Tiến trình điều tra để luận tội ông Trump chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chiến lưỡng đảng ngay trong Quốc hội Mỹ, ảnh hưởng tới các chiến dịch tranh cử Tổng thống trong những tháng tới đây, tiếp nguồn lực mới cho những người ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, cùng lúc phủ bóng cuộc đua giành vị trí ứng viên đối đầu với ông Trump của đảng Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tuyên bố về việc mở cuộc điều tra luận tội sau khi tham dự một cuộc họp kín với các nhà lập pháp của đảng Dân chủ. Bà nói rằng những hành động của ông Trump mới đây đã gây tổn hại tới an ninh quốc gia và vi phạm hiến pháp Mỹ.
“Tổng thống cần phải chịu trách nhiệm. Không ai đứng trên luật pháp cả” – bà Pelosi, người từng do dự trong việc ủng hộ nỗ lực luận tội ông Trump suốt nhiều tháng qua, nói.
Ông Trump đã lập tức phản ứng trên mạng xã hội Twitter, gọi cuộc điều tra này là “mớ rác rưởi phù thủy” – ám chỉ một cuộc điều tra vô ích.
Sự thay đổi quan điểm của bà Pelosi bắt nguồn từ một số báo cáo cho rằng ông Trump đã gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cú điện đàm hôm 25/7 để ông này điều tra tham nhũng đối với ông Joe Biden – cựu Phó Tổng thống dưới thời Obama đang tham gia cuộc đua giành vị trí ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống.
Ông Trump hôm 24/9 đã hứa hẹn công bố đoạn băng ghi âm cuộc điện đàm này. Ông xác nhận đã nhắc tới ông Biden trong cuộc gọi, nhưng bác bỏ cáo buộc cho rằng ông hứa chi gần 400 triệu USD tiền viện trợ quân sự cho Ukraine để đổi lại việc ông Zelensky khởi động cuộc điều tra nhằm vào ông Biden – người đang dẫn đầu cuộc đua bên phía đảng Dân chủ.
Bà Pelosi cho hay 6 ủy ban Quốc hội hiện đang điều tra ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc. Các ủy ban này sẽ hợp tác với nhau, sau đó quyết định xem liệu Ủy ban Tư pháp Hạ viện có nên soạn thảo ra các điều khoản về luận tội ông Trump hay không – một số cố vấn tại Hạ viện cho hay.
“Nhiều hành động mà ông Trump đưa ra trên cương vị Tổng thống đã cho thấy một thực tế đáng hổ thẹn là ông đã phản bội lại lời tuyên thệ lúc nhậm chức, phản bội lại an ninh quốc gia và phản bội lại sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử” – bà Pelosi nói.
Ngược lại, các đồng minh của ông Trump trong Quốc hội cáo buộc bà Pelosi đang chơi trò chính trị bằng quyết định mở cuộc điều tra luận tội. Thủ lĩnh nhóm đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, gọi quyết định của bà Pelosi là “kết luận chóng vánh”, thêm rằng cần phải chờ đợi cho tới khi có chi tiết về cuộc điện đàm của ông Trump.
“Điều này đơn giản cho thấy rằng ưu tiên của phe Dân chủ ở Hạ viện không phải là giúp cuộc sống người dân Mỹ tốt hơn, mà là nỗ lực luận tội kéo dài gần 3 năm” – ông McConnell nói trong một tuyên bố.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố về quyết định mở cuộc điều tra luận tội ông Trump (Ảnh: Reuters)
|
Quá trình điều tra luận tội đến cuối cùng có thể khiến ông Trump bị phế truất, dù rằng đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với phe Dân chủ. Ngay cả khi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát có bỏ phiếu thông qua việc luận tội ông Trump, thì Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát vẫn là cửa ải tiếp theo cần vượt qua. Cần phải có sự ủng hộ của 2/3 tổng số nghị sỹ trong Thượng viện thì việc luận tội mới có thể được thông qua – điều gần như bất khả thi với phe Dân chủ.
Đây sẽ là quá trình điều tra luận tội đầu tiên trong Quốc hội Mỹ kể từ năm 1998, khi mà Tổng thống Bill Clinton cũng bị điều tra vì cáo buộc khai man và cản trở pháp luật, liên quan tới bê bối tình ái với thực tập viên Nhà Trắng Monica Lewinsky. Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội ông Clinton vào tháng 12/1998, nhưng chỉ 2 tháng sau vị Tổng thống của đảng Dân chủ này đã được Thượng viện “tha bổng” và giữ vững quyền lực.
Tiềm ẩn rủi ro chính trị
Ông Joe Biden nói rằng ông sẽ ủng hộ việc luận tội nếu như Tổng thống có thái độ không hợp tác với các cuộc điều tra của Quốc hội. “Nếu chúng ta để cho một Tổng thống phá nát hiến pháp mà không chịu hậu quả gì, điều đó sẽ tồn tại mãi mãi” – ông Biden nói trước báo giới tại Wilmington, bang Delaware.
Hầu hết các ứng viên Tổng thống đang tham gia cuộc chạy đua giành vị trí đại diện của đảng Dân chủ đều ủng hộ tiến trình điều tra luận tội ông Trump, trong đó bao gồm nữ nghị sỹ Elizabeth Warren, ông Bernie Sanders, bà Kamala Harris, ông Cory Booker và Amy Klobuchar; Beto O’Rourke, Pete Buttigieg và Julian Castro.
Tuy nhiên quyết định điều tra luận tội cũng có rủi ro phản tác dụng đối với phe Dân chủ, nếu như giới cử tri tin rằng đảng này đang vượt quyền – như từng xảy ra với các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, những người đã để mất nhiều ghế trong kỳ bầu cử năm 1998 chỉ vì theo đuổi quá trình luận tội Tổng thống Clinton.
Tổng thống Trump đã chứng tỏ được ông là người kiên định như thế nào kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, khi sống sót sau hàng loạt các vụ bê bối trong khi vẫn duy trì được sự ủng hộ mảnh mẽ từ phía các thành viên trong đảng Cộng hòa.
Ông Trump cam kết sẽ công bố đoạn băng ghi âm “đầy đủ, được giải mật và không bị chỉnh sửa” về cuộc điện đàm với lãnh đạo Ukraine ngày 25/7.
Phe Dân chủ cũng đang tìm cách thu được lá đơn tố cáo gốc mà một quan chức tình báo Mỹ gửi đi để tố giác cuộc gọi của ông Trump, cũng như thông tin về việc ông Trump hứa viện trợ quân sự cho Ukraine để đổi lấy việc nước này điều tra tham nhũng với ông Biden. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho hay ủy ban của ông đang liên hệ với một luật sư đại diện cho “người thổi còi” này và thêm rằng có khả năng quan chức tình báo trên sẽ điều trần trong tuần này.
Nhà Trắng hiện từ chối trao đơn tố giác nói trên cho Quốc hội. Tuy nhiên, một quan chức chính quyền cho hay, họ có thể công bố nó vào cuối tuần này, và gần như chắc chắn sẽ cho phép “người thổi còi” gặp gỡ với các nhà điều tra của Quốc hội. Thượng viện Mỹ hôm 24/9 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi trao bức thư tố giác này cho Ủy ban Tình báo của cả Thượng viện và Hạ viện. Nhà Trắng cũng sẽ tổ chức bỏ phiếu về một nghị quyết tương tự trong hôm nay.
Tổng thống Trump khẳng định rằng, đoạn băng ghi âm trên sẽ cho thấy rằng cuộc điện đàm giữa ông với lãnh đạo Ukraine là “hoàn toàn hợp lệ”, rằng ông không hề gây sức ép với ông Zelensky để mở cuộc điều tra ông Biden, và cũng bác bỏ thông tin về khoản tiền viện trợ 400 triệu USD.
“Khi các bạn nghe được đoạn ghi âm cuộc gọi, thứ mà tôi cho rằng sẽ đến lúc các bạn được nghe, các bạn sẽ hiểu thôi. Cú điện đàm đó là hoàn hảo. Nó không thể tốt hơn được” – ông Trump nói trước báo giới bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ tổ chức tại New York.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng việc cân nhắc viện trợ cho Ukraine không có gì là xấu xa và sai trái, nhưng thêm rằng ông muốn cả châu Âu cũng phải hỗ trợ cho nước này chứ không riêng gì nước Mỹ.
Theo Reuters