà còn có thể mang trong mình những tâm lý trầm cảm, chán chường và trở thành gánh nặng cho những người thân trong gia đình.
TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, khởi nghiệp tuy rất cần thiết với giới trẻ nhưng hết sức mạo hiểm vì tỷ lệ thành công ở nhiều nước chỉ đạt không quá 10%. Để giảm thiểu rủi ro cho khởi nghiệp, bản thân các thanh niên muốn khởi nghiệp cần được trang bị và nắm vững các kiến thức về quản trị tài chính, nhân sự và bán hàng. Các nhà đầu tư cũng chỉ có thể rót tiền cho họ nếu như bản thân các nhà khởi nghiệp có năng lực quản trị tốt chứ không phải là có sản phẩm hay, công nghệ mới.
Riêng với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, theo nhận xét của ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành Không gian sáng tạo khởi nghiệp TPHCM, ở nước ta đang phổ biến công thức chung: khởi nghiệp = vườn ươm + start-up. Tuy nhiên, việc cần làm là nâng chất lượng đầu vào cho vườn ươm chứ không phải đua nhau lập vườn ươm theo phong trào nhưng không hiểu rõ vườn ươm ươm gì, ai vô ươm, ươm rồi có sống nổi không… Rất nhiều trường đại học đang đua nhau lập vườn ươm nhưng hoạt động độc lập với các bộ phận khác của nhà trường trong khi lẽ ra phải liên kết chặt để hình thành ra những không gian ươm tạo.
Cần có cả những chương trình hỗ trợ cho những đối tượng thất bại
(ảnh: Hachium)
|
Theo PGS TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, ngay tại một quốc gia khởi nghiệp thành công như Israel, những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của họ cũng giành mối quan tâm rất lớn cho cả những đối tượng thất bại trong khởi nghiệp. Qua đó, các chương trình hỗ trợ sẽ rút ra những bài học cả về những sự thất bại để cảnh báo cho những đối tượng muốn bước vào sân chơi khởi nghiệp.
Vậy nhưng, điều đáng tiếc là ở Việt Nam thì chúng ta vẫn đang nói quá nhiều đến những kỳ vọng thành công trong khởi nghiệp mà dường như chưa thấy quan chức hay đại diện các đoàn thể, tổ chức nào đề cập đến những sự thất bại. Trong khi đó, những người thất bại lại là số đông, chiếm đến 90%.
Chính vì thế, đã đến lúc các nhà hỗ trợ khởi nghiệp cùng các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước cần phải ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề này một cách thực sự nghiêm túc để làm sao có được những chương trình hỗ trợ cho số đông còn lại, tức là với các đối tượng thất bại hoặc đang trên đà thất bại trong khởi nghiệp.
Cũng cần nói thêm là rất cần có một cơ sở dữ liệu về khởi nghiệp chung và được chia sẻ công khai của tất cả các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp. Nhờ đó, các hoạt động hỗ trợ với toàn bộ những ai tham gia khởi nghiệp mới có thể thực hiện được một cách tốt nhất. Và cũng đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước cần phải cập nhật, bổ sung về chính sách hỗ trợ cho cả các đối tượng thất bại trong khởi nghiệp. Sự hỗ trợ này không phải là bằng tiền mà là cung cấp các kiến thức về quản trị doanh nghiệp để các đối tượng từng thất bại có thể khởi nghiệp lại hoặc chuyển sang thị trường nhân sự cao cấp cho các doanh nghiệp khác. Có làm được điều đó, Việt Nam mới thực sự có được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh.