Đổi màu cấp độ dịch vì F0 tăng nhanh
Tại cuộc họp, các địa phương đã thông tin nhanh về tình hình dịch COVID-19. Trong 7 ngày qua (29/10-4/11), cả nước ghi nhận 40.490 ca mắc mới, tăng 12.632 ca so với 7 ngày trước đó. Cả nước ghi nhận 18.073 ca mắc COVID-19 cộng đồng, tăng 6.324 ca so với 7 ngày trước.
Về thực hiện công bố cấp độ dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 tính đến ngày 17h00 ngày 4/11, cả nước có 7.161 xã, phường cấp độ 1 (67,5%); 3.087 xã, phường cấp độ 2 (29,1%); 247 xã, phường cấp độ 3 (2,3%); 106 xã, phường cấp độ 4 (1%).
Các địa phương họp trực tuyến với Bộ Y tế (Ảnh - Nguyễn Nhiên) |
Trong vòng 1 tuần qua, đã có sự thay đổi về số lượng cấp độ dịch phạm vi xã, phường như sau: giảm 142 xã, phường cấp độ 1, 2 (giảm 103 xã, phường cấp độ 1, giảm 39 xã, phường cấp độ 2); tăng 142 xã, phường cấp độ 3, 4 (tăng 102 xã, phường cấp độ 3; tăng 39 xã, phường cấp độ 4). Số xã, phường tăng cấp độ 4 xảy ra ở 4 khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Hiện, cả nước đã tiêm được 86.438.153 liều vaccine COVID-19, đã có 32,5 triệu người tiêm 1 liều và 26,9 triệu người tiêm đủ 2 liều.
Trong tuần (từ 27/10-3/11), cả nước đã triển khai tiêm được 7,6 triệu liều vaccine (giảm khoảng 300.000 liều so với tuần trước đó), trung bình mỗi ngày tiêm được khoảng 1,1 triệu liều). Một số tỉnh đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là TP. HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình… (hiện đã tiêm được hơn 800.000 liều vaccine).
Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 81,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 37,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cần phân bổ thêm vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Thông tin về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, GS.TS. Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Ngay khi có vaccine về, Viện sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo phân bổ vaccine cho các địa phương trên cơ sở kế hoạch dự trù các tỉnh, thành đã gửi về. Do đó, các địa phương cần tiêm chủng cho người trên 18 tuổi ngay số vaccine đã được phân bổ. Vaccine tiêm cho trẻ em của các địa phương sẽ phân bổ theo đợt riêng.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Các tỉnh, thành phố cần ban hành hướng dẫn cụ thể ở địa phương phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế. "Các tỉnh, thành phố được thực hiện theo cơ chế mở căn cứ trên thực tiễn rà soát người về từ vùng dịch của địa phương mình"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Nguyễn Nhiên) |
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân đi từ vùng dịch về chủ động khai báo y tế, phát huy tinh thần trách nhiệm chống dịch; hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới. Cùng với đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương phê duyệt phương án phòng chống dịch để doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, trong đó lưu ý hướng dẫn việc xét nghiệm của công nhân phải phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí.
Về công tác tiêm vaccine COVID-19, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng, tăng tốc nhập dữ liệu tiêm chủng; tiêm mũi 2 cho những trường hợp đã tiêm mũi 1 đủ thời gian; triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Trong tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh để lẫn các loại vaccine, phải tuân thủ "3 tra, 5 chiếu"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hiện, lãnh đạo Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị chuyên môn rà soát lại về công tác tiêm chủng, số vaccine đã tiêm, số còn lại. Bộ Y tế đề nghị 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam rà soát lại ngay nhân lực tiêm chủng, nếu thiếu báo ngay về Bộ Y tế trước 17h ngày 6/11. Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã thống nhất địa phương nào cần, Bộ Quốc phòng sẽ điều lực lượng quân y đến hỗ trợ.
"Nếu chúng tôi không nhận được báo cáo theo đúng thời hạn, coi như địa phương không cần hỗ trợ. Khi đó địa phương để xảy ra tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine sang nơi khác và lãnh đạo Sở Y tế sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về việc điều chuyển vaccine"- ông Tuyên nói.