Ủy ban này được cho là đã thay đổi mục đích của một cuộc điều tra vốn nhằm vào hoạt động giám sát nhiệm kỳ của Tổng thống Trump thành cuộc điều tra "luận tội" ông, nhằm mục đích đến cuối năm nay sẽ đưa ra quyết định xem có trình các điều khoản luận tội lên Hạ viện hay không - Reuters cho hay. Hãng tin này dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết rằng các thành viên Ủy ban Tư pháp có thể bỏ phiếu để thông qua một biện pháp giúp làm rõ hơn về tính chất của cuộc điều tra này vào hôm thứ Tư tuần tới.
Nỗ lực thúc đẩy tiến trình luận tội này đã lập tức vấp phải sự chỉ trích của đảng Cộng hòa vì cố né tránh một tiền lệ từng xuất hiện trong lúc điều tra luận tội nhằm vào cựu Tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton - khi mà tiến tình điều tra được cả Hạ viện thông qua. Tuy nhiên, lần này, phe Dân chủ lại cố gắng tránh một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện bởi họ sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro, nhất là từ những gương mặt mới trong đảng Dân chủ thuộc các khu vực không nghiêng về phe nào - nơi mà việc luận tội Tổng thống không được cử tri ủng hộ.
Nỗ lực luận tội ông Trump trước đây của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler chủ yếu tập trung vào bằng chứng mà cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller thực hiện đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và bằng chứng về khả năng ông Trump đã "cản trở luật pháp" trong tiến trình điều tra. Tuy nhiên, trong kết luận điều tra của mình, Ông Mueller không hề kết luận rằng ông Trump phạm tội cản trở pháp luật nhưng cũng không tuyên bố ông Trump vô tội, thay vào đó để Quốc hội tự phán quyết.
Kể từ sau đó, ông Nadler lại tập trung vào một số cáo buộc cho rằng ông Trump đã "pha trộn" lợi ích doanh nghiệp của mình với các lợi ích trên cương vị Tổng thống, và từng chi tiền trong chiến dịch tranh cử năm 2016 để bịt miệng những người phụ nữ từng có quan hệ tình cảm với ông.
Chi tiết về cuộc điều tra mới hiện vẫn đang được thảo luận, và cuộc bỏ phiếu dự kiến tổ chức trong tuần tới sẽ đặt ra các quy định trong các phiên xét xử. Nghị quyết mà phe Dân chủ thúc đẩy sẽ cho phép các luật sư đặt ra câu hỏi với nhân chứng, tổ chức các cuộc phỏng vấn kín và thành lập bồi thẩm đoàn, cho phép phía Nhà Trắng gửi phản ứng tới ủy ban để điều chỉnh.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Ủy ban này đệ trình nghị quyết mới ra bỏ phiếu ở toàn Hạ viện hay không. Hiện nay đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của ít nhất 134 thành viên trong Hạ viện, tuy nhiên nó cần có tới 218 lá phiếu thuận mới thể được thông qua. Thêm vào đó, khi vượt qua ải Hạ viện, đề xuất cần được ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện phê chuẩn - điều gần như không thể bởi Thượng viện vẫn đang trong tầm kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Theo Sputnik