Hầu hết F0 đều tập trung ở những nơi có nguy cơ cao
Thông tin về việc xét nghiệm COVID-19 toàn dân, trao đổi với PV VietTimes, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội – cho biết: “Theo các số liệu đã được công bố thì hầu hết các trường hợp dương tính sau khi xét nghiệm COVID-19 toàn dân đều tập trung chủ yếu ở những nơi có nguy cơ (khu cách ly, phong toả) và những đối tượng bị ho, sốt trong cộng đồng. Còn kết quả xét nghiệm ở những đối tượng khác thuộc vùng xanh, vùng vàng thì đều âm tính với SARS-CoV-2. Vì thế, việc tiếp tục duy trì xét nghiệm diện rộng toàn dân cần phải xem xét lại. Theo tôi, việc xét nghiệm diện rộng chỉ nên tập trung vào những khu vực và đối tượng có nguy cơ cao".
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ngày nào thì cơ sở y tế hoặc đơn vị lấy mẫu phải thông báo kết quả xét nghiệm ngày đó. Mục đích chính của việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 là phát hiện sớm ca bệnh để cách ly, phòng ngừa kịp thời. Tuy nhiên, nếu việc trả kết quả chậm sau 2-3 ngày thì công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 không còn ý nghĩa vì trong khoảng thời gian chờ kết quả, nhiều người dân không “ngồi 1 chỗ” mà thường xuyên di chuyển, tiếp xúc, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. Vì vậy, Thành phố thay vì nỗ lực lấy mẫu để đạt chỉ tiêu thì nên lấy mẫu có trọng tâm, trả kết quả kịp thời trong 24h để chủ động phòng, chống dịch.
Người dân tuân thủ lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của phường (Ảnh - Minh Thuý) |
Kết quả giám sát công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho thấy, các đơn vị, cơ sở y tế chưa thực hiện được việc trả kết quả xét nghiệm COVID-19 trong vòng 24h kể từ khi lấy mẫu. Tức là tốc độ xét nghiệm không kịp với tốc độ lấy mẫu. Để phát hiện sớm ca bệnh thì năng lực xét nghiệm phải tương xứng với năng lực lấy mẫu, để trả ngay kết quả trong 24h, đảm bảo công tác cách ly, phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, khi có đông người dân tập trung tại 1 địa điểm, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo: Nhân viên y tế phải đặc biệt lưu ý vấn đề sử dụng găng tay khi lấy mẫu cho người dân. Theo quy định chung trên thế giới và ở các cơ sở khám, chữa bệnh, khi lấy mẫu cho 1 người thì nhân viên y tế phải thay 1 đôi găng tay mới. Tuy nhiên, với điều kiện chống dịch hiện nay ở nước ta thì hầu hết nhân viên y tế không thực hiện được việc này. Vì thế, nhân viên y tế bắt buộc phải khử khuẩn tay sau mỗi lần lấy mẫu bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn. Nếu nhân viên y tế lấy mẫu cho 1 người mà không khử khuẩn tay ngay rồi lại lấy tiếp cho người khác thì có thể lây nhiễm chéo qua lấy mẫu.
Đặc biệt, Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) đã kêu gọi người dân cần giám sát nhân viên y tế. Nếu người dân thấy nhân viên y tế trước khi lấy mẫu cho mình chưa khử khuẩn, vệ sinh tay thì phải nhắc nhở họ khử khuẩn tay trước khi lấy mẫu để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và bảo vệ cho cộng đồng.
Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không cần thiết phải xét nghiệm COVID-19
Hiện, không ít người dân thắc mắc về việc có nên xét nghiệm COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi hay không, bởi nhiều gia đình giữ trẻ trong nhà, không đi lại, tiếp xúc với người khác. Nhận định về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho hay: “Tôi cho rằng trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không cần thiết phải xét nghiệm COVID-19. Bởi vì đặc thù của chủng delta là lây nhiễm theo hộ gia đình. Nếu 1 gia đình có người nhiễm thì cả hộ gia đình bị lây nhiễm. Việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngoài cộng đồng nhằm phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng để kịp thời cách ly, dập dịch. Do đó, với các hộ gia đình thì nên tập trung xét nghiệm những đối tượng hay đi lại, thường xuyên giao tiếp, vì họ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nhiều lần so với trẻ em. Nếu những đối tượng này nhiễm bệnh thì mới cần xét nghiệm con cái hoặc cha mẹ họ”.
Kiểm tra nhiệt độ trước khi tiêm vaccine (Ảnh - Minh Thuý) |
Đối với những trường hợp gia đình khi đã xét nghiệm người đại diện không phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, và mọi người trong gia đình không có ai có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì không cần lấy mẫu xét nghiệm trẻ em và người già ốm yếu.
Thực tế, khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tập trung, người cao tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao khi phải tiếp xúc nơi đông người. Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm thấp nhưng khả năng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 không bằng người lớn. Do đó, trẻ em và người cao tuổi nên được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà. “Tôi cho rằng thời điểm hiện tại chỉ nên lấy mẫu đại diện hộ gia đình và không nên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ trẻ em” – PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng nói.
Trước thông tin một số phường trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn yêu cầu trẻ nhỏ dưới 12 tuổi bắt buộc phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho hay: “Một số phường yêu cầu trẻ nhỏ dưới 12 tuổi bắt buộc phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đang áp dụng máy móc kế hoạch xét nghiệm toàn dân. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin không chủ trương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em. Các đơn vị lấy mẫu cần lấy mẫu theo hộ gia đình, tập trung lấy mẫu những đối tượng thường xuyên đi lại, giao tiếp với bên ngoài”.
Đến ngày 15/9, 100% người trên 18 tuổi ở Hà Nội có thể được tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, nếu Bộ Y tế điều tiết được nguồn vaccine phòng COVID-19 thì việc 100% người trên 18 tuổi ở Hà Nội được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước ngày 15/9 có thể thực hiện được. Nếu 1 ngày Hà Nội tiêm được nửa triệu liều vaccine thì trong 2-3 ngày tới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
“Việc bao phủ vaccine cho người trên 18 tuổi chỉ thực sự có ý nghĩa khi mọi người được tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ mắc và tử vong cao như người >50 tuổi, người mắc bệnh lý nền, người béo phì,… thành công trong đợt tiêm vaccine này chỉ mới là bước đầu. Hà Nội cần tiếp tục duy trì chiến dịch tiêm vaccine trong thời gian tới” – PGS Hùng nhấn mạnh.