Du khách Việt phải trả phí hộ tống về nước, Singapore giải thích gì?

Sau khi nữ du khách Việt, bị từ chối nhập cảnh Singapore, đặt câu hỏi về lý do chị phải trả phí lưu phòng chờ về nước và phí hộ tống ở cửa khẩu, giới chức Singapore giải đáp về quy định này.
Khu nhập cảnh tại sân bay Changi, Singapore. Ảnh: mediacorp
Khu nhập cảnh tại sân bay Changi, Singapore. Ảnh: mediacorp

Theo tờ Today, Cục Di trú Singapore (ICA) mới đây cho biết, theo khuyến nghị của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các hãng hàng không được phép thu phí phát sinh từ việc ăn ở và đi lại của những hành khách bị từ chối nhập cảnh.

Thông tin của ICA đưa ra nhằm giải đáp các trường hợp tương tự chị Nguyễn Thanh Thủy, người Việt Nam, bị từ chối nhập cảnh dù từng theo học tại một trường đại học hàng đầu theo chương trình học bổng của Bộ Ngoại giao Singapore và đã ra vào nước này nhiều lần.

Bài viết của chị Thủy đăng trên Facebook ngày 20/10 có tựa đề “12 giờ kinh hoàng - câu chuyện của tôi về việc bị Singapore từ chối nhập cảnh”. Thủy mô tả "cơn ác mộng" khi phải qua đêm trong phòng giam giữ ở sân bay Changi, hành lý bị thu giữ.

Nguyễn Thanh Thủy cho biết chị đang làm việc cho một công ty quốc tế vì vậy công việc yêu cầu phải đi lại thường xuyên giữa TP HCM và Singapore để tham dự các buổi hội thảo và khóa đào tạo.

"Mỗi lần bay sang Singapore, dù với tư cách khách du lịch hoặc doanh nhân, tôi đều sẽ bị yêu cầu vào phòng chờ với lý do hộ chiếu, hồ sơ đáng nghi vì là phụ nữ trẻ độc thân tới từ một nước đang phát triển", chị viết.

Các lần trước đây, giới chức ở sân bay thường cho phép chị nhập cảnh ngay sau khi quét dấu vân tay, kiểm tra hồ sơ và phỏng vấn đôi chút. Tuy nhiên, trong vụ việc xảy ra hôm 19/10, Thủy kể đã bị giữ lại gần 12 giờ đồng hồ mà không được yêu cầu xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào. Sau đó cô còn bị yêu cầu thanh toán 104 SGD cho hai tiếng sử dụng giường ngủ trong phòng giam, và 50 đến 100 SGD cho dịch vụ “hộ tống” của cảnh sát.

Thủy cho biết cô và 4 người nữ khác đã phải ký một tờ khai xác nhận rằng họ không có đủ tiền mặt trong tay để chi trả cho dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán phí dịch vụ phát sinh.

Trả lời phóng viên trang Today, ICA cho biết chi phí này không thuộc phạm vi trách nhiệm của ICA, một khi du khách đã bị từ chối nhập cảnh và được tiếp nhận bởi hãng hàng không phụ trách việc trở về nước của họ. Nhân viên hãng hàng không sẽ thu xếp chỗ ở cho họ tại Phòng tiếp nhận hành khách bị từ chối nhập cảnh.

Trong phỏng vấn từ TP HCM qua điện thoại với báo trên, Thủy bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch trong quá trình đưa hành khách bị từ chối nhập cảnh về nước.

Phía ICA nhấn mạnh du khách nhập cảnh với mục đích thăm viếng sẽ không được phép tham gia bất kỳ loại hình lao động hay kinh doanh nào nếu không có giấy phép của cơ quan liên quan.

Thủy cho biết chị sẽ yêu cầu công ty cung cấp thư giới thiệu để sử dụng cho những lần xin nhập cảnh trong tương lai.

Theo Vne