Vì sao Apple không thể giải bài toán doanh thu nếu còn phụ thuộc vào Trung Quốc?

VietTimes – Theo Nikkei Asian, sự thành công của Apple tại Trung Quốc đã vô tình tạo ra hàng loạt đối thủ cạnh tranh, mà đáng gờm nhất là Huawei Technologies.
Ảnh minh họa: GettyImages
Ảnh minh họa: GettyImages

Gia nhập Apple theo lời mời của nhà sáng lập Steve Jobs vào năm 1998 với nhiệm vụ tối ưu hóa chuỗi cung ứng, ông Tim Cook đã đưa ra một quyết định táo bạo. Trong vòng 2 năm, ông Cook bắt đầu đóng cửa các nhà máy ở Mỹ và chuyển hoàn toàn khâu gia công sản phẩm sang Trung Quốc.

Quyết định của Tim Cook đã giúp công ty cắt giảm chi phí và tập trung nguồn lực cần thiết để phát triển các sản phẩm bom tấn tiếp theo, iPod và iPhone. Với một môi trường sản xuất đầy tính cạnh tranh như Trung Quốc, biểu tượng nước Mỹ có khả năng huy động hàng ngàn nhân công đơn giản chỉ bằng một cuộc điện thoại. Nhưng 8 năm sau khi ông Cook trở thành CEO Apple, chiến lược này đang bị đặt dấu hỏi.

Chuỗi cung ứng phức tạp mà Apple đã xây dựng trong hơn 20 năm qua không chỉ đặt Apple vào tình thế nguy hiểm giữa căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang, mà còn vô tình tạo ra đối thủ đáng gờm nhất: Huawei Technologies.

Vào cuối tháng 1, nguồn tin của Nikkei Asia đã tiết lộ rằng thị phần của Huawei, vượt qua Apple vào năm 2018, vẫn đang phát triển mạnh mẽ bất chấp dấu hiệu chững lại của toàn bộ ngành công nghiệp smartphone.

Bên cạnh đó, nỗ lực bất thành của Apple trong việc đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc đã làm tăng chi phí nhân công tại đây, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại so với công ty có trụ sở tại Thâm Quyến.

Nhà phân tích Jeff Pu của GF Securities nhận định: “Hệ sinh thái chuỗi cung ứng khổng lồ và đầy đủ tại Trung Quốc là chìa khóa thành công của nhà sản xuất iPhone, nhưng nó cũng tạo ra một vấn đề lớn nếu Apple muốn chuyển chuỗi cung ứng sang nơi khác”.

CEO Tim Cook đã nhiều lần khẳng định chi phí gia công thấp đã không còn là lý do giữ chân Apple tại Trung Quốc. Ảnh: AP
CEO Tim Cook đã nhiều lần khẳng định chi phí gia công thấp đã không còn là lý do giữ chân Apple tại Trung Quốc. Ảnh: AP

Trong cuộc chạy đua vào Trung Quốc, Apple không phải công ty duy nhất. Nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới Samsung cũng sớm nhận ra những rủi ro của việc tập trung sản xuất trong nước. Công ty Hàn Quốc đã bắt đầu lấn sân sang thị trường Trung Quốc vào năm 1990, đồng thời xây dựng một cơ sở sản xuất lớn tại Việt Nam vào năm 2008.

Ông Jeff Pu tin rằng CEO Apple Tim Cook “đã chọn tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng, thay vì nhìn nhận những rủi ro tiềm ẩn”.

Nikkei Asian cho rằng kể từ khi đảm nhận vị trí CEO của Apple vào năm 2011, ông Cook đã vạch ra chiến lược tiến sâu hơn vào Đại lục. Đồng thời, ông cũng thay đổi chính sách sản xuất của công ty tại thị trường quê nhà, Mỹ.

Apple cho biết 200 nhà cung cấp hàng đầu của họ chiếm 98% tổng chi tiêu của công ty. Trong năm 2017, thống kê cuối cùng mà công ty công bố, khoảng 75% các nhà cung cấp này có ít nhất một nhà máy gia công thiết bị cho Apple và 22% sở hữu 3 nhà máy làm việc cho Apple tại Trung Quốc.

Nghiên cứu của Nikkei Asian cho thấy các nhà cung cấp của Apple có 356 cơ sở tại Trung Quốc sản xuất các bộ phận hoặc lắp ráp sản phẩm, so với năm 2012 tỷ lệ chỉ là 7%.

Trong khi đó, số lượng các cơ sở tại Mỹ được vận hành bởi các đối tác lớn của Apple đã giảm 31% trong giai đoạn từ 2012-2017 xuống còn 57 nhà máy, và chỉ có 6 đối tác sở hữu nhiều hơn 3 nhà máy làm việc cho Apple.

“Táo Khuyết” khẳng định khoản chi dành cho các nhà cung cấp Mỹ vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, công ty đã bỏ ra 60 tỷ USD cho 9.000 nhà cung cấp linh kiện Mỹ vào năm ngoái.

Dự kiến, Apple sẽ công bố danh sách những đối tác lớn nhất của năm 2018 vào tháng tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó có thể thấy một bước đi đáng kể của Apple, mặc dù căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã gia tăng từ nửa cuối năm ngoái.

Thực tế, Apple và các nhà cung cấp đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về đa dạng hóa môi trường sản xuất, lần đầu sau nhiều thập kỷ. Nikkei Asia cho biết công ty đang tìm cách gia tăng cơ sở sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam, nhưng chúng vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Ngoài ra, đối tác gia công iPhone lớn nhất Foxconn, hay được biết với tên gọi khác là Hon Hai Precision Industry, cũng vừa công bố kế hoạch đưa bớt dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo yêu cầu của Apple, đặc biệt là iPhone, khiến việc di rời trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” nếu muốn kịp thời thay đổi chuỗi cung ứng phức tạp của Apple để giảm thiểu tác động của tình trạng suy thoái hay tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Doanh số của Apple đã giảm mạnh ở Trung Quốc khi người tiêu dùng tại đây đang phản đối hành động của Mỹ chống lại “niềm tự hào quốc gia” Huawei.

Nhà máy gia công cho Apple của Foxconn tại Trịnh Châu nhận được sự ưu ái lớn từ chính quyền địa phương. Ảnh: AP
Nhà máy gia công cho Apple của Foxconn tại Trịnh Châu nhận được sự ưu ái lớn từ chính quyền địa phương. Ảnh: AP

CEO Pegatron (đối tác lớn khác của Apple), S.J.Liao khẳng định trong một tuyên bố gần đây: “Các nhà cung cấp không thể rời khỏi Trung Quốc chỉ trong một đêm”. Ông Liao nói thêm: “Có thể mất ít nhất 10 năm và chúng tôi vẫn sẽ không hoàn thành quá trình di rời”.

Thách thức nằm ở quy trình sản xuất iPhone, nhiều công đoạn vẫn phải thực hiện thủ công trong các cơ sở sản xuất quy mô và phụ thuộc nhiều vào chất lượng nhân lực. Chưa kể Apple còn nhận được sự hậu thuẫn hào phóng của chính phủ Trung Quốc, điều này giúp công ty duy trì khoản phí thấp chi trả cho các nhà cung cấp và đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cao.

Một cuộc điều tra của tờ New York Times đã nêu chi tiết những ưu đãi mà thành phố Trịnh Châu dành cho nhà máy gia công iPhone của Foxconn vào năm 2010, nhà máy này chiếm 50% sản lượng iPhone trên toàn cầu. Cụ thể, Foxconn được hưởng lợi từ chi phí nhân công, năng lượng giá rẻ và giảm thuế.

Giám đốc tài chính của Pegatron Charles Lin cho biết công ty của ông đã không thể tìm thấy bất kỳ quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong chiến lược đa dạng hóa môi trường sản xuất.

Vấn đề nan giải của Apple là tiêu chuẩn cao mà công ty đặt ra. Vì vậy, chuỗi cung ứng độc đáo và đầy tính cạnh tranh sẽ mất rất nhiều thời gian để mở rộng.

Giáo sư Willy Shih đến từ Trường Kinh doanh Harvard phát biểu trên Nikkei Asia: “Apple là một khách hàng cực khó tính”. Ông Shih nói thêm: “Nhiều [nhà cung cấp] đã vật lộn để đạt được năng suất có thể chấp nhận được và đem lại hiệu quả kinh tế, và họ đã tốn rất nhiều tiền cho quá trình này”.

Giáo sư Shih tiếp tục: “Điều này buộc các nhà cung cấp phải phát triển khả năng khá phi thường trong nhiều lĩnh vực”

Apple đã nuôi dưỡng và thúc đẩy các nhà cung cấp phát triển công nghệ để duy trì đà tăng trưởng doanh số iPhone. Tuy nhiên, điều đó cũng giúp các công ty Trung Quốc, đặc biệt là đối thủ đáng gờm nhất Huawei vươn lên.

Các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn chiếm gần 1 nửa số lượng đối tác lớn của Apple kể từ năm 2012. Ảnh: Nikkei Asia
Các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn chiếm gần 1 nửa số lượng đối tác lớn của Apple kể từ năm 2012. Ảnh: Nikkei Asia

Năm 2012, công ty Trung Quốc chỉ chiếm 4% thị trường smartphone toàn cầu. Sau 6 năm, con số này đã tăng lên 14,7%; trong khi thị phần cùng kỳ năm ngoái của Apple lại giảm từ 25,1% xuống 14,9%.

Nhiều chuyên gia đầu ngành cho biết Huawei đã nỗ lực phát triển công nghệ, xung quanh các nhà máy Trung Quốc làm việc cho Apple, để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng vì họ không có quyền truy cập vào hệ sinh thái của Apple.

Giờ đây, rủi ro từ khoản đầu tư để đổi mới công nghệ và mặt bằng chung về giá smartphone ngày càng thấp đang làm suy yếu mô hình kinh doanh vốn đã đem lại thành công cho Apple.

Giáo sư Shih nhận định: “Apple đã giúp phát triển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cho Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi. Đa dạng hóa sản xuất từ sớm [ngoài Trung Quốc] có thể đã giúp số lượng đối thủ của họ giảm bớt”.

Thành công của Apple không chỉ tạo nên hàng loạt đối thủ mạnh tại Trung Quốc, nó còn giúp ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Nghiên cứu của Nikkei Asia cũng cho thấy Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu về công nghệ bán dẫn và các linh kiện quan trọng có trên thiết bị của Apple. Tuy nhiên, các nhà máy Trung Quốc đang cung cấp hầu hết thành phần còn lại, bao gồm: Màn hình, vỏ kim loại, linh kiện âm thanh và pin. Trong những lĩnh vực này, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp đối thủ trên toàn cầu.

Hiện nay, Apple đang cố gắng gia tăng số lượng linh kiện tự thiết kế và sản xuất. Từ năm 2012 đến năm 2017, số lượng đối tác tại Trung Quốc đã tăng từ 10 lên thành 27 công ty. Trong đó, nhiều đối tác cũng làm việc cho cả những đối thủ của Apple.

Ví dụ, công ty cung cấp linh kiện kết nối và sản xuất tai nghe AirPod, Luxshare-ICT có trụ sở tại Thâm Quyến; công ty cung cấp dịch vụ đóng gói và in ấn Shenzhen Yuto Packaging Technology; nhà sản xuất tấm nền màn hình BOE Technology Group; và nhà sản xuất bo mạch cảm ứng và mô-đun camera O-film Technology.

Số lượng khách hàng của họ đã tăng theo cấp số nhân trong một thập kỷ, kể từ khi gia nhập hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Apple. Tận dụng uy tín khi giành quyền cung cấp sản phẩm cho “Nhà Táo”, các công ty này đã được các tên tuổi lớn của Trung Quốc như Huawei hay Xiaomi tìm đến, và trở thành đối thủ ngang tầm của LG Electronics, Japan Display và TPK Holding.

Chuỗi cung ứng mà Apple đã dày công xây dựng và nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do khiến Apple chưa thể chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: BI
Chuỗi cung ứng mà Apple đã dày công xây dựng và nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do khiến Apple chưa thể chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: BI

Mặt khác, CEO Apple Tim Cook đã nhiều lần khẳng định sự hiện diện của Apple tại Trung Quốc không còn vì lý do tiết kiệm chi phí. Hiện nay, Apple muốn tiếp cận với nguồn kỹ sư tài nhân và công tay nghề cao của quốc gia tỷ dân.

“Ở Mỹ, nếu bạn tổ chức cuộc họp các kỹ sư gia công (tooling engineer) thì tôi không chắc có thể lấp đầy một căn phòng”, ông Cook nói. “Ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá”.

Quyết định của Tim Cook khi tìm kiếm đối tác sở hữu các nhà máy lớn ở Trung Quốc đã đem lại cho Apple sự linh hoạt, tiết kiệm chi phí lớn và khả năng sản xuất khổng lồ để ông có thể biến Apple thành cỗ máy kiếm tiền trong 10 năm qua.

Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy Apple đã kiếm được doanh thu kỷ lục 265,59 tỷ USD, và thị trường Trung Quốc đóng góp 20%. Ông Cook đã phải cất công tới Trung Quốc 14 lần kể từ khi nhận chức, dấu hiệu phản ánh tầm quan trọng của thị trường này.

Nhưng khi ngành công nghiệp smartphone bắt đầu trưởng thành thì câu hỏi về chi phí và giá cả bắt đầu trở nên cấp bách hơn. Nhà phân tích Sean Kao đến từ IDC cho rằng sự thay đổi đó sẽ khiến Apple và các nhà cung cấp Châu Á khó duy trì mức lợi nhuận như trước.

Apple luôn né tránh bình luận về những lời chỉ trích nhắm vào chiến lược tìm nguồn cung ứng của công ty. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành công nghiệp, một cách tiếp cận mới là điều cần thiết. Công ty Mỹ sẽ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ngày càng rủi ro và tốn kém.

Nguồn tin từ các nhà cung cấp hàng đầu của Apple cho biết công ty đang tìm cách giảm thiểu rủi ro nếu tiếp tục ở lại đây, nhưng họ vẫn chưa tìm ra cách di rời chuỗi cung ứng phức tạp của Apple.

Nhà phân tích Sean Kao nói: “Chuỗi cung ứng smartphone là phức tạp nhất thế giới". Ông Kao nói thêm: “Với nguồn gốc sâu a tại Trung Quốc, vấn đề khó khăn nhất là chuyển nó sang bất cứ nơi nào khác”.

Nhìn chung, Trung Quốc vẫn là nơi phù hợp nhất khi xét trên 2 khía cạnh là mạng lưới nhà cung cấp và lượng lao động dồi dào.

Giáo sư Willy Shih đến từ Trường Kinh doanh Harvard nhận định: “Khi bạn kiếm được rất nhiều tiền và công thức này đã hoạt động tốt như Apple đã làm trong nhiều năm qua thì thật khó để thay đổi”.

Apple phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc kể từ năm 1998, thời điểm ông Tim Cook gia nhập Apple, cho tới nay. Nguồn: Nikkei Asia
Apple phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc kể từ năm 1998, thời điểm ông Tim Cook gia nhập Apple, cho tới nay. Nguồn: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asian Review