Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào thời điểm nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà hoạch định chính sách Mỹ gần đây gợi ý rằng họ sẵn sàng thảo luận về việc hạ lãi suất, nhưng vẫn tỏ rõ sự do dự trong việc nới lỏng chính sách.

439f790b7aa4850eea1efca551d40b650e6b14be-9640.jpg
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Bloomberg)

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được dự đoán là sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thứ tư liên tiếp khi nhóm họp tại Washington vào ngày 30 và 31/1. Tuy nhiên, điều thu hút sự quan tâm thực sự sẽ là những gì sẽ diễn ra tại cuộc họp tháng 3 của FOMC và xa hơn nữa.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ gần đây gợi ý rằng họ sẵn sàng bắt đầu thảo luận về các giới hạn chung cho việc hạ lãi suất, sau khi đưa ra vấn đề này tại cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái. Một số quan chức cũng thể hiện sẵn sàng cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024 nếu lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, các quan chức vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ dự định sử dụng cuộc họp sắp tới để thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất trong tháng 3 - mặc dù điều đó không ngăn cản việc cắt giảm lãi suất xảy ra nhằm đáp ứng với những thay đổi của nền kinh tế.

Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly hôm 19/1 cho biết còn "quá sớm" để nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất, lưu ý rằng bà cần xem thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang trên quỹ đạo trở lại mức 2% trước khi nới lỏng chính sách.

“Fed có thể sẽ rất kiên nhẫn”, nhà kinh tế trưởng về kinh tế Mỹ của Morgan Stanley, Ellen Zentner, nhận định. Bà dự đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông có thể sẽ không vội vã, bởi họ sẽ không cần giảm lãi suất để chống lại suy thoái kinh tế - như đã từng xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó, họ sẽ điều chỉnh chính sách để phù hợp với mức lạm phát đang giảm mạnh.

“Trong khi hoạt động kinh tế, thị trường lao động đang ở trạng thái tốt và lạm phát giảm dần xuống 2%, tôi thấy không có lý do gì để hành động nhanh hoặc cắt giảm lãi suất nhanh như trước đây”, Thống đốc Fed Christopher Waller nói với Viện Brookings vào ngày 16/1.

Bình luận của ông – cùng với tin tức về doanh số bán lẻ ở Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến ​​trong tháng 12 – đã khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất ngay trong tháng 3. Hiện tại, họ thấy khả năng điều đó xảy ra thấp hơn, dựa trên giao dịch trên thị trường tương lai của quỹ liên bang trong ngày 19/1. Chỉ một tuần trước đó họ đặt cược rằng khả năng Fed giảm lãi suất trong tháng 3 là 75%.

Viễn cảnh tồi tệ nhất

Nếu nhìn vào lịch sử, sẽ thấy Fed thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất là hợp lý. Vào những năm 1970, ngân hàng trung ương Mỹ đã quá nhanh chóng thực hiện chính sách nới lỏng trước khi lạm phát thực sự được kiềm chế. Đó là một sai lầm mà ngay cả Paul Volcker – được nhiều người coi là Chủ tịch Fed vĩ đại nhất của Mỹ – đã phạm phải vào năm 1980 khi nền kinh tế suy yếu, để rồi sau đó đảo ngược tình thế và đẩy Mỹ vào tình trạng suy thoái sâu hơn.

Viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ là các nhà hoạch định chính sách giảm lãi suất và sau đó phải tăng lại nếu lạm phát tăng cao, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đã nói với các lãnh đạo doanh nghiệp vào ngày 18/1. “Chúng tôi không muốn tiếp tục tăng giảm liên tục như vậy”, ông nói.

74bd758e36245fa7ac47eb62172bd1d328540f6c-1128.jpg
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic (Ảnh: Bloomberg)

Theo nhà kinh tế Claudia Sahm, cựu nhân viên Fed, do suy tính như vậy mà Fed có thể sẽ trì hoãn việc giảm lãi suất cho đến tháng 5. “Nếu chỉ số lạm phát thực sự tốt, họ có thể cắt giảm khoảng 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm nay”, bà cho hay.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ nhận được dữ liệu mới về thước đo lạm phát mà họ tin dùng vào thứ Sáu tới, cũng như số liệu đầu tiên về GDP trong quý 4 vào thứ Năm.

Kinh tế trưởng khu vực Mỹ của Bloomberg Economics, Anna Wong, cho biết bà kỳ vọng thước đo lạm phát mà Fed tin dùng sẽ ở mức dưới 2% trên cơ sở hàng năm, 3 và 6 tháng.

Các nhà hoạch định chính sách vào tháng trước dự kiến ​​họ sẽ hạ lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm 2024.

Ông Bostic nói với Fox Business hôm 19/1 rằng ông sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình về thời điểm giảm lãi suất tùy thuộc vào dữ liệu sắp tới, mặc dù ông muốn chắc chắn rằng lạm phát đang trên đường đạt được mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trước khi nới lỏng chính sách .

Hành động chính sách sắp tới của Fed

Một quyết định mà FOMC sẽ phải đưa ra tại cuộc họp sắp tới là liệu có nên thay đổi hướng dẫn mà cơ quan này đưa ra về các hành động chính sách sắp tới trong tuyên bố sau cuộc họp hay không. Vào tháng 12, các nhà hoạch định chính sách đã hé mở khả năng họ có thể tiếp tục nâng lãi suất, sau khi tăng hơn 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022.

Liệu hướng dẫn này có còn được áp dụng hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhiều quan chức tin rằng nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại - và do đó có khả năng đưa ra một đợt tăng lãi suất khác - đã giảm bớt. Nhưng với việc thị trường trái phiếu và chứng khoán phục hồi do kỳ vọng lãi suất thấp hơn, các thành viên diều hâu của FOMC có thể sẽ không từ bỏ hướng dẫn đó.

“Trong bối cảnh các điều kiện tài chính đang được nới lỏng trong những tháng gần đây, chúng ta chưa nên loại bỏ khả năng tăng lãi suất lần nữa”, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan nói với các nhà kinh tế vào ngày 6/1.

Đáng chú ý trong bối cảnh diễn các cuộc thảo luận của Fed là kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Trong một báo cáo ngày 17/1, các nhà kinh tế Matthew Hornbach và Seth Carpenter của Morgan Stanley đã đưa ra quan điểm phản đối việc cho rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ thoát khỏi những lời chỉ trích trong quá trình tranh cử, đặc biệt nếu ông Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu có thể nhận được đề cử của đảng Cộng hòa - lo lắng rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ có lợi cho Tổng thống Joe Biden.

“Fed sẽ bị đổ lỗi vì đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, bất kể họ quyết định thế nào”, Diane Swonk, Kinh tế trưởng tại KPMG LLP, cho biết./.

Theo Bloomberg