Du lịch Đà Nẵng dùng mạng xã hội vượt khó như thế nào?

VietTimes – Sau dịch COVID-19, tình hình thị trường du lịch Đà Nẵng trở nên ảm đạm. Để vượt qua khó khăn và kéo du khách trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đã có những cách vượt khó thú vị.
Các doanh nghiệp lữ hành dẫn chuyển sang cung cấp đơn hàng cho du khách qua internet, mạng xã hội
Các doanh nghiệp lữ hành dẫn chuyển sang cung cấp đơn hàng cho du khách qua internet, mạng xã hội

"Trong cái khó ló cái khôn"


Ghi nhận tại Đà Nẵng sau khi toàn thành phố ban hành lệnh dỡ bỏ giãn cách xã hội, các dịch vụ hoạt động trở lại bình thường cũng là lúc các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa các gói kích cầu ra thị trường nhằm khởi động trở lại thị trường du lịch vốn đã rất sôi động. Một loạt các gói dịch vụ du lịch giá rẻ hấp dẫn được ngành du lịch Đà Nẵng đưa ra nhằm kích thích khách nội địa đến với địa phương. 

Và để phát triển thị trường khách, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức lại hoạt động của mình, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, internet và cả mạng xã hội để quảng bá sản phẩm du lịch địa phương cũng như sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Như Nam – Tổng Giám đốc Công ty Vietnam TravelMART - cho biết, ngay sau khi lệnh giãn cách dịch COVID-19 được tháo dỡ và lời kêu gọi của ngành du lịch, đơn vị đã tập trung toàn lực cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, kéo khách trở lại với doanh nghiệp nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung.

Các fanpage được các doanh nghiệp khai thác tối đa sau dịch COVID-19 để kéo khách du lịch trở lại
Các fanpage được các doanh nghiệp khai thác tối đa sau dịch COVID-19 để kéo khách du lịch trở lại

“Bên cạnh việc đăng tải thông tin tour chuyến, các gói kích cầu du lịch trên trang website và fanpage của công ty thì hầu hết nhân viên công ty đều dùng facebook cá nhân để đăng tải thông tin dịch vụ. Các bạn hướng dẫn viên, nhân sự kinh doanh thực hiện việc này rất tích cực. Và ngay cả bản thân tôi cũng dùng facebook cá nhân để cung cấp thông tin dịch vụ đến du khách” - Tổng Giám đốc Công ty Vietnam TravelMART chia sẻ.

Ông nhấn mạnh rằng ông nói rất hiệu quả vì hầu hết ai cũng dùng mạng xã hội để tương tác. Qua đó, khách hàng có thể tìm hiểu sản phẩm và chốt đơn hàng một cách thuận lợi. Và sau khi chốt đơn hàng, thông qua điện thoại, email và số tài khoản của doanh nghiệp, khách hàng có thể thanh toán và đặt cọc sử dụng sản phẩm... Nói chung tất cả đều thực hiện trên mạng.

"Về hiệu quả, khó có thể so sánh với trước đây, cũng như khó đo đếm được chính xác, nhưng cách này rất hiệu quả. Đã có đến 70% giao dịch của chúng tôi thành công nhờ tương tác trực tuyến qua mạng xã hội. Còn đối với kênh khách hàng gián tiếp là các công ty lữ hành thứ cấp, đối tác thì họ cũng vậy và liên hệ với chúng tôi qua email như lâu nay” - ông Nguyễn Như Nam - cho biết thêm.

Cùng quan điểm như Vietnam TravelMART, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng cũng sử dụng công nghệ thông tin, internet và dần sử dụng mạng xã hội để quảng bá, cung cấp thông tin dịch vụ cũng như tương tác với khách hàng. Bên cạnh việc sử dụng website, fanpage của đơn vị, các ứng dụng website đặt chỗ trên mạng như: booking.com, agida.com, tripadvisor.com,… cũng được các doanh nghiệp sử dụng để quảng bá, cung ứng dịch vụ đến với khách hàng ngay sau dịch COVID-19 được nới lỏng.

Nhiều khách sạn đã sử dụng fanpage của mình với ứng dụng trả lời tự động nhiều hơn, thời lượng chăm sóc khách hàng lớn hơn, trả lời thông tin nhanh hơn để tương tác với khách hàng. 

Nhân viên kinh doanh dành thời gian trực fanpage của doanh nghiệp nhiều hơn so với trước sau dịch COVID-19
Nhân viên kinh doanh dành thời gian trực fanpage của doanh nghiệp nhiều hơn so với trước sau dịch COVID-19

“Đó là cách đến gần với khách hàng của mình nhanh nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh này. Các khách hàng từng là member của khách sạn luôn được chúng tôi cung cấp những thông tin mới nhất về các chương trình khuyến mãi sản phẩm. Và sau 1 tháng qua, hiệu quả của việc làm này đã mang lại những tín hiệu tích cực, khách đã đến với khách sạn dù chưa nhiều như trước” – anh Minh, chủ khách sạn B. trên đường Võ Nguyên Giáp - chia sẻ.

Tiếp tục khai thác mạng xã hội để quảng bá du lịch


Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến tháng 6/2020, Đà Nẵng có khoảng 1.016 cơ sở lưu trú với 42.206 phòng. Hiện nay, đa số các cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động trở lại để đón khách nội địa và có khoảng 5% cơ sở lưu trú du lịch chưa hoạt động đón khách do phụ thuộc thị trường khách quốc tế (đặc biệt là thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc…).

Sau khi Chính phủ và TP Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội từ cuối tháng 4/2020 đến nay, Đà Nẵng đã có hơn 55% cơ sở lưu trú hoạt động trở lại để đón khách và dự kiến sẽ có khoảng 70% cơ sở lưu trú hoạt động trở lại kể từ tháng 7/2020. Công suất phòng hiện tại đã bắt đầu tăng lên và đạt khoảng 30%.

Để khôi phục, phát triển trở lại ngành du lịch Đà Nẵng trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, du lịch Đà Nẵng đã sử dụng sức mạnh của CNTT để tập trung vào truyền thông, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như kích cầu du lịch, liên kết thu hút khách đến Đà Nẵng. Trong đó chú trọng quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các mạng xã hội: Facebook, Youtube, Instagram, TikTok… và các kênh truyền hình quốc tế.

Du lịch sông biển, một sản phẩm du lịch được Đà Nẵng quan tâm đầu tư
Du lịch sông biển, một sản phẩm du lịch được Đà Nẵng quan tâm đầu tư

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết: “Cùng với việc xúc tiến các đề án du lịch, việc cơ cấu lại ngành du lịch địa phương đang được kỳ vọng làm thay đổi, tạo ra sự khác biệt cho du lịch Đà Nẵng. Từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch Đà Nẵng xác định không gian phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, lấy các danh thắng làm trung tâm tạo vùng, với các nhóm sản phẩm du lịch được ưu tiên là du lịch biển nghỉ dưỡng; du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề; và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực”.

“Bên cạnh đó, tập trung vào 8 hướng giải pháp gồm: truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng; xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay; nghiên cứu khảo sát và đánh giá các thị trường khách, liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch…” - bà Trương Thị Hồng Hạnh - nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 1,49 triệu lượt (đạt 35,2% so với cùng kỳ 2019). Trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 598 nghìn lượt, đạt 33,9% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 893 nhìn lượt, đạt 36% so với cùng kỳ 2019 . Tổng thu du lịch ước đạt 5.952 tỷ đồng, đạt 40,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 1,1 triệu lượt khách, giảm 58,6% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 567 nghìn lượt, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 571 nghìn lượt, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Bằng việc triển khi các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch, Đà Nẵng kỳ vọng tổng khách tham quan cả năm 2020 ước đạt 3,98 triệu lượt, đạt 45,47% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 720.423 lượt, đạt 20,45% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 3,26 triệu lượt, đạt 63,05% so với cùng kỳ 2019;

Khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cả năm 2020 ước đạt 2,4 triệu lượt, đạt 40,65% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 719.900 lượt, đạt 20,58% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 1,69 triệu lượt, đạt 69,66% so với cùng kỳ 2019.