Kế hoạch cắt giảm nhân công của GM và Ford đã đi ngược lại cam kết tăng cường lượng lao động tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã thể hiện rõ thái độ thất vọng với quyết định này của ban lãnh đạo GM, và cá nhân CEO Marry T. Barra: “Tôi đã nói chuyện với cô ấy là và nhấn mạnh rằng tôi không hài lòng với những gì cô ấy đã làm”.
Tổng thống Mỹ cũng nhắc nhở rằng GM từng được Washington giải cứu, khi công khai phá sản vào năm 2009: “Bạn biết đấy, Hoa Kỳ đã cứu General Motors”. Ông Trump tiết lộ thêm: “Và đối với cô ấy, việc rút hoạt động của công ty khỏi Ohio là không đúng đắn. Tôi nghĩ rằng cô ấy sẽ đưa thứ gì đó trở lại”.
5 nhà máy nằm trong kế hoạch đóng cửa của GM nằm ở bang Ohio, Michiga, Maryland và tỉnh Ontario của Canada.
Doanh số sụt giảm là lý do chính khiến nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 thế giới đưa ra quyết định trên. Năm qua, GM đã không thể thành công với chiến lược tập trung vào dòng xe sedan cỡ nhỏ. Bởi giá xăng thấp nên người dùng có xu hướng tìm mua những mẫu xe bán tải hoặc xe thể thao.
Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải trả giá cho cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi xướng. Vào tháng 6, GM đã cắt giảm triển vọng lợi nhuận năm do hàng rào thuế quan làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thép nội địa Mỹ. New York Times nhận định lãi suất tăng cũng là một trong những những nguyên nhân.
Tuy nhiên, CEO Marry T. Barry cho biết quyết định cắt giảm không xuất phát từ những nguyên nhân trên. Phát biểu trong một cuộc hội nghị với các nhà phân tích, bà Barry nói: “Chúng tôi thực hiện hàng động này khi công ty và nền kinh tế đang đứng yên quá lâu, trước một thị trường thay đổi nhanh”.
Hệ quả của kế hoạch ngừng hoạt động 5 nhà máy của GM vào năm 2019 sẽ dẫn tới 3.300 công nhân tại Mỹ và 2.500 người tại Canada rơi vào cảnh thất nghiệp . Công ty cũng đang đặt mục tiêu cắt giảm lương của 8.000 nhân viên. Số lượng nhân lực bị cắt giảm chiếm tỷ lệ 10% lực lượng lao động của GM tại Bắc Mỹ (124.000 người).
Trong khi đó, các nhà đầu tư lại ủng hộ quyết định của công công ty. Giá cổ phiếu của GM tăng 4,8% trước khi phiên giao dịch 26/11 đóng cửa, cao nhất trong khoảng 3 tháng trở lại đây.
Công nhân tại nhà máy General Motors tại thành phố Oshawa, tỉnh Ontario đình công phản đối chính sách cắt giảm nhân lực. Ảnh: PRI
|
Từ cuối tuần qua, tin đồn về kế hoạch cắt giảm nhân lực của GM đã nổi lên tại Canada. Tờ Times ghi nhận các công nhân của nhà máy ở Oshawa, tỉnh Ontario đã tổ chức đình công ngay trước khi nhận được thông báo chính thức. Họ vẫy cờ đỏ, khoác áo có logo của công đoàn Unifor và chặn lối vào của xe tải.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự "thất vọng sâu sắc” về quyết định đóng cửa của bà Barra.
Trong cuộc đám phán với GM, phát ngôn viên của Hội liên hiệp Công nhân Ô tô Mỹ, tổ chức đại diện cho công nhân tại các nhà máy Mỹ, Terry Dittes tuyên bố không đấu tranh chống lại quyết định của GM. Tuy nhiên, việc đóng cửa nhà máy tại Mỹ trong khi mở rộng sản xuất tại Trung Quốc và Mexico sẽ “gây thiệt hại sâu sắc cho lực lượng lao động Mỹ”.
Ba cơ sở sản xuất xe ngừng hoạt động bao gồm hà máy sản xuất mẫu Chevrolet Cruze ở Lordstown; nhà máy sản xuất mẫu Chevrolet Volt, Buick LaCrosse và Cadillac CT6 ở Destroit-Hamtramck; và nhà máy ở Oshawa sản xuất mẫu Chevrolet Impala. Hai nhà máy còn lại chủ yếu ở Baltimore và Warren chỉ gia công động cơ truyền tải.
GM, Ford và Fiat Chrysler đều sẵn sàng đàm phán hợp đồng lao động mới trong năm tới. Một số nhà máy GM bị ảnh hưởng có thể vẫn duy trì hoạt động sản xuất, tùy thuộc vào kết quả thương lượng. Tại Mỹ, các nhà sản xuất xe thường đồng ý giữ nhà máy mở cửa để đổi lấy sự nhượng bộ từ công đoàn.
Đầu năm nay, Ford đã đi trước GM với tuyên bố ngừng sản xuất xe sedan cho thị trường Bắc Mỹ và cắt giảm lực lượng lao động. Fiat Chrysler thì đã ngừng sản xuất xe hơi cỡ nhỏ và vừa từ năm 2016.
GM cho biết quyết định đóng cửa nhà máy tự động hoàn toàn, thay vì chạy không tải, rất hiếm xảy ra kể từ thời hoàng kim của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Kể từ khi hồi phục sau cuộc suy thoái, các nhà sản xuất đã khởi động lại các nhà máy đóng cửa, xây dựng thêm nhiều nhà máy khắp miền Nam và cung cấp việc làm cho hàng chục ngàn người. Đáng chú ý trong vòng 10 năm qua, chỉ có Mitsubishi Motors đóng cửa nhà máy ở Normal hồi năm 2016 và Ford đóng cửa nhà máy ở St.Paul vào năm 2011.
Giờ đây, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với những mẫu xe cỡ nhỏ và hạng trung đã giảm mạnh. Hai phần ba xe mới tiêu thụ trong năm ngoái thuộc dòng bán tải và SUV. Sự thay đổi của thị trường đã gây khó cho nhà máy của GM ở Lordstown. Trước đây, nhà máy này rút thời lượng từ 3 xuống 1 ca làm việc dành cho quá trình chế tạo Chevy Cruzes. Năm 2013, nhà máy xuất xưởng 248.000 xe, thì năm 2017 sản lượng chỉ còn 180.000 xe.
Nhìn chung, chuỗi leo dốc trong nhiều năm của doanh số bán xe hơi và xe tải kéo ở Bắc Mỹ dường như đã chấm dứt. Phó chủ tịch AlixPartners nhận định: “Doanh số bán hàng vẫn giữ vững trong năm nay, nhưng chúng tôi thấy một cuộc suy thoái sắp tới”. Công ty tư vấn toàn cầu ước tính doanh số bán ô tô tại Mỹ sẽ giảm từ 17 triệu chiếc trong năm nay xuông 15 triệu đơn vị xe hơi và xe tải nhẹ vào năm 2020.
Mặc dù đang phải đối mặt với cuộc suy thoái đã được dự báo trước, nhưng các nhà sản xuất ô tô vẫn tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực xe điện và xe tự hành, công nghệ phương tiện di chuyển trong tương lai. Xu hướng đó sẽ là thay đổi ngành công nghiệp toàn cầu, giúp các công ty mở rộng lĩnh vực đầu tư, thâm nhập lĩnh vực mới có khả năng sinh lời như dịch vụ taxi và giao vận không người lái.
Trong bối cảnh khó khăn, các nhà sản xuất ô tô đã nhận được ưu đãi lớn từ Washington. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua chính sách cắt giảm thuế do Tổng thống Donald Trump đề xuất. Theo báo cáo thu nhập hằng quý của GM, chính sách mới đã tiết kiệm cho công ty 157 triệu USD thuế liên bang trong 9 tháng đầu năm.
Đồng thời, chính quyền Trump đã loại bỏ yêu cầu nghiêm ngặt về khí thải được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ còn đặt kỳ vọng ông Trump sẽ đạt được thỏa thuận với bang California, nơi có yêu cầu phát thải riêng. Qua đó, họ sẽ tránh được việc phải đáp ứng 2 bộ tiêu chuẩn khác nhau.
Thực tế, trong suốt chiến dịch tranh cử và cả khi tại vị, ông Trump luôn khuyến khích các nhà sản xuất như Ford hay GM xây dựng nhà máy tại Mỹ, thay vì Mexico và Trung Quốc. Và bất chấp kế hoạch cắt giảm nhân lực hiện nay, ông Trump vẫn khẳng định quyết tâm thay đổi một số điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, ký kết năm 1994, để mở ra thêm cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô.
Điều khoản bổ sung mà ông Trump muốn thương lượng với Canada và Mexico quy định một công ty muốn được miễn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải sản xuất 75% tổng giá trị xe tại Bắc Mỹ. Trong đó, 40-45% giá trị của một chiếc xe phải bao gồm các bộ phận được thực hiện bởi công nhân hưởng mức lương ít nhất 16 USD/giờ (điều khoản nhằm giảm lợi thế về tiền lương tại Mexico). Các nhà phân tích tin rằng thay đổi trên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ sẽ chỉ gây ra được tác động rất nhỏ tới công ăn việc làm của người Mỹ.
Hơn hết, dù ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã bổ sung hơn 350.000 lao động kể từ thời điểm suy thoái nghiêm trọng vào năm 2007. Nhưng so với năm thời điểm trước khi khủng hoảng tài chính Mỹ diễn ra, các nhà sản xuất vẫn sử dụng ít hơn hàng chục ngàn nhân công, và ít hơn hàng trăm ngàn nhân công so với năm 2000.
Ước tính tới tháng 10 năm 2018, có 970.000 người đang làm việc trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ, tăng 12.8000 nhân lực kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng nằm đến từ các nhà sản xuất xe RV và rơ moóc. Theo số liệu từ chính phủ Mỹ, các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm 7.000 nhân lực sau tháng 10 (con số không bao gồm nhân viên đại lý, kỹ thuật viên trong xưởng sửa chữa và các ngành liên quan).
Phát biểu ngày 26/11, bà Barra tuyên bố sẽ dành ra 2 tỷ USD thanh toán cho kế hoạch cắt giảm việc làm. Khoản phí này sẽ ảnh hưởng tới thu nhập trong quý IV năm 2018 và quý đầu năm 2019.
Trong tháng 10, GM đã được cung cấp các gói cắt giảm để thuyết phục nhân viên hưởng lương tại Bắc Mỹ rời khỏi công ty. Vào tháng 1 năm sau, công ty sẽ bắt đầu kế hoạch cắt giảm không tự nguyện với một số bộ phận văn phòng. Mục tiêu của ban lãnh đạo GM là giảm 15% nhân lực hưởng lương ở Bắc Mỹ.
Đồng thời, GM tiết lộ sẽ đóng cửa thêm 2 nhà máy khác ở Bắc Mỹ, hiện chưa được xác định, vào cuối năm 2019.