Doanh nghiệp cổ phần tư nhân muốn được tạo điều kiện tham gia các dự án của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – MoMo mong muốn được tạo điều kiện tham gia vào các dự án của Chính phủ, những thử nghiệm lớn như các tập đoàn Viettel hay VNPT đang triển khai và cho rằng việc này giúp cho xã hội số phát triển hơn nữa.
Ông Nguyễn Bá Diệp trao đổi tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022.
Ông Nguyễn Bá Diệp trao đổi tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022.

Kiến nghị này được ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo - bày tỏ trước Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) với chủ đề “Hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra mới đây.

Trình bày về giải pháp số trong hệ sinh thái tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ góc nhìn rằng "việc chuyển đổi số của xã hội không chỉ phát triển ở thượng tầng mà phải từ dưới đi lên”.

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 5 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ với khoảng 35 triệu lao động. Nếu chúng ta có thể chuyển đổi số được nhóm doanh nghiệp này thì sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội.

Thực tế triển khai, đại diện MoMo cho biết, hiện đang cung cấp nhiều giải pháp cho doanh nghiệp quy mô khác nhau. Với tiểu thương họ rất quan tâm giải pháp là gì, có tốn chi phí không, hiệu quả không. Do đó, MoMo cung cấp giải pháp đơn giản nhất là thanh toán QR Code, tích hợp dễ dàng, miễn phí.

Ở mức độ cao hơn, nếu doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, MoMo cũng có giải pháp cung cấp dịch vụ quản lý kinh doanh, tiếp thị đa nền tảng. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, ăn uống, hay doanh nghiệp lớn, quy mô lớn hơn, đơn vị này đã có dịch vụ đáp ứng.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, ông Diệp đưa ra 3 đề xuất với Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để "thúc đẩy hơn nữa xã hội số, thanh toán số sẽ đi vào cuộc sống từng người, đưa xã hội phát triển" - như lời ông Diệp nói.

"Thứ nhất, nói đến đổi mới sáng tạo là chúng ta nói đến những mô hình mới, trước đây chưa có trên thị trường. MoMo rất cần cơ sở pháp lý phù hợp để triển khai, phát triển.

Thứ hai, muốn làm được chúng ta cần có một lượng nhân lực ICT rất lớn từ trong nước và ngoài nước. Mục tiêu của quốc gia đặt ra là 1 triệu kỹ sư thì cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt, ví dụ như miễn phí thu nhập cá nhân trong 10 năm. Tôi tin rằng đó sẽ là động lực rất lớn để đạt được mục tiêu, thu hút được nhân sự nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước".

Theo ông Diệp, đây là cũng vấn đề rất "nóng" tại MoMo, trong bối cảnh có hơn 2.000 nhân sự thì hơn một nửa là đội ngũ kỹ sư công nghệ và phát triển sản phẩm.

"Cuối cùng, về mặt chính sách, chúng tôi cũng mong muốn những doanh nghiệp cổ phần tư nhân như MoMo sẽ được tạo điều kiện tham gia vào các dự án của Chính phủ, tham gia vào những thử nghiệm lớn cùng các tập đoàn lớn như Viettel hay VNPT".

Đồng sáng lập MoMo khẳng định, điều này tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà còn xã hội số phát triển hơn nữa.

Cũng liên quan việc này, một đánh giá của VCCI về chuyển đổi số nhận định, về lý thuyết, các doanh nghiệp tư nhân được tham gia cung cấp tất cả những hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục này và danh mục cấm kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay tư nhân vẫn không được phép kinh doanh do chưa xây dựng được cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện công việc này. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cản trở sự tham gia của tư nhân vào cung cấp dịch vụ công là quy trình cấp phép, giao dự án lựa chọn chủ đầu tư của cơ quan nhà nước trong một số lĩnh vực./.