GS. Nguyễn Gia Bình: Bệnh nhân COVID-19 thứ ba tử vong, cả ba trường hợp đều bất khả kháng

VietTimes – Sáng nay (1/8), tại hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị Covid-19, Bộ Y tế cho biết bệnh nhân thứ 3 mắc COVID-19 đã tử vong, do mắc nhiều bệnh nặng và COVID-19. 
GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị BN COVID-19 nặng thông tin về bệnh nhân thứ 3 tử vong (Ảnh: Thanh Hằng)
GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị BN COVID-19 nặng thông tin về bệnh nhân thứ 3 tử vong (Ảnh: Thanh Hằng)

Theo Bộ Y tế, bệnh nhân (BN) thứ 3 mắc COVID-19 tử vong là BN 499, tên là T. T. B.T., nữ, 68 tuổi, sống ở đường Trần Cao Vân, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

BN nhập viện ngày 28/7 tại BV Ung Bướu Đà Nẵng với tiền sử bị bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp.

Mặc dù các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa nhưng BN đã tử vong vào 4h55 ngày 1/8 tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân tử vong của BN này, GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng của Bộ Y tế - cho biết: BN 499 bị ung thư máu ác tính không đáp ứng hóa chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.

Trong quá trình điều trị, bạch cầu của BN bất thường, không có chức năng bảo vệ. Do BN mắc bệnh nặng gần giai đoạn cuối lại thêm tình trạng viêm phổi, mắc COVID-19 nên nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn là do COVID-19.

Trước kia đã có những BN mắc COVID-19 nặng, như BN 91, nhưng những BN này còn có khả năng hồi phục, chống chọi với căn bệnh, các bác sĩ đã chung sức để điều trị. Còn những BN mắc COVID-19 nặng lần này việc điều trị gặp khó khăn hơn nhiều, vì phần lớn người bệnh đều là người cao tuổi, mắc nhiều bệnh mãn tính.

GS. Nguyễn Gia Bình chia sẻ nguyên nhân bệnh nhân 499 tử vong (video: Thanh Hằng)

“Bệnh nhân vốn chỉ có thể duy trì sự sống một cách “thoi thóp” nhờ máy móc hiện đại, xét nghiệm hàng ngày. Cho nên, chỉ cần xuất hiện một dấu hiệu bất thường thì sức khỏe của bệnh nhân khó mà chống đỡ nổi” – GS. Bình nói.

Thông tin về tình hình cấp cứu bệnh nhân, GS. Bình cho hay, theo chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, tất cả các lực lượng tinh nhuệ nhất của cả nước đã vào Đà Nẵng, Quảng Nam để hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh nặng.

Các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai đã ở Đà Nẵng nhiều ngày không chỉ giúp điều trị bệnh nhân tại chỗ mà còn triển khai các cơ sở mới, giải tỏa các bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng sang các bệnh viện khác, đồng thời, tăng cường lực lượng tập trung cứu chữa.

”Tất cả những gì tốt nhất và có thể làm được, các bác sĩ đã và đang áp dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng. Vì thế, các ca tử vong vừa qua đều là bất khả kháng” - GS. Bình cho hay  

Bệnh nhân 499 điều trị ung thư máu (leucemia) tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ra viện ngày 23/7.

Sau đó bệnh nhân có ho, sốt nên tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Do có dịch tễ nghi ngờ nên bệnh viện đã chuyển ngay bệnh nhân đến Khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.

Bệnh nhân có biến chứng suy tủy, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Đến 19 giờ ngày 31/7, suy hô hấp nặng hơn. Tiến hành đặt nội khí quản, thở máy. Có hội chẩn trực tiếp với chuyên gia của Bộ Y tế đang có mặt tại Đà Nẵng.

Đến 22h30, hội chẩn và điều trị cho kết quả thất bại. Bệnh nhân vẫn tiếp tục thở máy, vận mạch liều cao.

Đến 4h55 phút ngày 1/8 thì bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác nhận tử vong vì suy hô hấp.