Không dùng kháng sinh tuỳ tiện
Trong điều kiện ở một số địa phương số bệnh nhân gia tăng nhanh, nhiều F0 được chỉ định điều trị tại nhà, một số người được thầy thuốc chỉ định dùng thuốc theo đơn, tùy theo tình trạng bệnh của họ. Tuy nhiên, nhiều người lại tìm những đơn thuốc chia sẻ trôi nổi trên mạng để uống theo. Trong đó, có cả những nhân viên y tế chưa được đào tạo về điều trị COVID-19 cũng tư vấn sử dụng thuốc mà không tuân thủ đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Đơn thuốc F0 được chia sẻ trên mạng có thuốc kháng sinh (Vigentin) (Ảnh - MT) |
Trước thực trạng này, BS CKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Để quyết định cho bệnh nhân sử dụng thuốc gì phải căn cứ vào đặc điểm cơ địa của bệnh nhân, tình trạng diễn biến bệnh cụ thể để áp dụng phác đồ. Ví dụ như chỉ định kháng sinh phải có bằng chứng về việc người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn, sử dụng kháng viêm, chống đông phải trên cơ sở đánh giá diễn biến của người bệnh có đến giai đoạn và mức độ cần dùng không chứ không thể chỉ định đồng loạt, bừa bãi.
Phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết các loại thuốc dành cho bệnh nhân.
"Vì thế, bất cứ ai làm nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ F0 đều phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế và phải chịu trách nhiệm với việc tư vấn của mình. Dù điều trị trực tiếp hay điều trị COVID-19 từ xa thì trách nhiệm của các thầy thuốc là như nhau" - BS. Cấp nhấn mạnh.
BS CKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Hoàng Anh) |
Về cơ bản, 100% số bệnh nhân trong tuần đầu tiên của bệnh đều chỉ có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Triệu chứng nghiêm trọng nhất chỉ là sốt, chán ăn, tiêu chảy. Vì thế, những bệnh nhân được chỉ định điều trị tại nhà chỉ cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng cơ thể. Nếu sốt thì dùng thuốc hạ sốt, tiêu chảy thì bù thêm nước điện giải như Oresol hoặc có thể bổ sung thêm các vitamin nếu cần thiết.
Tuy nhiên, do trong giai đoạn đầu của bệnh đa số người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên đôi khi không biết mình bắt đầu mắc bệnh từ khi nào. Họ chỉ xác định được mắc COVID-19 khi có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, thời điểm đó có thể đã là những ngày sau của bệnh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trong quá trình điều trị tại nhà một số F0 hoàn toàn có thể có rơi vào giai đoạn diễn biến nặng bất cứ lúc nào.
Vì vậy, khi F0 điều trị tại nhà vẫn cần có sự kiểm soát của nhân viên y tế, để đảm bảo phát hiện sớm các dấu hiệu diễn biến nặng lên, kịp thời đưa đi điều trị tại BV.
Cá thể hoá điều trị, không có đơn thuốc chung cho tất cả F0
Theo ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang - về nguyên tắc, các bác sĩ phải hỏi bệnh, khám bệnh, xét nghiệm rồi kê đơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với bệnh nhân COVID-19, không phải bệnh nhân nào bác sĩ cũng khám bệnh trực tiếp được. Vì thế, chủ yếu các bác sĩ chỉ dừng ở mức độ hỏi bệnh, không thể khám bệnh trực tiếp và làm xét nghiệm.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều F0 điều trị tại nhà, các bác sĩ thường kê đơn thuốc “quá” lên, có tính chất “bao vây”. Do đó, với bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ thì không cần dùng kháng sinh, nhưng với người bệnh nặng, có bội nhiễm buộc phải dùng kháng sinh. Điều này có thể chấp nhận được nếu kháng sinh không chống chỉ định với bệnh nhân.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - BYT) |
“Hiện, F0 tại Hà Nội được quản lý khá tốt nhờ các trạm y tế. Khi điều trị thì các bác sĩ phải cá thể hoá từng bệnh nhân nên không có đơn thuốc chung cho tất cả các F0. Do vậy, F0 tốt nhất cần liên hệ với cơ sở y tế ở địa phương để được hỗ trợ kịp thời, kê đơn thuốc điều trị” – ông Thường nói.
BS. Thường khuyến cáo các F0 điều trị tại nhà nên có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục thể thao, tinh thần thoải mái, không quá lo sợ. Nếu sốt thì dùng hạ sốt, ho uống thuốc ho. Nếu dùng các thuốc khác phải có ý kiến của bác sĩ, không nên tự uống thuốc.
Người dân không nên tự thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19
Theo BS. Cấp, COVID-19 là bệnh mới xuất hiện nên giai đoạn đầu các phương án điều trị chưa sẵn có. Bởi vậy tất cả các thuốc được coi là tiềm năng đều được đưa vào nghiên cứu, thử nghiệm, bao gồm cả những thuốc đã sẵn có như một số thuốc chữa cúm, HIV, sốt rét, giun sán hay những thuốc mới được phát triển.
Đã có nhiều thuốc trong giai đoạn đầu rất được kỳ vọng như thuốc chữa sốt rét Chloroquine hay thuốc chữa HIV như Lopitravir/ritonavir, nhưng sau đó các thuốc này đều không có ích lợi gì với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2. Còn các thuốc mới phát triển chưa đủ thời gian và cỡ mẫu nghiên cứu lớn để đánh giá lợi ích, tác dụng phụ trước mắt cũng như kéo dài.
Các loại thuốc kháng virus rao bán tràn lan trên mạng khi có người hỏi mua (Ảnh - MT) |
Bởi vậy có thể nói hầu hết các thuốc kháng virus SARS-CoV2 hiện tại chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Vì thế, việc chỉ định thuốc kháng virus phải do thầy thuốc cân nhắc trên cơ sở lợi ích phải vượt trội so với nguy cơ tiềm năng đối với bệnh nhân, và quá trình dùng thuốc phải được giám sát bởi nhân viên y tế. Người bệnh không nên nghe theo các thông tin lan truyền không chính thống hay học theo những đơn thuốc sẵn có của người khác để tự mang cơ thể mình ra “thử nghiệm”.
Trước thông tin lan truyền trên mạng cho rằng 16% người mắc COVID-19 sau đó tái dương tính trong thời gian theo dõi hậu COVID-19 (4-12 tuần), BS CKII. Nguyễn Trung Cấp cho hay: “Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng. Trong nhóm bệnh nhân mắc bệnh nặng hầu như không có trường hợp nào là bệnh nhân đã khỏi trước đó tái dương tính. Còn ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có bao nhiêu % người tái dương tính lại ở tầng điều trị khác nên tôi không nắm được thông tin này”.
Về giai đoạn hậu COVID-19 của bệnh nhân, BS. Cấp chia sẻ: “Hiện tôi chưa có thời gian để nghiên cứu vấn đề này vì toàn Bệnh viện đang tập trung hết sức để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh nặng. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhóm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, có thể khảo sát lại những bệnh nhân khỏi COVID-19 ra viện, trở về nhà để xem xét có gặp phải vấn đề gì hay không”.
Cũng như BS. Cấp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khẳng định: “Tôi không nắm được số liệu này. Hiện, Bệnh viện đang theo dõi những bệnh nhân trong giai đoạn hậu COVID-19”.