Nối lại da đầu và da mặt cho nữ công nhân Hà Nội

VietTimes -- Nhóm bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) vừa phẫu thuật nối da thành công cho chị Đỗ Thị P. (38 tuổi, Hà Nội) bị lột một mảng da lớn ở vùng đầu và vùng mặt.

Trước khi tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân P. được sơ cứu tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, vì thương tích quá nặng nên nạn nhân được chuyển tuyến để cấp cứu.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, bà P. là bệnh nhân bị lột rời toàn bộ da đầu và nửa mặt rộng nhất từ trước đến nay mà bệnh viện điều trị. Tình trạng thương tích của bà P. rất nặng: Da đầu bị lột rộng, toàn bộ vùng da từ mi mắt hai bên đến gáy đã bị lột hết, phần da bị giằng xé dập nát rách thành nhiều đường, chỉ còn nối với nhau bởi các cầu da nhỏ.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ mới nối lại và bảo toàn chức năng vùng da đầu đã bị lột cho bà P.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ mới nối lại và bảo toàn chức năng vùng da đầu đã bị lột cho bà P.

Bác sĩ Vũ Trung Trực - Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia thực hiện ca mổ - cho biết, bà P. còn có vết thương kéo dài qua má xuống tận cằm, lật toàn bộ một bên mặt gây đứt thần kinh mặt và ống tuyến nước bọt mang tai.

Theo các chuyên gia, tổn thương của bà P. quá nghiêm trọng nên thời gian phẫu thuật kéo dài, việc phục hồi mạch máu vùng da đầu cũng gặp nhiều khó khăn do các mạch máu ở vùng thái dương hai bên bị dập nát. Bên cạnh đó, các cầu da nhỏ còn sót lại trên miệng vết thương sẽ làm cản trở quá trình tái tưới máu sau khi phục hồi lại mạch cho bà P.

Để chữa trị cho bà P., kíp trực cấp cứu và kíp trực chuyên khoa đã nhanh chóng hội chẩn, đánh giá tổn thương và toàn trạng người bệnh, đưa ra phương án phẫu thuật vi phẫu để nối da mặt, da đầu và phục hồi các bộ phận đã bị đứt rời cho bệnh nhân.

Bác sĩ khám cho nữ bệnh nhân hai tuần sau khi phẫu thuật.
Bác sĩ khám cho nữ bệnh nhân hai tuần sau khi phẫu thuật.

“Người bệnh được truyền đến hàng chục lít máu, chế phẩm máu và dịch trong ca mổ. Để phục hồi chức năng da đầu, các bác sĩ phải lấy các tĩnh mạch ở mu bàn chân và ngón chân của bệnh nhân để làm các cầu nối ghép từ vùng trước tai lên đỉnh đầu. Mạch máu nhỏ nhất được ghép nối ở đây là nhánh mạch trên ròng rọc của ổ mắt với kích thước chỉ khoảng 0,7 mm nhỏ hơn cả đầu que tăm và chỉ khâu siêu vi phẫu 11/0” – Bác sĩ Vũ Trung Trực cho biết.

Ca mổ kéo dài gần 12 giờ đồng hồ, Bệnh viện đã phải huy động tới cả những bác sĩ không có giờ trực để ca mổ thành công.

Hiện tại, sau mổ hai tuần, sức khỏe của bà P. đã phục hồi. Bà có thể đi lại, ăn uống tốt, phần da đầu lột được nối lại sống tốt và tóc bắt đầu mọc trở lại.