Giá dầu giảm từ đỉnh cao của năm 2015

Giá dầu WTI đã giảm từ đỉnh cao tính từ đầu năm 2015 đến nay trong phiên giao dịch thứ Sáu (18/4) đầy biến động, trong khi đó, giá dầu Brent lại có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 5 năm khi Trung Đông bất ổn...
Giá dầu giảm từ đỉnh cao của năm 2015

Giá dầu thô Mỹ đã rút lui đỉnh cao trong 2015, nhưng vẫn có tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp, với mức tăng 7,9%.

Chốt phiên thứ Sáu, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 53 cent xuống 63,45 USD/thùng, sau khi  chạm mức cao 64,95 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2015, trong phiên thứ Năm (16/4).

Giá dầu Brent đã tăng tuần thứ hai liên tiếp, với mức tăng 9,9%, cao nhất kể từ ngày 16/10/209.

Xung đột leo thang ở Yemen đã khiến giá dầu tăng mạnh trong phiên thứ Năm và thứ Sáu (17/4). Trong khi Yenmen không phải là nước sản xuất lớn về dầu, nhưng cuộc xung đột vũ trang làm gia tăng lo ngại về nguồn cung từ các nhà xuất khẩu lớn trong khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia.

Ở phiên thứ Tư vừa qua (15/4), giá dầu thô tăng mạnh khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất không như kỳ vọng.

Tuy giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp, song giới phân tích cảnh báo rằng đà tăng này đang dựa vào cơ sở giả tạo về sản lượng dầu. Các nhà sản xuất dầu Mỹ sẽ không ngừng hoạt động các giàn khoan với tốc độ nhanh như trước kia và nhiều nước sản xuất dầu trên thế giới đang cố gắng bơm thêm dầu ra thị trường.

Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của OPEC, cho biết sản lượng dầu mỏ trong tháng 3/2015 của nước này đã tăng lên mức kỷ lục 10,29 triệu thùng/ngày. Nếu OPEC tiếp tục giữ tốc độ sản xuất dầu mỏ như hiện nay, nguồn cung sẽ vượt cầu 1,52 triệu thùng/ngày trong năm 2015.

Theo nhà phân tích Jamie Webster, thuộc IHS tại Washington, chiến lược của OPEC nhằm gây sức ép đối với các quốc gia sản xuất dầu mỏ với chi phí cao đã phát huy hiệu quả, khi sản lượng khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ giảm sút.

Năm ngoái, OPEC đã từ chối cắt giảm sản lượng, bất chấp tình trạng sụt giảm mạnh của giá dầu, nhằm lấy lại thị phần trên thị trường “vàng đen.”

Hiện OPEC đang cung cấp 1/3 sản lượng dầu mỏ thế giới. Mặc dù lượng dầu thô dự trữ của Mỹ ở mức cao kỷ lục, song OPEC cho rằng nguồn dự trữ này sẽ “xói mòn” do nhu cầu theo mùa tăng cao hơn và hoạt động sản xuất thu hẹp.

OPEC ước tính rằng với việc sản lượng khai thác dầu của Mỹ và các đối thủ khác giảm sút do sự xuống dốc của giá dầu, mức cầu tiêu thụ dầu mỏ của OPEC sẽ tăng thêm 80.000 thùng/ngày lên 29,27 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Vàng duy trì quanh mức 1.200 USD/ounce

Sau khi tăng mạnh vượt ngưỡng 1.200 USD/ounce, đà tăng của giá vàng đã chững lại trong phiên thứ Sáu, sau khi số liệu giá tiêu dùng Mỹ tháng 3 tăng, làm xóa đi đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc nâng lãi suất.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn duy trì trên mốc 1.200 USD/ounce. Chốt phiên New York, Mỹ, thứ Sáu (17/4), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.204,1 USD/ounce, giảm so với 1.207,6 USD/ounce đầu phiên và ghi nhận mức giảm 0,3% cho cả tuần.

Giá vàng giao tháng 6/2015 trên sàn Comex New York tăng 5,1 USD, tương đương 0,4%, lên 1.203, 1 USD/ounce.

Cục Dự trữ Liên bang Fed hiện đã trì hoãn ý định tăng lãi suất trong tháng 6. Đây là dấu hiệu tích cực cho giá vàng. Giá vàng rất nhạy cảm với chinh sách tiền tệ của Mỹ do việc nâng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng - tài sản phi lãi suất.

Trước đó trong tuần, sau khi để tuột mốc 1.200 USD/ounce trong 3 phiên liên tiếp, giá vàng tại thị trường New York đã hồi phục vượt mốc 1.200 USD/ounce.

Nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, vẫn ảm đạm. Chênh lệch giá vàng nội địa và quốc tế trên Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải chỉ tăng nhẹ, trong khi chênh lệch giá tại Ấn Độ giảm khi giá vàng ổn định ở 1.200 USD/ounce.

Theo: VnMedia