EU nhất trí về lệnh cấm cục bộ dầu xuất khẩu của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gói lệnh trừng phạt thứ 6 cho phép Hungary đảm bảo nguồn nhập khẩu, nhưng sẽ ảnh hưởng khoảng 75% lượng dầu thô mà Nga xuất sang EU.
Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty

Sau nhiều tuần thảo luận, các nước thành viên EU cuối cùng đã nhất trí trên nguyên tắc về gói lệnh trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, giới lãnh đạo khối này tuyên bố sau cuộc họp hôm đầu tuần này. Hungary sẽ được phép đảm bảo lượng dầu nhập khẩu từ Nga của họ, phần còn lại của EU sẽ không nhập.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, và đến cuối năm có thể lên tới 90%.

Hungary, nước trước đó đã phản đối lệnh cấm này, được miễn trừ, tức họ vẫn được nhập dầu từ Nga, Thủ tướng Viktor Orban cho hay. “Các hộ gia đình Hungary có thể ngủ ngon”, ông viết trên mạng xã hội.

EU hiện đang tìm cách loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga. Hungary phản đối đề xuất cắt giảm hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga mà Brussels đưa ra, nói rằng họ không thể lập tức thay thế bằng nguồn cung khác. 60% lượng dầu của Hungary phải nhập từ Nga thông qua đường ống dẫn Druzhba có từ thời Liên Xô, và không có cách nào dễ dàng để nhập dầu bằng đường biển.

Gói lệnh trừng phạt được đề xuất đòi hỏi tất cả 27 nước thành viên EU phê chuẩn, bởi vậy mà quan điểm của Hungary không khác gì phủ quyết đề xuất trên, khi nó lần đầu được soạn thảo trong đầu tháng này. Phiên bản mới nhất của lệnh trừng phạt tạm thời loại bỏ dầu mà Nga xuất khẩu bằng đường ống dẫn, thay vào đó nhằm vào dầu xuất khẩu bằng đường biển. Ông Michel nói rằng lệnh hạn chế này sẽ chính thức được thông qua vào ngày 1/6. Các lãnh đạo châu Âu chỉ ra rằng dầu dẫn qua đường ống của Nga sẽ phải bị cấm trong tương lai.

Lệnh cấm dầu dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các nước khác không ủng hộ chiến dịch trừng phạt của Mỹ, như Trung Quốc hay Ấn Độ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cũng từng đưa ra lý do này để giải thích tại sao châu Âu chưa thể cấm hoàn toàn dầu của Nga.

Gói biện pháp trừng phạt mới nhất cũng ngắt kết nối Sber, ngân hàng lớn nhất của Nga, khỏi hệ thống tin nhắn tài chính SWIFT. Nó cũng cấm các hãng phát thanh Nga hoạt động ở EU, và áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhiều công dân Nga.