G-7 sắp lên tiếng việc Trung Quốc xây đảo, quân sự hóa Biển Đông

Các ngoại trưởng của nhóm G-7 sẽ bày tỏ quan ngại về những hoạt động xây dựng cũng như bố trí quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông trong kỳ họp thượng đỉnh 2 ngày sắp tới của nhóm này, bắt đầu vào ngày 10/4 tới, tại Hiroshima, Nhật Bản.
Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc biến thành pháo đài kiên cố với đường băng dài 3.000m
Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc biến thành pháo đài kiên cố với đường băng dài 3.000m

Báo Kyodo dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản hôm 7/4 cho biết sau cuộc họp thượng đỉnh, nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ ra một tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó các ngoại trưởng của nhóm này sẽ mạnh mẽ phản đối việc khẳng định chủ quyền và các quyền lợi hàng hải thông qua đe dọa hay vũ lực.

An ninh hàng hải là một trong những chủ đề quan trọng trong nghị trình làm việc của cuộc họp ở Hiroshima, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây gia tăng hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông bằng việc xây các đường băng, lắp đặt hệ thống radar tiên tiến và hỏa tiễn địa đối không ở những khu vực có tranh chấp.

Theo Kyodo, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong nhóm G-7 hy vọng có thể kiềm chế được sự quyết liệt về quân sự nhằm mục tiêu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Á châu nhỏ bé, trong đó có Philippines và Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc họp của G-7 cũng sẽ lên tiếng về vấn đề Biển Hoa Đông, nơi tàu bè Trung Quốc thường xuyên lưu thông gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Các lãnh đạo G-7 cũng sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải, xác nhận cam kết tự do hàng không trong bối cảnh một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Theo Kyodo