Dùng thuốc cam đánh tưa lưỡi cho con, trẻ bị ngộ độc chì, tổn thương não, hôn mê

VietTimes – Một gia đình đã dùng thuốc cam đánh tưa lưỡi cho em bé 3 tháng tuổi trong vòng 1 tuần liền, dẫn đến tình trạng bé bị nôn, đi ngoài, bỏ bú, sau đó xuất hiện co giật, nhập viện vào Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê, da xanh nhợt thiếu máu.
Cẩn thận khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Babble
Cẩn thận khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Babble

Chiều 11/8, 1 bệnh nhi 3 tháng tuổi được chuyển từ BV khác đến BV Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê, da xanh nhợt thiếu máu, không rõ sốt, với chẩn đoán viêm màng não.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nặng, bác sĩ Lương Văn Chương - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Đa khoa Xanh Pôn) lập tức tiến hành hội chẩn. Bởi là một bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, bác sĩ Chương hiểu rằng các nhóm bệnh gây hôn mê ở trẻ thường gặp bao gồm bệnh lý thần kinh như viêm não, màng não, xuất huyết não. Ngoài ra còn nhóm bệnh hiếm gặp hơn có thể là ngộ độc hoặc rối loạn chuyển hóa.

Gia đình cho hay bé bị bệnh 2 ngày liên tiếp với biểu hiện nôn, đi ngoài, bỏ bú, sau đó xuất hiện co giật. Khi bác sĩ cố gắng khai thác thông tin, gia đình mới cho biết thêm có bôi thuốc cam màu hồng để đánh tưa lưỡi cho con trong vòng 1 tuần, đã dừng thuốc được 5 ngày.

Bệnh nhi được lấy máu gửi Viện Hóa học để làm định lượng chì. Kết quả cho thấy lượng chì trong máu của bệnh nhi là 139,83Mg/ Dl cao gấp nhiều lần so với ngưỡng cho phép và vượt ngưỡng gây tổn thương não. Bác sĩ lấy gói bột màu hồng đánh tưa lưỡi cho bé đi chụp Xquang, hình ảnh phim chụp cho thấy cản quang rất mạnh do có kim loại nặng.

Gói thuốc cam gia đình đã dùng để đánh tưa lưỡi cho em bé 3 tháng tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Gói thuốc cam gia đình đã dùng để đánh tưa lưỡi cho em bé 3 tháng tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Bệnh nhi đã bị ngộ độc chì có tổn thương não do dùng thuốc cam, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ để lại tổn thương và di chứng nặng nề. Sau khi xác định nguyên nhân, bác sĩ điều trị cho bệnh nhi bằng truyền dịch và dùng các thuốc giải độc đặc hiệu là thuốc D-penicilamin - thuốc có khả năng gắp các kim loại nặng và thải ra ngoài cơ thể"- bác sĩ Lương Văn Chương chia sẻ.

Hiện, bệnh nhi đã tỉnh táo, hết co giật, bú được, tiên lượng thời gian điều trị còn kéo dài nhiều đợt, thậm chí có thể hàng năm.

"Hàng năm, BV Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi bị ngộ độc thuốc do sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ. Để đề phòng ngộ độc nói chung và ngộ độc chì ở trẻ nhỏ nói riêng, các bậc cha mẹ không tự ý mua và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để uống, bôi. Cha mẹ chỉ nên sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép” - Bác sĩ Lương Văn Chương cảnh báo.