Giữa bão chính trị, Đông Nam Á phản ứng thế nào về rủi ro trên thiết bị 5G Huawei?

VietTimes -- Sau những rắc rối gần đây trên chính trường quốc tế, các quốc gia láng giềng của Việt Nam tại Đông Nam Á bắt đầu có phản ứng trái chiều về rủi ro bảo mật trên thiết bị 5G Huawei.

Cảnh báo từ Washington về hoạt động gián điệp trên thiết bị hạ tầng 5G từ các công ty Trung Quốc (như Huawei và ZTE) không thể kìm hãm các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á mua thiết bị từ công ty Trung Quốc.

Huawei đã đầu tư 15 triệu USD đễ xây dựng cơ sở nghiên cứu Bangkok Open Lab. Ảnh: Huawei
Huawei đã đầu tư 15 triệu USD đễ xây dựng cơ sở nghiên cứu Bangkok Open Lab. Ảnh: Huawei

Tại Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực Asean, Huawei đang là đối tác chính để hiện thực hóa tham vọng của chính phủ nước này trong việc biến khu vực phía Đông Bangkok thành trung tâm đổi mới kỹ thuật số.

Năm 2017, Huawei đã thiết lập Open Lab Bangkok, cơ sở nghiên cứu quy mô nhất bên ngoài Đại lục này là nơi hỗ trợ giải pháp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp và start-up.

Đồng thời, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cũng cam kết đầu tư 160 triệu baht (tương đương 5,1 triệu USD) cho dự án thử nghiệm mạng 5G của chính phủ Thái Lan ở thị trấn Sri Racha, thuộc tỉnh Chonas. Dự án cũng hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển những công nghệ tiên tiến như thực tế tăng cường (AR) và xe tự hành.

Phát biểu trên tờ StraitTimes, Giám đốc Quan hệ công chúng của Huawei tại Đông Nam Á Liu Jingyang khẳng định: “Thái Lan là sự lựa chọn hợp lý của Huawei vì triển vọng kinh tế hứa hẹn mang lại lợi ích phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế vĩ mô và vi mô”. Ông Jingyang nói thêm: “Huawei cũng hoan nghênh sự hỗ trợ từ cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân”.

Để cung cấp thiết bị triển khai mạng 5G thử nghiệm cho Sri Racha vào 9.2 vừa qua, Huawei và Bộ Kinh tế và Xã hội Thái Lan đã tổ chức một buổi hội thảo giới thiệu về năng lực 5G của quốc gia, Trong khi nhà mạng TrueMove hợp tác cùng Huawei, thì nhà cung cấp Phần Lan Nokia lại được Advanced Info Service lựa chọn làm đối tác chiến lược.

Chính phủ Philipines đang lên kế hoạch tái thiết Đặc khu Kinh tế Clark với sự trợ giúp của Huawei. Ảnh: BCDA
Chính phủ Philipines đang lên kế hoạch tái thiết Đặc khu Kinh tế Clark với sự trợ giúp của Huawei. Ảnh: BCDA

Tại Philippines, Huawei đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông độc quyền cho các nhà mạng lớn là Smart Communications và Globe Telecom. Cả 2 đều dự định sử dụng thiết bị của Huawei để thử nghiệm thế hệ mạng viễn thông thứ 5 vào nửa đầu năm 2019.

Vào tháng 11.2018, Smart Communications đã khởi động trạm 5G đầu tiên tại Đặc khu Kinh tế Clark rộng hơn 600km2. Khu quân sự cũ của Mỹ, cách trung tâm thủ đô Manila 90km về phía Bắc, là nơi thử nghiệm ứng dụng 5G thương mại như xe tự hành và đội tàu tuần tra kết nối mạng.

Bên cạnh đó, quyền Bộ trưởng Công nghệ Thông tin & Truyền thông Eliseo Rio phát biểu trước các thượng nghị sĩ rằng hệ thống giám sát trị giá 20 tỷ Peso (tương đương 384 triệu USD) lắp đặt ở khu đô thị Manila sẽ sử dụng phần cứng do Huawei cung cấp.

Malaysia đang tạm ngừng kế hoạch thử nghiệm 5G để đánh giá khả năng bảo mật của các nhà cung cấp thiết bị, bao gồm Huawei. Ảnh: StratsTimes
Malaysia đang tạm ngừng kế hoạch thử nghiệm 5G để đánh giá khả năng bảo mật của các nhà cung cấp thiết bị, bao gồm Huawei. Ảnh: StratsTimes

Ngược lại, Malaysia đang tạm dừng kế hoạch thử nghiệm 5G cho tới khi chính phủ nước này xác định liệu thiết bị Huawei có đáp ứng đủ tiêu chuẩn bảo mật để tham gia triển khai hạ tầng mạng băng thông tốc độ cao hay không.

Chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tuyên bố tham vọng cung cấp cho người dân tốc độ truy cập Internet nhanh nhất ở Đông Nam Á và phủ sóng 5G vào năm 2022.

Năm ngoái, Malaysia đã tiết lộ các dự án thí điểm 5G tại thủ đô Putrajaya và thị trấn liền kề Cyberjaya. Chính phủ đã mời các chuyên gia nghiên cứu, nhà cung cấp thiết bị và một số đơn vị liên quan cùng hợp tác.

Theo nguồn tin của tờ Bernama, Cơ quan An ninh mạng Malaysia sẽ trực tiếp đánh giá thiết bị Huawei, quá trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Ngoải ra, các lực lượng vũ trang Malaysia cũng đang tổ chức cuộc điều tra đặc biệt về các mối đe dọa tiềm tàng.

Cố vấn chính phủ Daim Zainuddin tuyên bố vài ngày 22.1: “Có lý do chính đáng để mối quan ngại đối với công nghệ 5G của Trung Quốc gia tăng theo cấp số nhân. Trước đây, tôi đã thảo luận về chủ quyền lãnh thổ, nhưng hôm nay, chúng ta còn phải đối mặt với sự xâm lấn chủ quyền kỹ thuật số”.

Cuối cùng, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia đang lên kế hoạch mời các công ty và chuyên gia cố vấn viễn thông tới tham vấn vài cuối năm 2019, trước khi soạn thảo quy định tạo nền tảng cho dịch vụ 5G thương mại. Quốc gia này cũng dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu cung cấp thiết bị hạ tầng 5G vào năm 2020.

Theo StraitsTimes