Facebook lỗi thời và tương lai của mạng xã hội thế hệ mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mạng xã hội thế hệ mới hội tụ được những đặc điểm như tạo ra sự khác biệt hoặc đi ngược hướng Facebook, chia sẻ doanh thu, thuật toán mở, tôn trọng luật pháp nước sở tại, mang được yếu tố bản địa hóa.

Khi Facebook lỗi thời và khủng hoảng

Mark Zuckerberg, 37 tuổi, đã xây dựng Facebook từ một phòng ký túc đến doanh nghiệp giá trị gần 1.000 tỷ USD dựa theo câu thần chú “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Thế nhưng, giờ đây Facebook đang lâm vào thời kỳ khủng hoảng tồi tệ. Thông qua hàng ngàn trang tài liệu nội bộ Facebook bị rò rỉ, hình ảnh CEO Mark Zuckerberg dần hiện lên "xấu không tưởng". Những tài liệu này làm rõ một điều: đội ngũ lãnh đạo cấp cao, bao gồm Zuckerberg, nhận thức được những tác hại tiềm tàng của các nền tảng đến thế giới thực (như phát tán nội dung thù hận, khuyến khích nhịn ăn ở trẻ vị thành niên, kích động bạo lực) song nhất định không làm gì cả.

Facebook liên tục hứng chịu chỉ trích trong các năm qua vì vai trò trong phát tán tin giả, đặc biệt liên quan tới bầu cử Mỹ năm 2016. Hai tháng vừa qua, công ty lại lâm vào một cuộc khủng hoảng mới, bắt nguồn từ cựu nhân viên Frances Haugen.

Bà Haugen tố cáo “Facebook đánh lừa các nhà đầu tư và công chúng về vai trò của nó trong gây ra thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan bạo lực liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ 2020 và cuộc bạo loạn ngày 6/1”.

Theo tài liệu mà bà Haugen cung cấp, có sự chênh lệch về năng lực ngăn chặn phát ngôn thù hận và tin giả tại các nước như Myanmar, Afghanistan, Ấn Độ, Ethiopia và phần lớn khu vực Trung Đông so với phần còn lại của thế giới. Đây là nơi nhiều ngôn ngữ địa phương không được cập nhật.

Tài liệu nội bộ tháng 9/2019 nhắc đến cuộc điều tra của Facebook, trong đó có đoạn các đối tượng trong đường dây buôn người sử dụng Facebook, Instagram, Page, Messenger và WhatsApp. Tài liệu chỉ rằng Facebook biết các chiến lược hiện tại không hiệu quả trong việc ngăn chặn phát tán bài viết kích động bạo lực, tại những nước có nguy cơ xung đột, chẳng hạn Ethiopia.

Người tố cáo cũng chỉ trích gay gắt việc Facebook không kiểm soát kỹ chức năng lập nhóm. Một số nhóm riêng tư không xuất hiện trong thanh tìm kiếm, để lọt những bài viết "đáng sợ", trở thành nơi trú ẩn của tội phạm, những tên buôn ma túy.

Không những thế, Facebook còn chủ động gia tăng nền tảng người dùng trẻ tuổi, ngay cả khi nghiên cứu nội bộ gợi ý các nền tảng của nó, đặc biệt là Instagram, gây hiệu ứng tiêu cực lên sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người dùng.

Nhiều cựu nhân viên đã tố cáo thuật toán của Facebook ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách hiển thị nội dung trên nền tảng. Chúng ta thường nói "thuật toán của Facebook" như thể chỉ có một đoạn mã tồn tại. Trên thực tế, quyết định nhắm mục tiêu quảng cáo, hiển thị nội dung trên Facebook dựa trên hàng trăm, hoặc hàng nghìn thuật toán. Một số thuật toán phân tích thói quen người dùng để nâng vị trí bài đăng dựa trên sở thích, số khác phát hiện các loại “nội dung bẩn” như ảnh khỏa thân, spam, tiêu đề giật gân để xóa, hạ vị trí của chúng trên News Feed.

Trước khi Facebook áp dụng thuật toán máy học, các nhân viên đã sử dụng nhiều cách để tăng mức độ tương tác. Họ thử nghiệm các chi tiết như màu sắc nút bấm, tần suất nhận thông báo để thu hút người dùng quay lại nền tảng. Tuy nhiên, thuật toán máy học mạnh mẽ hơn khi có thể phát triển dựa trên thói quen liên tục thay đổi của người dùng, thay vì chỉ cá nhân hóa nội dung dựa trên những gì họ nhìn thấy.

Những cáo buộc Facebook lừa dối người dùng hay lờ đi tác hại rõ ràng của các nền tảng do mình sở hữu để đổi lấy dữ liệu hay doanh thu không phải hiếm. Tuy nhiên, nếu dừng sử dụng Facebook để lập kế hoạch, mua sắm, chơi game, kết nối và chia sẻ, chúng ta chưa thể tìm được một nền tảng khác thay cho Facebook.

Trước những tác động xấu của Facebook, nhiều quốc gia đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Tại Nga Facebook đã bị phạt tổng cộng 90 triệu ruble do vi phạm các quy định vì không xóa nội dung mà Moskva cho là bất hợp pháp. Để giảm thiểu tác động xấu của Facebook, Google, Australia đã trở thành nước tiên phong trong việc buộc 2 “Big Tech” phải trả phí bản quyền nội dung. Google và Facebook phải trả tiền cho cơ quan báo chí và nhà sản xuất nội dung khi người dùng chia sẻ thông tin mà họ tạo ra trên các mạng xã hội.

Chúng ta không thể phủ nhận được những đóng góp và thành công của Facebook khi trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Thế nhưng, những gì mà gã khổng lồ Facebook đã bộc lộ ra cho thấy mạng xã hội này đã già nua và lỗi thời.

Sự lạc hậu đã được dự báo từ trước

Từ sự phát triển của xã hội, một đòi hỏi về mạng xã hội thế hệ mới là điều tất yếu phải xảy ra. Trên thực tế, hàng triệu người đang rời bỏ Facebook để tìm đến các mạng xã hội mới nhỏ hơn, nhưng các mạng xã hội này lại đang tạo ra những chuẩn mực mới của mạng xã hội thế hệ mới.

Thời gian qua, tiếp tục có nhiều mạng xã hội mới ra đời, Bộ TT&TT đã cấp trên 800 giấy phép cho mạng xã hội Việt Nam. Phát biểu tại buổi chất vấn nghị trường năm 2020, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mạng xã hội trong nước sẽ phát huy thế mạnh nền tảng chuyên ngành của mình để phát triển thị trường ngách và xây dựng các mạng xã hội chuyên biệt, đa dịch vụ, kết hợp với thanh toán qua di động để tạo ra một hệ sinh thái số của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Mạng xã hội thế hệ mới có những đặc điểm khác biệt với Facebook. Thứ nhất, đây là nền tảng và sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng. Thứ hai là có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng "sạch". Thứ ba, công khai thuật toán với người dùng. Và cuối cùng là cho phép phát triển nền tảng con trên “nền tảng mẹ”, để có thể phát triển các cộng đồng nhỏ mang tính văn hoá chuyên biệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để thành công, các mạng xã hội toàn cầu phải tìm được một mẫu số chung, đó là những nhu cầu cơ bản của con người, bất kể quốc gia, tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp. Khi giải được các bài toán chung rồi, con người sẽ bắt đầy nảy sinh những nhu cầu lớn hơn. Đó là các đòi hỏi mang màu sắc văn hóa, nhóm nhỏ.

Đặc điểm của văn hóa là không thể bắt chước, chỉ có ai thực sự sinh ra, lớn lên ở một vùng đất mới có thể hiểu được văn hóa của địa phương đó.

Do mang màu sắc văn hóa, nhóm nhỏ, những “ông lớn” mạng xã hội toàn cầu rất khó giải bài toán này. Đây chính là cơ hội của các mạng xã hội Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, những gì giúp các doanh nghiệp thành công thì đó cũng chính là rào cản lớn nhất khiến họ thất bại. Rất ít các công ty công nghệ có thể duy trì vị thế của mình vượt quá khoảng thời gian 15 năm.

Bản thân Facebook hiện cũng đang có rất nhiều vấn đề. Đó là việc giá trị hàng trăm tỷ USD được người dùng Facebook tạo ra lại chỉ thuộc về một người duy nhất là Mark Zuckerberg.

Facebook tạo ra các thuật toán không công khai, qua đó áp đặt người dùng phải làm theo “luật chơi” của mình. Chúng ta, những người dùng Facebook đang chơi một “luật chơi” do người khác quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ngay từ đầu đã Facebook không xây dựng các bộ lọc. Do vậy, mạng xã hội này sẽ gặp khó khăn khi đi đến các quốc gia khác nhau, gặp phải các luật lệ khác nhau. Đây cũng chính là vấn đề nan giải của Facebook. Các mạng xã hội mới nên để cho người chơi tự quyết định “luật chơi” của mình.

Điều này được thực hiện bằng cách mở thuật toán của mạng xã hội. Khi được quyền điều chỉnh, đóng góp thuật toán trong những nhóm nhỏ hơn, lúc này người dùng mạng xã hội có thể làm chủ “cuộc chơi” của mình. Nói như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “đây chính là sự giải phóng con người”.

Trong khi Facebook tương đối tự do, các mạng xã hội mới có thể xây dựng theo hướng phát triển nhiều bộ lọc. Các bộ lọc này sẽ may đo theo nhu cầu của từng quốc gia. Khi xây dựng mạng xã hội mới, quan trọng nhất với người đứng đầu là vấn đề về tư tưởng. Các mạng xã hội mới sẽ không thể thành công khi bắt chước Facebook.

Nếu tồn tại một mạng xã hội tạo ra sự khác biệt hoặc đi ngược hướng Facebook, với tư duy chia sẻ doanh thu, cùng thiết lập cuộc chơi (thuật toán mở), tôn trọng luật pháp nước sở tại, bên cạnh đó mang được yếu tố bản địa hóa, mạng xã hội này sẽ thay đổi thế giới, làm cho xã hội văn minh hơn.

Mạng xã hội mới đang lên ngôi

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các mạng xã hội bắt chước Facebook chính là tự đào hố dọn sẵn thất bại chờ đón mình. Chỉ có cách làm khác, đi trên con đường ngách mới mong tạo lập được kỳ tích ở thời đại Internet.

Có thể thấy, YouTube chọn hướng đi tập trung vào video, LinkedIn tập trung vào tạo mạng xã hội việc làm còn Twitter giản lược mọi thứ để trở thành mạng xã hội cho người lười đọc… Gần đây, TikTok nổi lên và là mối đe dọa lớn nhất của Facebook khi mạng xã hội này đi theo hướng lan truyền các video ngắn dưới 15 giây và Clubhouse chọn hướng xây nhà cho những người thích hùng biện.

Với Facbook, thuật toán và việc tuân thủ luật các nước sở tại đang là những khoảng tối thì TikTok lại chọn cách làm người lại. Đơn vị mới được ByteDance thành lập sẽ tập trung vào việc bán các tài nguyên của TikTok, trong đó có thuật toán. BytePlus bán cho các đối tác một công thức bí mật của TikTok - thuật toán giữ chân người dùng bằng cách cuộn xuống liên tục để xem những video được đề xuất mà hệ thống nghĩ rằng người dùng thích xem. Các đối tác có thể dùng công nghệ này để tùy biến cho app và website của chính họ. TikTok chọn các tuân thủ luật pháp ở các quốc gia mà họ đến kinh doanh và chia sẻ cho những người dùng sáng tạo nội dung.

Báo cáo mới nhất từ Nikkei Asia cho thấy dịch vụ tạo và xem video ngắn phổ biến TikTok đã vượt qua Facebook để trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới. TikTok thông báo đã có 1 tỷ người dùng, đồng nghĩa cứ 8 người thì có 1 người sử dụng mỗi tháng. Công ty này còn đang thử nghiệm cách cung cấp cho người tạo nội dung các định dạng bổ sung; để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của họ thành cuộc sống cho cộng đồng TikTok.

Sự thành công của TikTok đã dẫn đến việc Instagram, YouTube và những công ty khác tung ra các dịch vụ tương tự. Tổng thời gian xem video TikTok ở Mỹ và Vương quốc Anh lâu hơn YouTube; và những video ngắn ngày càng được người dùng chú ý hơn.

Ở góc độ mỗi quốc gia, Facebook cũng đã không thể theo kịp tính bản địa hóa rất cao các mạng xã hội như KakaoTalk ở Hàn Quốc hay Line ở Nhật Bản hay Zalo ở Việt Nam…

Tại Hàn có khoảng 87% người trong độ tuổi 20 tới 29 sử dụng mạng xã hội, nhưng có tới 99,1% người dùng di động Hàn Quốc sử dụng KakaoTalk, tỉ lệ chưa từng có đối với bất kỳ phần mềm hay mạng xã hội nào trên thế giới. Những dịch vụ Kakao cung cấp không quá sáng tạo nhưng vẫn đủ sức vượt qua Facebook. Có nhiều lý do giải thích cho thành công này, từ các nội dung địa phương (ngôi sao Kpop) đến tập trung vào Android (73,86% người Hàn dùng Android).

Trước một đối thủ hùng mạnh như Facebook, KakaoTalk vẫn có thể thành công nhờ giải quyết được nhu cầu riêng biệt của người dùng trong nước, mang màu sắc văn hóa, nhóm nhỏ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ, đặc điểm của văn hóa là không thể bắt chước, chỉ có ai thực sự sinh ra, lớn lên ở một vùng đất mới có thể hiểu được văn hóa của địa phương đó. Do mang màu sắc văn hóa, nhóm nhỏ, những “ông lớn” mạng xã hội toàn cầu rất khó giải bài toán này.

Tại Nhật Bản, LINE là ứng dụng mạng xã hội hàng đầu với 86 triệu người dùng hàng tháng, “đè bẹp” Facebook với 26 triệu người dùng. LINE không giống với các ứng dụng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram. Ứng dụng tạo ra nền tảng hàng hóa của riêng mình với 4 linh vật độc đáo, được đón nhận rộng rãi, đại diện cho mọi cảm xúc phù hợp với người Nhật. Điều này không chỉ mang đến nhận diện thương hiệu mà còn gia tăng tỉ lệ tiếp cận LINE đáng kể. Bản thân LINE mang tính biểu tượng tới mức công ty mở cả cửa hàng tại Tokyo và các thành phố lớn khác trên toàn quốc dưới tên LINE Friends. Các cửa hàng này trưng bày dòng sản phẩm riêng như đồ chơi, sticker, cho phép người dùng tận hưởng trải nghiệm mà không mạng xã hội nào có.

Trong khi phần lớn mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp được phát triển hướng tới người dùng toàn cầu, LINE lại đặc biệt dành cho người Nhật. Nó có tất cả đặc tính quan trọng mà người dùng Nhật Bản đang tìm kiếm, dẫn tới trở thành ứng dụng nhắn tin “phải có” cho hầu hết mọi người.

Tại Việt Nam, có tới 90 triệu người dùng mạng xã hội, nhưng Zalo đang là cái tên phổ biến nhất hiện nay. Hiện Zalo có khoảng 67 triệu người sử dụng và chọn một cách đi rất khác biệt so với Facebook. Zalo được nhiều người Việt sử dụng bởi ứng dụng này có thể nhắn tin, gọi điện chất lượng tốt và gửi file ảnh, video cho nhau với chất lượng cao. Đồng thời, các dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin hỏi đáp cũng dần được tích hợp và trở thành địa chỉ tra cứu tin cậy của người sử dụng. Zalo đang tiếp cận người dùng dựa trên nền tảng nhắn tin trên di động, mở rộng thành siêu ứng dụng như thanh toán điện tử… Khi đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, ứng dụng Zalo Conect đã giúp hàng trăm nghìn người khó khăn được giúp đỡ lương thực thuốc men, thiết bị y tế… Zalo đang trên con đường thành mạng xã hội không thể thiếu của nhiều người Việt. Thậm chí rất nhiều người Việt không sử dụng Facebook nhưng họ phải có tài khoản Zalo.

Dường như sự trỗi dậy của các mạng xã hội thế hệ mới đã khiến mạng xã hội lớn nhất hành tinh đứng trước sự lựa chọn “Thay đổi hay là chết”. Ngày 29/10, Facebook đã chính thức đổi tên thành Meta. Metaverse không phải ý tưởng mới nhưng chỉ gây chú ý khi Zuckerberg bắt đầu nói về nó đầu năm nay. Nó xuất phát từ cuốn tiểu thuyết Snow Crash của thập niên 90, trong đó, mọi người thoát khỏi thế giới thực để đắm chìm trong thế giới ảo. Việc đổi tên thương hiệu cho thấy tham vọng vượt ngoài phạm vi mạng xã hội, tiến vào vũ trụ ảo (metaverse) mà ông chủ Zuckerberg tin là tương lai của Internet.

Meta thông báo chi 10 tỷ USD trong năm 2022 để phát triển công nghệ cần thiết xây dựng vũ trụ ảo. Tại Facebook Connect, Zuckerberg trình diễn một chút về tham vọng siêu vũ trụ của mình. Trong màn demo này, người dùng gặp nhau trong không gian ảo dưới dạng phiên bản hoạt hình hoặc nhân vật viễn tưởng như robot, đại diện cho thực thể ảo của họ.

CEO Meta dự báo đây là chặng đường dài và các yếu tố của metaverse sẽ phổ biến trong 5-10 năm tới. Công ty sẽ phải đầu tư nhiều tỷ USD trước khi vũ trụ ảo đạt quy mô lớn.

Facebook sẽ xây dựng một thế giới ảo dùng thực tế ảo (VR) hoặc thực tế ảo tăng cường (AR) để người dùng đắm chìm trong một metaverse có đầy đủ mọi thứ của thế giới thật từ phòng họp, khu vui chơi giải trí đến căn hộ của chính mình. Và còn rất nhiều dự án khác đang được thai nghén chực chờ bùng nổ khi Facebook đã bắn phát pháo khai màn cho cuộc chơi ‘vũ trụ ảo’ metaverse. Các chuyên gia chỉ ra rằng, lần này Facebook đã thay đổi lập trình thuật toán để quyết định những gì xuất hiện trên News Feed của người dùng nhằm sử dụng những biểu tượng cảm xúc (emoji) làm tín hiệu.

Nếu metaverse vận hành như kỳ vọng của Zuckerberg, nền tảng này sẽ cho phép người dùng tùy chỉnh avatar cũng như tự do tô vẽ, bài trí các không gian số bằng hình ảnh, video, sách vở. Mọi người có thể mời bạn bè "tới nhà chơi" online, hay hai người có thể cùng ngồi nghe hòa nhạc với nhau dù thực tế đang ở hai đầu thế giới. Metaverse có những đặc điểm tương đồng với những đặc điểm của mạng xã hội thế hệ mới đó là cho phép đa kết nối thông suốt giữa các nền tảng. Người dùng metaverse được trao quyền tự do có thể tự thiết kế nội dung và trải nghiệm của họ. Người dùng tiếp nhận tin tức sẽ có một trải nghiệm sâu và đa chiều hơn. Metaverse Các siêu thị ảo sẽ cho phép người dùng có thể tương tác và mua sắm hàng hóa và nơi đây sẽ là nơi vận hành một nền kinh tế toàn diện.

Zuckerberg cho biết vũ trụ ảo có thể trở thành nền tảng xã hội quan trọng, với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong 10 năm tới. Zuckerberg đang kỳ vọng vũ trụ ảo này sẽ đạt một tỉ người dùng trong thập niên tới.

Nếu metaverse vận hành như kỳ vọng của Zuckerberg, nền tảng này sẽ cho phép người dùng tùy chỉnh avatar cũng như tự do tô vẽ, bài trí các không gian số bằng hình ảnh, video, sách vở. Mọi người có thể mời bạn bè "tới nhà chơi" online, hay hai người có thể cùng ngồi nghe hòa nhạc với nhau dù thực tế đang ở hai đầu thế giới. Metaverse có những đặc điểm tương đồng với những đặc điểm của mạng xã hội thế hệ mới như: Cho phép đa kết nối thông suốt giữa các nền tảng. Người dùng metaverse được trao quyền tự do có thể tự thiết kế nội dung và trải nghiệm của họ. Người dùng tiếp nhận tin tức sẽ có một trải nghiệm sâu và đa chiều hơn. Các siêu thị ảo sẽ cho phép người dùng có thể tương tác và mua sắm hàng hóa và nơi đây sẽ là nơi vận hành một nền kinh tế toàn diện.

Zuckerberg cho biết vũ trụ ảo có thể trở thành nền tảng xã hội quan trọng, với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong 10 năm tới. Zuckerberg đang kỳ vọng vũ trụ ảo này sẽ đạt một tỉ người dùng trong thập niên tới.

Chưa rõ Facebook có đạt được mục tiêu khi đổi tên hay không, song không thể phủ nhận đây là bước đi táo bạo. Đứng trước thử thách: Công ty đang đối mặt với những đối thủ mạng xã hội mới, sự phẫn nộ từ nhà quản lý khắp thế giới và thế hệ người dùng tiềm năng xem Facebook là cũ kỹ, tìm cách thay đổi là tất yếu phải diễn ra.

Theo Vietnamnet