Facebook truyền Internet từ máy bay không người lái

Facebook cho biết họ đã sẵn sàng thử nghiệm các chuyến bay không người lái ở tầm cao được thiết kế để cung cấp kết nối Internet cho những vùng sâu, vùng xa trên thế giới.
Máy bay không người lái Aquila của Facebook trong xưởng chế tạo - Ảnh: Reuters
Máy bay không người lái Aquila của Facebook trong xưởng chế tạo - Ảnh: Reuters

Theo thông tin Facebook công bố ngày30-7 (giờ Mỹ), máy bay không người lái Aquila có sải cánh tương đương một chiếc máy bay hành khách Boeing 737, nhẹ hơn chiếc xe hơi nhỏ một chút và duy trì cao độ khoảng ba tháng.

Aquila được nói sẽ truyền kết nối Internet đến mặt đất từ độ cao 60.000-90.000 feet (18.000-27.000m).

Kỹ sư trưởng của dự án này Yael Maguire cho biết nhóm của ôngđạt được một bước tiến đáng kể về giao tiếp laser đối với kết nối tốc độ cao. Kết nối này nhanh hơn hầu hết tốc độ kết nối Internet hiện tại.

Ông Maguire cho biết thêm máy bay không người lái này sẽ sử dụng năng lượng mặt trời và có thể đem lại kết nối Internet một cách nhanh chóng cho những vùng có nhu cầu.

Tuy nhiên, phó chủ tịch chuyên trách cơ sở hạ tầng và kỹ thuật toàn cầu của Facebook là ông Jay Parikh nói dự án này sẽ không dẫn đến việc Facebook trở thành nhà cung cấp Internet.

“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp công nghệ cho các đối tác khác” -ông nói và cho biết thêm Aquila do một nhóm chuyên về hàng không của Facebook ở Anh thiết kế. Hiện thiết bị nàyđược hoàn thành và sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm.

Dữ liệu được phát ra từ Aquila có thể đi xa 16km. Hệ thống giao tiếp laser của máy bay không người lái này đang được thử nghiệm trên các điều kiện thực tế của Trái đất.

“Khi hoàn tất, hệ thống giao tiếp laser của chúng tôi có thể được sử dụng để kết nối các máy bay không người lái với nhau và với mặt đất. Điều này giúp tạo ra một mạng lưới tầng bình lưu có thể vươn tới những vùng hẻo lánh nhất của thế giới” -ông Parikh giải thích.

Ông cũng cho rằng công nghệ này là hữu ích bởi “10% dân số thế giới sống ở các địa điểm hẻo lánh và không có cơ sở hạ tầng Internet”, trong khi việc đưa các hệ thống thông thường như cáp quang hay hệ thống viễn thông đến những nơi này lại quá tốn kém.

THU ANH theo Tuổi Trẻ