Hà Nội dự kiến xét nghiệm COVID-19 đợt 2 trên diện rộng cho 1 triệu người có nguy cơ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ ngày 18/8 Hà Nội bắt đầu xét nghiệm COVID-19 đợt 2 trên diện rộng. Dự kiến, khoảng 1 triệu người có nguy cơ sẽ được xét nghiệm trong đợt này.
Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Ngọc Nga)
Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Ngọc Nga)

Triệt để phát hiện, bóc tách F0 tại các khu vực “vùng đỏ”

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HN (CDC Hà Nội) cho biết: Bắt đầu từ 18/8, Hà Nội tiếp tục triển khai đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng đối với các khu vực, nhóm người nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR.

Ngay trong buổi sáng nay, các Đội đáp ứng nhanh của CDC Hà Nội đã có mặt tại các địa bàn lấy mẫu để kịp thời nắm bắt tình hình và giám sát, hỗ trợ các TTYT quận, huyện, thị xã trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại Trạm Y tế Hạ Mỗ thuộc huyện Đan Phượng đã lấy 1.500 mẫu; điểm lấy mẫu của quận Nam Từ Liêm tại Nhà văn hóa Tổ dân số 1 Ngọc Trục phường Đại Mỗ lấy 500 mẫu; Nhà văn hóa Tổ dân phố số 2 phường Trung Văn lấy 1.000 mẫu. Khi triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, ngành y tế các địa phương đã phối hợp tốt với các lực lượng như Công an, tổ COVID-19 cộng đồng, cộng tác viên y tế, đoàn thanh niên,… trong quá trình thực hiện. Tất cả mọi người đến lấy mẫu đều được đo thân nhiệt, khám sàng lọc, khai báo y tế. Việc lấy mẫu diễn ra trật tự, mọi người đeo khẩu trang, xếp hàng, giãn cách, thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế. Địa điểm lấy mẫu cũng thông thoáng, thuận lợi cho người dân khi đến lấy mẫu.

Nhân viên y tế ghi chép thông tin mẫu xét nghiệm (Ảnh - Ngọc Nga)

Nhân viên y tế ghi chép thông tin mẫu xét nghiệm (Ảnh - Ngọc Nga)

Bà Đặng Thị Loan, sống ở cụm 3, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, làm nghề buôn bán tại nhà - cho biết: “Trước ngày lấy mẫu xét nghiệm, gia đình đã nhận được giấy mời của trạm y tế trong đó có thông báo rõ thời gian, địa điểm lấy mẫu, diện đối tượng được lấy mẫu. Việc lấy mẫu giúp mỗi người dân trong xã nâng cao tinh thần phòng, chống dịch cho bản thân và hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”.

Cùng với Đan Phượng, Nam Từ Liêm, việc lấy mẫu được triển khai khẩn trương trên toàn thành phố, hoàn thành trước ngày 20/8 để kịp thời đánh giá nguy cơ sau khi có kết quả xét nghiệm diện rộng và đề xuất các biện pháp chống dịch của thành phố trong những ngày tới.

CDC Hà Nội nhấn mạnh: Mục tiêu đặt ra trong đợt này triệt để phát hiện, bóc tách F0 tại các khu vực “vùng đỏ”, khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm, truy vết F1, không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Tập trung xét nghiệm sàng lọc cho 13 nhóm người nguy cơ

Theo CDC Hà Nội, nhóm đối tượng được lấy mẫu trong đợt 2 sẽ là 13 đối tượng nguy cơ gồm: Shipper; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ các loại: chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Gấp rút xét nghiệm mẫu trong phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Ngọc Nga)

Gấp rút xét nghiệm mẫu trong phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Ngọc Nga)

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi CDC Hà Nội; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và cơ sở khám, chữa bệnh công lập về việc lấy mẫu xét nghiệm chủ động đợt 2.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong quá trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đợt 1, các đơn vị đã phối hợp triển khai. Tuy nhiên, việc bố trí thời gian, địa điểm, tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm còn một số lúng túng.

Vì vậy, trong đợt 2, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu CDC Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện về điều tra dịch tễ chỉ định vùng nguy cơ, nhóm nguy cơ, số lượng mẫu xét nghiệm cần thực hiện; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc lấy mẫu đảm bảo không lây nhiễm chéo.

Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong công tác lấy mẫu, vận chuyển mẫu và xét nghiệm. CDC Hà Nội cần phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, xác định rõ về khu vực, đối tượng, số lượng mẫu xét nghiệm diện rộng cần lấy và báo cáo gửi về Sở, đồng thời, các đơn vị xét nghiệm cần sớm thông báo cho trung tâm y tế và CDC Hà Nội khi phát hiện trường hợp dương tính, qua đó kịp thời khoanh vùng, truy vết và xử lý ổ dịch theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội cho biết: CDC Hà Nội chịu trách nhiệm đánh giá nguy cơ sau khi có kết quả xét nghiệm diện rộng và đề xuất các biện pháp, dự trù đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao về công tác phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn tiếp theo sau khi có ý kiến chỉ đạo của thành phố.

Nhập dữ liệu mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Ngọc Nga)

Nhập dữ liệu mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Ngọc Nga)

Với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo huy động đúng, đủ đối tượng thuộc diện phải lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, các trung tâm y tế cũng phải tiếp tục xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho nhân viên y tế và người lao động tại những vị trí làm việc nguy cao của đơn vị với tần suất 3 lần/ngày, tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố và sàng lọc khi người dân có triệu chứng như ho, sốt, mất vị giác,… đến khám. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập cần tiếp tục đảm bảo bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

Sở Y tế Hà Nội lưu ý các đơn vị cần thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp cho nhân viên y tế và người lao động tại các vị trí làm việc có nguy cao của đơn vị với tần suất 3 lần/ngày. Các bệnh viện phải tăng cường xét nghiệm sàng lọc cho người bệnh, người nhà theo quy định của Bộ Y tế, đặc biệt chú ý khi người bệnh có ho, sốt, khó thở, mất vị giác, khứu giác, mệt mỏi,…